Những chiêu thức Tân Hoàng Minh dùng để chiếm đoạt tiền qua phát hành trái phiếu

Cơ quan điều tra xác định ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tân Hoàng Minh cùng với sự giúp sức của các cá nhân khác đã sử dụng nhiều chiêu thức để làm đẹp báo cáo, ngụy tạo hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bằng các hợp đồng khống, tạo dòng tiền chạy qua các nhân, tổ chức khi phát hành trái phiếu.

Đỗ Anh Dũng và nhiều lãnh đạo chủ chốt của Tân Hoàng Minh bị truy tố. (Ảnh: Bộ Công an).

Chiêu thức "làm đẹp" báo cáo, ngụy tạo kinh doanh, hợp thức tài sản và dòng tiền

Ngày 30/9, ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Tân Hoàng Minh cùng con trai Đỗ Hoàng Việt, Phó Tổng Giám đốc và 13 người khác vừa bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Chủ tịch Đỗ Anh Dũng bị cáo buộc dùng sự sự giúp sức của kiểm toán, thẩm định giá và thiếu giám sát của ngân hàng để chào bán 9 lô trái phiếu với tổng trị giá 10.030 tỷ đồng thông qua ba công ty đang kinh doanh thua lỗ.

Theo kết luận điều tra, thời điểm tháng 6/2021, tài chính của Tập đoàn Tân Hoàng Minh gặp nhiều khó khăn, tổng dư nợ tín dụng là 18.543 tỷ. Trong đó nợ gốc đến hạn chưa thanh toán 591 tỷ và nợ lãi chưa thanh toán 602 tỷ. Để tháo gỡ khó khăn, ông Dũng chỉ đạo con trai là Đỗ Hoàng Việt tìm cách phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ để huy động vốn.

Ông Dũng thống nhất chủ trương cùng ông Việt sử dụng pháp nhân ba công ty ngụy tạo các hoạt động kinh doanh bằng các hợp đồng khống như hợp tác đầu tư, đặt cọc, mua bán cổ phần để phát hành các gói trái phiếu riêng lẻ huy động vốn.

Ba công ty được Tân Hoàng Minh dùng để phát hành trái phiếu là Ngôi Sao Việt (2 gói trái phiếu), Soleil (3 gói trái phiếu) và Cung Điện Mùa Đông (4 gói trái phiếu). Trên giấy tờ thể hiện người góp vốn, đại diện theo theo pháp luật của công ty là các cá nhân khác nhau song thực chất chỉ đứng hộ tên của ông Đỗ Anh Dũng. Mọi hoạt động của ba công ty này đều do ông Dũng chỉ đạo.

Theo cáo buộc của cơ quan điều tra, để các lô trái phiếu của Tân Hoàng Minh được đánh bóng hào nhoáng, thu hút nhà đầu tư, Tân Hoàng Minh đã có sự giúp sức của các đơn vị kiểm toán, thẩm định giá tài sản. Tân Hoàng Minh cũng tận dụng sự thiếu giám sát của các chi nhánh ngân hàng.

Theo kế hoạch, Tân Hoàng Minh thông đồng với Công ty Kiểm toán Nam Việt (chi nhánh phía Bắc) và Công ty CPA Hà Nội để làm đẹp báo cáo tài chính năm 2020 - 2021, hợp thức hoá báo cáo kiểm toán với ý kiến chấp nhận toàn phần, nhằm cho các công ty con có đủ điều kiện phát hành trái phiếu.

Trong khâu thẩm định tài sản đảm bảo, các công ty thẩm định giá chỉ căn cứ hồ sơ, số liệu do Tân Hoàng Minh cung cấp mà không kiểm tra thực tế về tài sản, dòng tiền, chứng từ góp vốn để định giá tài sản. Cơ quan điều tra cho rằng các đơn vị định giá biết rõ lô đất của Tân Hoàng Minh chưa đủ điều kiện pháp lý triển khai, không có giấy tờ góp vốn nhưng không kiểm tra mà ban hành chứng thư thẩm định giá tài sản.

Sau khi lọt qua bước kiểm toán và thẩm định, tháng 12/2021, Công ty Cung Điện Mùa Đông đã phát hành 32 triệu trái phiếu với tổng giá trị 3.230 tỷ đồng. Lãi suất chào bán là 11%/năm với mục đích phát hành là đặt cọc mua 65% cổ phần của Công ty Hoàng Hải Phú Quốc. Tuy nhiên, hợp đồng đặt cọc đều được lập khống bởi nhóm lãnh đạo Tân Hoàng Minh, theo cơ quan điều tra.

Tạo lập dòng tiền chạy lòng vòng tại các lô trái phiếu

Khi lô trái phiếu này vừa chào bán, ông Dũng chỉ đạo Tân Hoàng Minh đặt mua toàn bộ trái phiếu sơ cấp với số tiền 3.230 tỷ đồng. Từ tài khoản trung bình chỉ khoảng 70 tỷ đồng trong các tài khoản tại ngân hàng Techcombank và Vietinbank, Tân Hoàng Minh đã luân chuyển, rút nộp 56 lần vào tài khoản của Công ty Cung Điện Mùa Đông.

Sau đó, số tiền này tiếp tục được luân chuyển quay vòng qua các cá nhân để cuối cùng về lại tài khoản của Tân Hoàng Minh với tổng doanh số chuyển tiền là 3.230 tỷ đồng. Việc này nhằm mục đích để hợp thức các hợp đồng đặt mua trái phiếu sơ cấp và tạo ra giá trị ảo của trái phiếu.

Với lô trái phiếu còn lại, Tân Hoàng Minh cũng thực hiện bằng thủ đoạn tương tự, dùng tiền trong tài khoản để luân chuyển, nạp rút thông qua nhiều cá nhân. Cuối cùng, số tiền được tính để mua trái phiếu cao gấp vài chục lần số tiền thực tế có. Với cách này, Tân Hoàng Minh trở thành trái chủ sơ cấp rồi bán lại trái phiếu cho người dân và đồng thời cũng nâng tầm được giá trị của trái phiếu.

Bằng các chiêu thức, Công ty Ngôi Sao Việt, Soleil và Cung Điện Mùa Đông đã phát hành tổng cộng 9 gói trái phiếu riêng lẻ với tổng trị giá 10.030 tỷ đồng. Sau khi hợp thức trở thành trái chủ sơ cấp, Tân Hoàng Minh đã huy động được tổng số tiền 13.973 tỷ, cao hơn giá trị phát hành do tập đoàn chia nhỏ kỳ hạn so với kỳ hạn gốc, mua đi bán lại nhiều lần.

Tân Hoàng Minh dùng tiền chiếm đoạt làm gì?

Tại cơ quan điều tra, ông Dũng khai số liệu thu chi liên quan bán trái phiếu đều được cấp dưới báo cáo hằng ngày. Tiền huy động từ bán trái phiếu, Chủ tịch Tân Hoàng Minh chỉ đạo các đối tượng cấp dưới sử dụng hết vào nhiều mục đích khác nhau. Trong đó, Tân Hoàng Minh đã dùng hơn 5.165 tỷ đồng của người mua trái phiếu sau để trả cho người mua trái phiếu có tiền gốc đến hạn trước.

Tập đoàn đã chi trả tổng cộng hơn 1.976 tỷ đồng nợ quá hạn tại hai ngân hàng SHB và Agribank; mua cổ phần hoặc hợp tác đầu tư nhiều dự án tổng hơn 4.569 tỷ đồng.

Năm 2022, Tân Hoàng Minh sử dụng 585 tỷ đồng từ huy động trái phiếu để đặt cọc khi tham gia đấu giá đất ở Thủ Thiêm (TP Thủ Đức, TP HCM). Thời điểm đó Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt (thành viên của Tân Hoàng Minh) trúng đấu giá lô đất ở Thủ Thiêm với giá 24.500 tỷ đồng, gấp 8,3 lần giá chào bán. Tuy nhiên sau đó ông Dũng đã bỏ cọc, xin đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá lô đất này.

930 tỷ dùng để thanh toán các chi phí thuộc Tân Hoàng Minh. Ngoài ra, ông Dũng còn dùng 802 tỷ để chi tiêu cá nhân (đầu tư chứng khoán, trả nợ cá nhân, mua bán USD,...). Trong đó, ông Dũng đầu tư chứng khoán mã VPB và thua lỗ gần 154 tỷ đồng; chuyển tiền từ thiện 62,8 tỷ đồng; tạm ứng tiền giải phóng mặt bằng dự án tại Thái Nguyên 50 tỷ đồng; số còn lại để chi trả nợ, tiêu dùng cá nhân.

316 tỷ đồng dùng để thanh toán tiền lãi và hoa hồng trái phiếu. Số dư 214 tỷ đồng trên tài khoản đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra thu hồi sau khi khởi tố vụ án.

Cơ quan điều tra cáo buộc mục đích của Tân Hoàng Minh là "huy động và chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư thứ cấp", trong đó chủ yếu là người dân - những nhà đầu tư không chuyên. Với các thủ đoạn trên, Tân Hoàng Minh đã huy động được gần 14.000 tỷ đồng thông qua việc phát hành, mua bán 9 gói trái phiếu trái pháp luật.

Cơ quan điều tra xác định có 6.631 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng và bị Tân Hoàng Minh chiếm đoạt trên 8.800 tỷ đồng.

Hiện tại, Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã nộp đủ toàn bộ số tiền bị cáo buộc chiếm đoạt, khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án, đảm bảo thi hành án, hoàn trả cho bị hại.

chọn
Công ty liên kết của PC1 gom hơn 600 ha đất công nghiệp
Từ tháng 7 đến nay, Western Pacific đã được chấp thuận đầu tư 3 khu công nghiệp hơn 600 ha ở Bắc Giang và Hà Nam. Theo đánh giá của SSI, điểm nhấn bất động sản năm 2024 của PC1 sẽ xoay quanh việc phát triển các dự án mới từ Western Pacific.