Ngày 31/7, theo thông tin chính thức từ Bộ Công an, đối tượng trịnh xuân thanh, sinh ngày 13/2/1966, đăng ký hộ khẩu thường trú tại: Nhà 24 - C2 Ciputra, Tây Hồ, Hà Nội; hiện là bị can bị truy nã theo Quyết định số 20/C46-P12 ngày 19/9/2016 của Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã đến Trực ban hình sự Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đầu thú.
Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đã làm thủ tục tiếp nhận người phạm tội ra đầu thú theo đúng qui định pháp luật.
Trong thời gian Trịnh Xuân Thanh trốn nã, vì liên quan hoặc liên đới đến Trịnh Xuân Thanh, hàng loạt cán bộ lãnh đạo cấp cao đã dính án kỷ luật, trong đó có người đương chức, người đã về hưu.
Ông Đinh La Thăng, nguyên Bí thư Thành ủy TP HCM
Hội nghị Trung ương lần thứ năm ngày 7/5 thông báo quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo và cho thôi chức Ủy viên Bộ Chính trị với ông Đinh La Thăng.
Theo báo cáo trình Bộ Chính trị và Ban chấp hành Trung ương của Ủy ban Kiểm tra Trung ương ngày 27/4, Ban thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) giai đoạn 2009-2015 thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, buông lỏng công tác kiểm tra, giám sát, quản lý tổ chức đảng, đảng viên dẫn đến nhiều khoản đầu tư của Tập đoàn bị tổn thất, khó thu hồi với tổng số tiền rất lớn.
Là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN từ 2009 đến 2011, ông Đinh La Thăng phải chịu trách nhiệm người đứng đầu về những sai phạm của PVN trong giai đoạn này.
Kết luận của Ủy ban Kiểm tra cho hay, ông Thăng đã ký ban hành Nghị quyết số 233 dẫn đến việc Ban tổng giám đốc Tập đoàn và các đơn vị thành viên chỉ định nhiều gói thầu trái pháp luật.
Ông Thăng cũng vi phạm quy chế làm việc khi ký thỏa thuận tham gia góp vốn tại văn bản số 6934 ngày 18/09/2008, giữa ông Đinh La Thăng, Chủ tịch Hội đồng quản trị PVN và Chủ tịch Hội đồng quản trị OceanBank. Nội dung văn bản thể hiện Tập đoàn tham gia góp vốn 20% trở lên; cử cán bộ tham gia quản trị, điều hành; đề nghị các đơn vị thành viên sử dụng dịch vụ của OceanBank, trước khi Hội đồng quản trị Tập đoàn họp thống nhất nội dung trên.
Ông Đinh La Thăng còn chịu trách nhiệm trong việc ban hành Nghị quyết số 4266 góp vốn vượt mức quy định vào OceanBank, trái quy định của Luật các tổ chức tín dụng, gây thiệt hại rất nghiêm trọng cho PVN.
Cựu Chủ tịch PVN cũng chịu trách nhiệm trong việc ban hành một số nghị quyết, quyết định chỉ định nhiều gói thầu với tổng giá trị lớn, vi phạm các nghị định của Chính phủ; tham mưu Thủ tướng cho chỉ định nhiều gói thầu không đảm bảo quy định của pháp luật.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu, ông Đinh La Thăng đã chấp thuận cho Tổng công ty xây lắp dầu khí (PVC) thuộc PVN được miễn bảo lãnh thực hiện hợp đồng với công trình, dự án do Tập đoàn chỉ định và chấp thuận cho Tổng công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật dầu khí (PTSC) được miễn bảo lãnh thực hiện hợp đồng thiết kế, mua sắm, xây dựng (EPC) Nhà máy nhiên liệu sinh học Dung Quất, vi phạm Luật đấu thầu năm 2005.
Ông Đinh La Thăng có trách nhiệm trong việc ban hành chủ trương, quyết định đầu tư phân tán, dàn trải; thiếu kiểm tra, giám sát quá trình triển khai các dự án ở thời kỳ ông làm lãnh đạo Tập đoàn, dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp; một số dự án phải dừng, giãn, hoãn tiến độ, thua lỗ kéo dài, gây thất thoát, lãng phí, mất vốn đầu tư, gây hậu quả rất nghiêm trọng (trong đó có Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ và các dự án nhiên liệu sinh học).
Cho rằng những khuyết điểm, vi phạm của ông Đinh La Thăng là "rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân", Ban chấp hành Trung ương Đảng đã bỏ phiếu với tỷ lệ 90% đồng ý kỷ luật cảnh cáo và cho thôi giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị khoá XII.
Ông Vũ Huy Hoàng, nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương
Mặc dù biết Trịnh Xuân Thanh có sai phạm, không đủ tiêu chuẩn, nhưng nguyên Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng vẫn đồng ý với đề nghị của Tỉnh ủy Hậu Giang trong việc thuyên chuyển Trịnh Xuân Thanh về công tác tại tỉnh Hậu Giang để bổ nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016.
Đây là một trong những nội dung quan trọng tại kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về công tác cán bộ tại Bộ Công Thương, người liên đới chính là cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng lúc còn đương chức.
Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Vũ Huy Hoàng chịu trách nhiệm chính về các vi phạm, khuyết điểm của BCSĐ Bộ Công thương nhiệm kỳ 2011-2016.
Theo đó, cá nhân ông Vũ Huy Hoàng có những vi phạm, khuyết điểm, như: thiếu gương mẫu, có biểu hiện vụ lợi trong việc tiếp nhận, bổ nhiệm và điều động con trai làm kiểm soát viên Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam; tham gia HĐQT và giữ chức Phó Tổng giám đốc Sabeco, vi phạm quy định của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm, quy định của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, vi phạm Luật Phòng, chống tham nhũng, gây bức xúc trong xã hội.
Ông Vũ Huy Hoàng cũng thực hiện không đúng các quy định của Đảng và Nhà nước trong việc cho chủ trương tiếp nhận, bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh giữ chức Phó Chánh Văn phòng, Trưởng Văn phòng Bộ tại Đà Nẵng; Chánh Văn phòng BCSĐ, Vụ trưởng, Thường trực Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp .
Bên cạnh đó, mặc dù biết Trịnh Xuân Thanh có sai phạm, không đủ tiêu chuẩn, nhưng vẫn đồng ý với đề nghị của Tỉnh ủy Hậu Giang trong việc thuyên chuyển Trịnh Xuân Thanh về công tác tại tỉnh Hậu Giang để bổ nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016; thực hiện không đúng thẩm quyền khi đề nghị Tỉnh ủy Hậu Giang tạo điều kiện cho Trịnh Xuân Thanh tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hậu Giang. Báo cáo không trung thực về tình hình hoạt động của PVC và cá nhân Trịnh Xuân Thanh trước khi cấp có thẩm quyền phê chuẩn chức danh Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đối với Trịnh Xuân Thanh.
Ngoài ra, ông Vũ Huy Hoàng cũng chỉ đạo đánh giá, quy hoạch, đề nghị phê duyệt quy hoạch thứ trưởng đối với Trịnh Xuân Thanh và một số cá nhân không đúng nguyên tắc, quy trình, thủ tục và tiêu chuẩn.
Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, những vi phạm, khuyết điểm nêu trên của ông Vũ Huy Hoàng đã gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước, của Bộ Công thương và cá nhân ông Vũ Huy Hoàng, gây bức xúc trong xã hội.
Chính vì vậy, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Vũ Huy Hoàng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư BCSĐ, nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương. Yêu cầu Ban cán sự Đảng Bộ Công thương khẩn trương chỉ đạo kiểm điểm, thi hành kỷ luật các tổ chức và cá nhân vi phạm theo quy định; thu hồi, hủy bỏ các quyết định sai trái trong công tác cán bộ của Bộ Công thương.
Ba cán bộ bị kỷ luật vì liên quan vụ Trịnh Xuân Thanh
Ngày 8/12/2016, tại cuộc họp của Ban bí thư Trung ương Đảng xem xét thi hành kỷ luật một số cán bộ liên quan đến vụ Trịnh Xuân Thanh, gồm: Ông Trần Lưu Hải (nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng ban Thường trực Ban tổ chức Trung ương); ông Huỳnh Minh Chắc (nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang nhiệm kỳ 2010 - 2015); ông Nguyễn Duy Thăng (Ủy viên Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ).
Ban bí thư đã quyết định kỷ luật cảnh cáo ông Trần Lưu Hải. Theo kết luận, ông này với cương vị nêu trên đã thiếu trách nhiệm khi ký ban hành công văn của Ban Tổ chức Trung ương về việc tăng thêm chức danh Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2011-2016 có nội dung trái với kết luật của Bộ Chính trị, Ban bí thư. Ông Hải cũng có khuyết điểm trong việc ký công văn trả lời Tỉnh ủy Hậu Giang về thực hiện quy trình nhân sự tăng thêm một cấp ủy viên nhiệm kỳ 2015 - 2020 đối với ông Trịnh Xuân Thanh.
Ông Huỳnh Minh Chắc nhận kỷ luật cảnh cáo. Khi ở cương vị Bí thư Tỉnh ủy, ông Chắc đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy trình, quy định về công tác cán bộ của Đảng, Nhà nước và Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh trong việc đề nghị, tiếp nhận ông Trịnh Xuân Thanh từ Bộ Công Thương về tỉnh Hậu Giang để giữ chức Phó chủ tịch tỉnh và tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.
Ông Nguyễn Duy Thăng bị khiển trách do có vi phạm, khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện việc thẩm định, đề xuất cấp có thẩm quyền phê duyệt chức danh Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2011-2016 đối với ông Trịnh Xuân Thanh.
Theo kết luận, những vi phạm, khuyết điểm của ba cán bộ trên đã gây hậu quả nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước, gây bức xúc và tạo dư luận xấu trong xã hội.
Tin chính thức từ Bộ Công an: Trịnh Xuân Thanh đã ra đầu thú Theo thông tin chính thức từ Bộ Công an, hôm nay, 31/7, Trịnh Xuân Thanh đã ra đầu thú. |
Khởi tố 5 bị can liên quan tới vụ tham ô tài sản tại PVCNgày 15/2/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã ra quyết định khởi tố 5 bị can, về tội tham ô tài sản, Điều 278 Bộ Luật hình sự. 5 bị can bao gồm: ông Lương Văn Hoà, nguyên Giám đốc Ban Điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch, PVC; ông Lê Xuân Khánh, Trưởng Phòng Kinh tế Tổng hợp Ban Điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch; ông Nguyễn Lý Hải, nguyên Trưởng phòng Kỹ thuật Ban Điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch; Ông Nguyễn Thành Quỳnh, Giám đốc Giám đốc Ban kỹ thuật Công nghệ, Tổng công ty miền Trung; bà Lê Thị Anh Hoa, Giám đốc Công ty TNHH MTV Quỳnh Hoa. Bà Hoa hiện đã bị cấm đi khỏi nơi cư trú. Tổng công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí cũng đã ra quyết định miễn nhiệm chức vụ quản lý của ông Lương Văn Hoà tại dự án của Tổng công ty này tại Thái Bình. PVC cho rằng, ông Hoà liên quan đến trách nhiệm quản lý tại dự án của PVC tại Vũng Áng. Ông Hoà nguyên là Giám đốc Ban quản lý dự án nhiệt điện Vũng Áng. Liên quan tới những sai phạm tại PVC, trước đó, vào giữa tháng 9/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an cũng đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự: Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 163 Bộ Luật Hình sự xảy ra tại PVC và các đơn vị thành viên. Theo đó, ông Vũ Đức Thuận - nguyên Ủy viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc PVC; ông Nguyễn Mạnh Tiến, Phó tổng Giám đốc; ông Trương Quốc Dũng, nguyên Phó tổng Giám đốc và ông Phạm Tiến Đạt, nguyên Kế toán trưởng PVC đã bị khởi tố bị can. Ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Tổng giám đốc và Chủ tịch PVC được xác định phải chịu trách nhiệm chính song đã bỏ trốn ra nước ngoài và đang bị truy nã. Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2016, PVC lỗ 107,75 tỷ đồng trong quý 4 trong khi cùng kỳ năm 2015 công ty lãi 3,61 tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận sau thuế cả năm 2016 của PVX đạt 157,15 tỷ đồng, vẫn tăng hơn 134 tỷ đồng so với cả năm 2015 (22,6 tỷ đồng). Theo giải trình của công ty, lợi nhuận sau thuế quý 4 vừa qua giảm chủ yếu là do doanh thu hoạt động sản xuất kinh doanh sụt giảm so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế năm 2016 tăng so với năm 2015 là do năm 2016 PVC đã quyết liệt xử lý thu hồi công nợ và tái cơ cấu để tăng nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh theo đó đã hoàn nhập được một số khoản đã trích lập dự phòng. Mặc dù có kết quả khả quan trong hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2016, tuy nhiên, đến cuối năm 2016, PVC vẫn còn lỗ lũy kế lên tới 2.900 tỷ đồng (cuối năm 2015 còn trên 3.028 tỷ đồng). Có thể thấy hệ lụy do hai năm kinh doanh bê bết từ 2012, 2013 (thời ông Trịnh Xuân Thanh làm Chủ tịch PVC) để lại đối với PVC rất nặng nề. Trong hai năm này, PVC bị lỗ ròng lần lượt 1.847,3 tỷ đồng và 2.228,3 tỷ đồng. Sau đó, PVC dần vực dậy để có lãi 102,5 tỷ đồng năm 2014 (sau khi điều chỉnh số liệu) và 22,7 tỷ đồng năm 2015. Theo Dân Trí |
Pháp luật 15:50 | 06/04/2018
Pháp luật 01:31 | 19/03/2018
Pháp luật 03:14 | 27/12/2017
Thời sự 12:14 | 26/12/2017
Thời sự 03:15 | 26/12/2017
Pháp luật 23:48 | 24/12/2017
Pháp luật 13:09 | 24/12/2017
Thời sự 05:58 | 24/12/2017