Bãi ngao chết trắng ở Hậu Lộc, Thanh Hóa (Ảnh Tuệ Minh) |
Trong những ngày mưa phùn gió bấc này tại bãi nuôi trồng thuỷ sản ở Hậu Lộc, Thanh Hoá, khi những người làm ăn đang cố nốt những chuyến hàng cuối để mong có cái Tết ấm no hơn thì những người dân nuôi ngao ven biển lại buồn đến thắt ruột.
Hàng trăm tỉ đồng bỗng chốc hoá ra rác khi ngao rải rác chết từ cuối tháng 12/2016 cho đến nay, với tổng tỷ lệ lớn chưa từng có: 75-80%, có nơi gần 100%.
"Như một canh bạc"
Trò chuyện với chúng tôi cùng với những người cùng cảnh ngộ, ông Vũ Huy Đính (người dân thôn Minh Thịnh, xã Minh Thịnh, huyện Hậu Lộc) cho hay gia đình ông có 3ha ngao. Năm 2011 và 2012, gia đình ông thất bát nên sinh ra cảnh nợ nần.
Ngao chết trắng khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh nợ nần (Ảnh Tuệ Minh) |
Cố gắng vay mượn ngân hàng để tái đầu tư vào ruộng ngao và riêng năm 2016, ông đã đầu tư 300 triệu đồng tiền con giống.
Những tưởng ngao phát triển "trời yên biển lặng", cuối năm bán ngao, gia đình ông có thể trả khoản nợ 1,5 tỉ đồng của ngân hàng thì nào ngờ, ngao chết hàng loạt.
Không những vậy, ông còn phải bỏ tiền ra thuê người nhặt vỏ ngao. Ngồi bấm đốt tay, ông lẩm nhẩm tính đến tiền triệu cho việc này.
Nhiều người dân đang thu gom vỏ ngao chết (Ảnh Tuệ Minh) |
Còn gia cảnh anh Nguyễn Minh Tình (người thôn Minh Thịnh) cũng chẳng khác so với ông Đính là mấy.
Đầu tư nhiều tiền vào 4ha ngao, anh Tình có ý định, nếu cuối năm thu hoạch được 2,5 tỉ đồng từ ngao thì sẽ trả nợ. Nhưng nào ngờ, chỉ chưa đầy nửa tháng nay, gia đình anh bỗng tay trắng.
Được biết toàn xã Minh Lộc có khoảng 60 hộ nuôi ngoa với diện tích 100ha. Theo nhiều người dân địa phương này, hàng năm hiện tượng ngao chết không phải là xa lạ nhưng tỷ lệ chết chỉ khoảng 5-10%. Riêng năm nay, con số ngao chết đã gần như hoàn toàn.
Theo lời ông Đính, dù năm nay ngao chết nhiều nhưng lại có một điều kỳ lạ. Đó là không có hiện tượng bốc mùi thối như những lần trước, ruột ngao tan rất nhanh. Hai năm qua, những con cá biển vốn là nguồn thực phẩm của người dân nơi đây cũng đã "tự nhiên" giảm dần và cho đến 1 tháng nay, hầu như người dân không còn bắt được cá trong khu vực nuôi ngao nữa.
Ngao bỗng dưng chết trắng khiến người dân nuôi ngao đứt từng khút ruột (Ảnh Tuệ Minh) |
"Đồng tiền đi liền khúc ruột". Nay ngao bỗng dưng chết gần hết, trắng cả bãi mỗi khi triều xuống, người dân Minh Thịnh như đứt từng khúc ruột.
Anh Tình kể mấy ngày hôm nay anh không dám cho vợ ra ngoài bãi ngao vì sợ không chịu nổi và ngất. Đó chẳng phải là chuyện lo xa bởi không ít phụ nữ thôn này đã bị vậy rồi.
Thậm chí hàng xóm của anh sợ vợ buồn quá nên ra bãi ngao nhặt được 12 bao vỏ ngao thì lúc về chỉ dám kể với vợ có 4 bao.
Ánh mắt thất thần nhìn ra biển của một người dân ngồi trên ruộng ngao giống đã chết trắng của mình (Ảnh Tuệ Minh) |
Anh Đinh Văn Tập (thôn Y Bích, xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc) vốn người mạnh mẽ nhưng cũng đã không cầm nổi nước mắt khi nói về bãi ngao nhà mình. Còn vợ anh - chị Đỗ Thị Hằng dù thấy khách vào nhà cũng cố tỏ vẻ tươi mặt nhưng cũng không giấu nổi vết quầng quanh cặp mắt sưng mọng vì khóc và mất ngủ.
Mấy hôm trước, sau khi nghe tin ngao chết, vội chạy ra bãi thấy cảnh tượng ngao chết trắng ruộng, chị Hằng đã khóc rồi ngất lịm. “Từ hôm đó, tôi không dám để vợ ra đồng. Nếu bây giờ biết đã mất hết, vợ tôi sẽ không chịu đựng nổi”, anh Tập nói.
Gia cảnh chị Phạm Thị Hằng ở thôn Lộc Tiên còn mất nặng nề hơn khi hai vợ chồng chị đã gom góp tất cả của cải để đầu tư 9 tỉ đồng nuôi ngao. "Như canh bạc", theo lời anh Phạm Văn Ba - chồng chị Hằng, gia đình anh chị đã thua một cách đầy bất ngờ và đau xót.
“Không phải gia đình tôi mà hầu hết các gia đình nuôi ngao đều phải “cấm” phụ nữ ra đồng. Họ không thể chịu đựng nỗi sự mất mát này”, anh Ba tâm sự.
Ngao chết vì chất thải đổ trộm?
Ngồi chia sẻ câu chuyện buồn của người dân nuôi ngao với chúng tôi, ông Đính cùng những hàng xóm đồng cảnh ngộ của mình cho biết sau khi thấy ngao chết nhiều, họ đã tìm hiểu nguyên nhân.
Vỏ ngao được người dân thu gom xếp hàng dài ở bãi (Ảnh Tuệ Minh) |
Thật ngạc nhiên khi họ cùng phát hiện ra sự có mặt của những chiếc mai mực, vỏ mực dánh chặt xuống cát mỗi khi triều xuống. Dù chưa chắc chắn điều gì từ những "vật thể lạ" này nhưng họ quyết định tự mình điều tra.
Một “tổ điều tra đặc biệt” được các hộ nuôi ngao lập ra và âm thầm theo dõi. Đến tầm 4h sáng ngày 31/12/2016, sau nhiều ngày mật phục, họ đã bắt được vợ chồng Hoàng Văn Thành và Hoàng Thị Huệ, trú ở xã Ngư Lộc, đang đổ hàng chục phuy chất thải lạ xuống biển.
Lúc bắt được vợ chồng Thành - Huệ, 11 thùng phuy chất thải đã đổ hết xuống vùng nuôi ngao của các hộ dân. Trên thuyền, chỉ còn lại 4 thùng phuy loại 50 lít/thùng.
Cả người và tang vật sau đó đã được bàn giao cho chính quyền địa phương. Vợ chồng Thành - Huệ bước đầu khai nhận, đã được cơ sở chế biển hải sản ở gần đó thuê đi đổ chất thải ra biển.
Người dân nhặt vỏ ngao cũng lo lắng vì ngao chết đã ảnh hưởng đến công việc thường nhật của họ (Ảnh Tuệ Minh) |
Những người dân tham gia "tổ điều tra" cho biết việc đổ chất thải này rất "chuyên nghiệp". Kể từ lúc phát hiện cho đến lúc bắt được vợ chồng Thành - Huệ đổ chất thải chỉ trong ít phút, có đến 11 thùng đã được đổ xuống biển.
Để giải toả nỗi hiềm nghi cũng như tìm hiểu tác hại của loại chất thải này, một số người dân đã lấy ra một chút rồi pha loãng vào nước. Giống như cách người dân vùng trong thử nước biển sau khi Formosa xả thải, họ cũng thả vào đó những con cá rô phi còn khoẻ mạnh.
Kết quả không quá bất ngờ với với nhiều người, đó là sau vài phút, mắt của con cá được cho vào thử nghiệm đã lồi hẳn ra ngoài và một lúc sau thì con cá không còn thoi thóp.
Hiện, nguyên nhân ngao chết vẫn đang được cơ quan chức năng huyện Hậu Lộc điều tra làm rõ (Ảnh Tuệ Minh) |
Trao đổi với chúng tôi, Chánh văn phòng UBND huyện Hậu Lộc Trịnh Cao Sơn cho hay cơ quan chức năng trên địa bàn huyện vẫn đang điều tra để làm rõ nguyên nhân ngao chết. Mẫu nước, mẫu thải đã được lấy để mang đi kiểm nghiệm.
“Tài sản của người dân bị thiệt hại rất lớn. Nếu xác định được thủ phạm khiến ngao chết, quan điểm của huyện là sẽ xử lý thật nghiêm, không có sự bao che, dù đó là ai”, ông Sơn khẳng định.
Cho đến thời điểm này, chưa một kết quả điều tra nào được công bố cũng như chưa có kết luận nào chắc chắn nguyên nhân dẫn đến hiện tượng ngao chết hàng loạt.
Các cơ quan chức năng của Hậu Lộc nói riêng, của tỉnh Thanh Hoá nói chung đang nỗ lực để có thể có một câu trả lời thoả đáng cho người dân.
Còn ngoài bãi ngao, những người phụ nữ nhặt vỏ ngao thuê, những người chủ bãi ngao cũng đang lầm lũi nỗ lực nhặt từng chiếc vỏ ngao, kéo từng bao vỏ ngao vào bãi tập kết để đi đổ dưới những cơn mưa lâm thâm lạnh thấu xương.