Những Danh nhân tuổi Dậu của Việt Nam nghìn năm qua

Bước sang năm mới Đinh Dậu, cùng điểm lại những danh nhân tuổi Dậu lừng danh nhất trong lịch sử Việt Nam nghìn năm qua.

Nguyễn Trực (1417 - 1474 tuổi Đinh Dậu)

Nguyễn Trực sinh ngày 16 tháng 5 năm Đinh Dậu (1417 - 1474), trong một gia đình nho học. Ông nội là tiến sĩ Nguyễn Bính, giữ chức Nho học huấn đạo giáo quan Quốc Tử Giám, thời vua Trần Hiến Tông. Bố của Nguyễn Trực là tiến sĩ Nguyễn Thời Trung.

Năm 1457, vua Lê Nhân Tông triệu ông vào triều để tiếp sứ thần nhà Minh, là Hoàng Gián. Nhờ đối đáp tài tình ông khiến sứ giả nhà Minh khâm phục. Sau đó, ông được cử đi sứ, cùng phó sứ là Trịnh Thiết Trường, sang kinh đô nhà Minh. Sang tới Bắc Kinh, gặp kỳ thi Đình, vì muốn cho nhà Minh biết tài học của người Việt, ông đã ứng thi và đỗ Trạng nguyên nhà Minh, trở thành Lưỡng quốc Trạng nguyên. Trịnh Thiết Trường đỗ Bảng nhãn triều Minh. Trở về nước cả ông và phó sứ Tường đều được phong chức Thượng thư.

Lương Thế Vinh (1441 - 1496 tuổi Tân Dậu)

Lương Thế Vinh còn được gọi là Trạng Lường, tên tự là Cảnh Nghị, tên hiệu là Thụy Hiên, là một nhà toán học, Phật học, nhà thơ Việt Nam thời Lê sơ. Ông đỗ trạng nguyên dưới triều Lê Thánh Tông và làm quan tại viện Hàn Lâm. Ông là một trong 28 nhà thơ của hội Tao Đàn do vua Lê Thánh Tông lập năm 1495.

Lương Thế Vinh còn được gọi là Trạng Lường

Sự sáng tạo khoa học của Lương Thế Vinh được truyền khẩu qua câu chuyện ông tiếp đón sứ nhà Minh là Chu Hy. Hy đã nghe nói về Lương Thế Vinh, không những nổi tiếng về văn chương âm nhạc, mà còn tinh thông toán học, nên thách đố Vinh cân một con voi. Lương Thế Vinh đưa voi lên một chiếc thuyền rồi đánh dấu mép nước bên thuyền, sau đó dắt voi lên. Tiếp theo, ông ra lệnh đổ đá hộc xuống thuyền, cho đến lúc thuyền chìm xuống đến đúng dấu cũ. Việc còn lại là đưa từng viên đá lên cân và cộng kết quả.

Chu Hy thán phục ông nhưng tiếp tục đố ông đo bề dày của một tờ giấy xé ra từ một quyển sách. Khi nghe ông nói chỉ cần đo bề dày cả cuốn sách rồi chia đều cho số tờ là ra ngay kết quả, Chu Hy ngửa mặt lên trời than: "Nước Nam quả có lắm người tài!".

Lương Thế Vinh đáp lại rằng người nghĩ ra cách cân voi thật sự là Tào Xung, con của Tào Tháo. Điều này càng khiến cho sứ giả hổ thẹn vì chưa thuộc sử nước nhà.

Giang Văn Minh (1573 - 1638 tuổi Quý Dậu)

Giang Văn Minh sinh năm Quý Dậu (1573 - 1638) tự Quốc Hoa, hiệu Văn Chung, là quan nhà Lê trung hưng trong lịch sử Việt Nam. Ông được mệnh danh là vị sứ thần "Bất nhục quân mệnh" (Không để nhục mệnh vua) vì đã đối đáp thẳng thắn trước triều đình Trung Quốc và bị vua Minh Tư Tông hành hình vào năm 1638, thọ 65 tuổi.

Nhà thờ Giang Văn Minh.

Ông từng đỗ đầu kỳ thi Hội, rồi thi Đình lại đỗ Đình nguyên Thám hoa khoa Mậu Thìn, năm Vĩnh Tộ thứ 10 (1628) đời Lê Thần Tông. Khoa thi này không có ai đỗ Trạng nguyên hay Bảng nhãn, vì vậy ông là người đỗ cao nhất trong cả khoa thi. Sau khi đỗ đạt, ông lần lượt được bổ nhiệm vào các chức vụ như Binh khoa đô cấp sự trung (1630), Thái bộc tự khanh (1631).

Ngày 30 tháng 12 năm Dương Hòa thứ 3 (1637), ông và Thiêm đô ngự sử Nguyễn Duy Hiểu được vua cử làm chánh sứ cùng với 4 phó sứ là: Nguyễn Quang Minh, Trần Nghi, Nguyễn Bình và Thân Khuê dẫn đầu hai đoàn sứ bộ sang cầu phong và tuế cống nhà Minh.

Vào thời điểm ông đi sứ, mặc dù nhà Mạc đã bỏ chạy ra Cao Bằng, nhưng nhà Minh vẫn áp dụng chính sách ngoại giao hai mặt (với cả nhà Hậu Lê và nhà Mạc) với mục đích để cuộc chiến tranh Lê-Mạc kéo dài. Đoàn sứ bộ của Giang Văn Minh đến Yên Kinh (nay là Bắc Kinh) vào năm 1638.

Đến khi triều kiến, Minh Tư Tông Chu Do Kiểm (tức hoàng đế Sùng Trinh) lấy lý do "Vì lệ cũ không có những quy định cụ thể cho việc sắc phong, do đó trong khi còn chờ tra cứu chỉ ban sắc thư để tưởng lệ" để ngăn trở việc công nhận sự chính thống của nhà Hậu Lê và bãi bỏ công nhận ngoại giao với nhà Mạc.

Đồng thời, Chu Do Kiểm còn ngạo mạn ra cho sứ bộ một vế đối như sau:

"Đồng trụ chí kim đài dĩ lục"

Nghĩa là:

Đồng trụ đến giờ rêu vẫn mọc."

Câu này có hàm ý nhắc tới việc Mã Viện từng đàn áp cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, sau đó cho chôn một chiếc cột đồng với lời nguyền: "Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt" (Cột đồng gãy thì Giao Chỉ - tức Đại Việt - bị diệt vong).

Trước sự ngạo mạn đó, Giang Văn Minh đã hiên ngang đối lại bằng câu:

"Đằng Giang tự cổ huyết do hồng"

Nghĩa là:

Bạch Đằng thuở trước máu còn loang.

Vế đối này vừa chỉnh, vừa có ý nhắc lại việc người Việt đã ba lần đánh tan quân xâm lược phương Bắc trên sông Bạch Đằng.

Vào thời bấy giờ, câu đối này được xem là cái tát thẳng vào mặt hoàng đế nhà Minh trước đông đảo văn võ bá quan của Thiên triều và sứ bộ các nước. Vua nhà Minh bừng bừng lửa giận quên mất thể diện thiên triều, bất chấp luật lệ bang giao, đã trả thù bằng cách trám đường vào miệng và mắt ông, rồi cho người mổ bụng xem "bọn sứ thần An Nam to gan lớn mật đến đâu".

Sự việc này xảy ra vào ngày mùng 2 tháng 6 năm Kỷ Mão (1639). Nhưng Minh Tư Tông vẫn kính trọng ông còn cho ướp xác ông bằng bột thủy ngân và đưa thi hài ông về nước. Khi thi hài của ông về đến Kinh thành Thăng Long, vua Lê Thần Tông và chúa Trịnh Tráng bái kiến linh cữu ông và truy tặng chức Công bộ Tả thị lang, tước Vinh quận công[1], ban tặng câu "Sứ bất nhục quân mệnh, khả vi thiên cổ anh hùng" (tức là Sứ thần không làm nhục mệnh vua, xứng đáng là anh hùng thiên cổ).

Sau khi thi hài được đưa về nước, Giang Văn Minh được chôn cất tại Đồng Dưa, thuộc xứ Gò Đông, thôn Mông Phụ, xã Đường Lâm. Trên cánh đồng này có một quán (hiện có dạng ngôi nhà) nhỏ là nơi linh cữu ông đã được quàn và gọi là quán quàn. Hiện nay, nhà thờ ông ở làng Mông Phụ đã được nhà nước Việt Nam xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa. ‎

Đoàn Thị Điểm (1705-1749 tuổi Ất Dậu)

Tranh vẽ nữ sĩ Đoàn Thị Điểm.

Đoàn Thị Điểm hiệu Hồng Hà Nữ Sĩ là nữ sĩ Việt Nam thời Lê trung hưng. Bà là tác giả tập Truyền kỳ tân phả (chữ Hán), và tác giả của truyện thơ Chinh phụ ngâm (bản chữ Nôm- 412 câu thơ)- được bà dịch từ nguyên bản Chinh phụ ngâm khúc (viết bằng chữ Hán của Đặng Trần Côn).

Bà còn viết tập Nữ trung tùng phận gồm 1401 câu thơ và bài Bộ bộ thiềm-Thu từ (tức Bộ bộ thiềm- Bài hát mùa thu). Ngoài ra còn có một số bài thơ văn khác của bà (gồm chữ Hán, chữ Nôm) được chép trong tập Hồng Hà phu nhân di văn của tiến sĩ Nguyễn Kiều mới được phát hiện gần đây.

Bà là người được đánh giá là bậc nhất về sắc đẹp lẫn tài văn trong những nữ sĩ danh tiếng nhất, bên cạnh là Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan và Sương Nguyệt Ánh.

Nguyễn Huệ (1753 –1792 tuổi Quý Dậu)

Nguyễn Huệ (1753 – 1792), còn được biết đến là Quang Trung Hoàng đế hay Bắc Bình Vương, là vị hoàng đế thứ hai của nhà Tây Sơn, bên cạnh Thái Đức Hoàng đế Nguyễn Nhạc. Ông không những là một trong những vị tướng lĩnh quân sự xuất sắc mà còn là một nhà cai trị tài giỏi, đưa ra nhiều cải cách kinh tế, xã hội nổi bật trong lịch sử Việt Nam.

Tượng đài Hoàng Đế Quang Trung Nguyễn Huệ Thành phố Quy Nhơn

Nguyễn Huệ và hai người anh em của ông, được biết đến với tên gọi Anh em Tây Sơn, là những lãnh đạo của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn đã chấm dứt cuộc nội chiến Trịnh-Nguyễn phân tranh giữa hai tập đoàn phong kiến Trịnh ở phía bắc và Nguyễn ở phía nam, lật đổ hai tập đoàn này cùng nhà Hậu Lê. Ngoài ra, Nguyễn Huệ còn là người đánh bại các cuộc xâm lược Đại Việt của Xiêm La từ phía nam, của Đại Thanh từ phía bắc; đồng thời còn là người đề ra nhiều kế hoạch cải cách tiến bộ xây dựng Đại Việt.

Sau 20 năm liên tục chinh chiến và trị quốc, Nguyễn Huệ lâm bệnh và đột ngột qua đời ở tuổi 40, khi nhiều dự định còn dang dở. Sau cái chết của ông, nhà Tây Sơn suy yếu nhanh chóng. Những người kế thừa ông không đủ bản lĩnh để lãnh đạo Đại Việt, lâm vào mâu thuẫn nội bộ và thất bại trong việc tiếp tục chống lại kẻ thù của Tây Sơn. Cuộc đời hoạt động của Nguyễn Huệ được một số sử gia đánh giá là đã đóng góp quyết định vào sự nghiệp thống nhất đất nước của triều đại Tây Sơn. Ngày nay, ở Thành phố Hồ Chí Minh có một đường phố, một đường hoa và một phố đi bộ mang tên Nguyễn Huệ.

Cuộc đời ông được biết đến qua các bộ sử của nhà Hậu Lê và nhà Nguyễn, các sử gia cận đại, hiện đại và cả trong văn học dân gian. Khi Nguyễn Huệ mất, nhân dân nhiều nơi đã xây lăng, lập đền thờ, dựng tượng đài và bảo tàng Nguyễn Huệ để tưởng nhớ công lao của ông.

Nguyễn Du (1765 – 1820 tuổi Ất Dậu)

Nguyễn Du (Sinh ngày 3 tháng 1 năm 1765 - 1820) tên tự Tố Như, hiệu Thanh Hiên, biệt hiệu Hồng Sơn lạp hộ, Nam Hải điếu đồ là một nhà thơ nổi tiếng, nhà văn hóa lớn thời Lê mạt, Nguyễn sơ ở Việt Nam, Danh nhân văn hoá thế giới. Ông được người Việt kính trọng tôn xưng là " Đại thi hào dân tộc".

Khu di tích lưu niệm Nguyễn Du – Hà Tĩnh

Tác phẩm "Truyện Kiều" của ông được xem là một kiệt tác văn học, một trong những thành tựu tiêu biểu nhất trong văn học Việt Nam.

Qua các tác phẩm của Nguyễn Du, nét nổi bật chính là sự đề cao xúc cảm. Nguyễn Du là nhà thơ có học vấn uyên bác, nắm vững nhiều thể thơ của Trung Quốc, như: ngũ ngôn cổ thi, ngũ ngôn luật, thất ngôn luật, ca, hành... nên ở thể thơ nào, ông cũng có bài xuất sắc. Đặc biệt hơn cả là tài làm thơ bằng chữ Nôm của ông, mà đỉnh cao là Truyện Kiều, đã cho thấy thể thơ lục bát có khả năng chuyển tải nội dung tự sự và trữ tình to lớn trong thể loại truyện thơ.

Chính trên cơ sở này mà trong thơ Nguyễn Du luôn luôn vang lên âm thanh, bừng lên màu sắc của sự sống, hằn lên những đường nét sắc cạnh của một bức tranh hiện thực đa dạng. Và giữa những âm thanh, màu sắc, đường nét vô cùng phong phú đó, Nguyễn Du hiện ra: vừa dạt dào yêu thương, vừa bừng bừng căm giận. Đây là chỗ đặc sắc và cũng là chỗ tích cực nhất trong nghệ thuật của Nguyễn Du. Từ thơ chữ Hán đến truyện Kiều, nó tạo nên cái sức sống kỳ lạ ở hầu hết tác phẩm của ông.

Trịnh Hoài Đức (1765 -1825 tuổi Ât Dậu)

Trịnh Hoài Đức là một công thần của triều Nguyễn, là một nhà thơ, nhà văn và là một sử gia nổi tiếng của Việt Nam trong thế kỷ 18-19. Sinh thời, ông từng được vua nhà Nguyễn ban tước An Toàn hầu.

Lăng mộ Trịnh Hoài Đức và phu nhân

Đặc biệt, quyển Gia Định thành thông chí của ông cho đến nay vẫn được xem là một trong những sử liệu quan trọng nhất cho các nhà nghiên cứu sử học và địa lý của miền Nam Việt Nam.

Trần Xuân Soạn (1849 - 1923 tuổi Kỷ Dậu)

Trần Xuân Soạn là tướng nhà Nguyễn trong lịch sử Việt Nam. Đầu tháng 4 năm 1885, thời vua Hàm Nghi, ông cùng tướng Tôn Thất Thuyết đánh Pháp đóng ở đồn Mang Cá trong trận Kinh thành Huế. Sau khi thất bại, ông lãnh nhiệm vụ tổ chức phong trào Cần vương kháng Pháp ở Thanh Hóa.

Hoài Thanh (1909 -1982 tuổi Kỷ Dậu)

Nhà phê bình Hoài Thanh.

Hoài Thanh (1909 - 1982) có tên khai sinh là Nguyễn Đức Nguyên (ngoài ra ông còn sử dụng các bút danh khác như Văn Thiên, Le Nhà Quê), là một nhà phê bình văn học Việt Nam, đã có những đóng góp về mặt phê bình, lý luận để khẳng định Thơ mới trong văn học Việt Nam thế kỉ 20.

Tác phẩm Thi nhân Việt Nam do ông và em trai Hoài Chân viết đã đưa tác giả lên vị trí một nhà phê bình lớn của nền văn học Việt Nam đầu thế kỷ 20.

Tham gia Tổng khởi nghĩa của Việt Minh cướp chính quyền ở Huế tháng 8 năm 1945. Sau 1945 ông lần lượt giữ những chức vụ: Chủ tịch Hội văn hóa cứu quốc, Huế (tháng 9 năm 1945); cán bộ giảng dạy tại Đại học Hà Nội (từ 1945 đến 1946); công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam (từ 1947 đến 1948); ủy viên Ban thường vụ Hội Văn nghệ Việt Nam(1950); Trưởng tiểu ban Văn nghệ Ban Tuyên huấn Trung ương (1950-1956); Vụ trưởng Vụ nghệ thuật và giảng dạy tại Khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội (1958). Trong khoảng 10 năm 1958-1968 ông trở thành đại biểu Quốc hội khóa 2, làm Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; tham gia Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa 1 và 2. Từ 1959-1969 ông giữ chức Phó viện trưởng Viện Văn học Việt Nam kiêm Thư ký tòa soạn Tạp chí Nghiên cứu văn học của Viện. Từ 1969 đến 1975 ông giữ chức Chủ nhiệm tuần báo Văn nghệ.

Phạm Ngọc Thạch (1909-1968 sinh năm Kỷ Dậu)

Phạm Ngọc Thạch là một Nhà khoa học y khoa Việt Nam, Giáo sư tiến sĩ khoa học, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế trong chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ông được Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 1997 vì các cống hiến trong lĩnh vực khoa học.

Lương Định Của (1921 -1975 tuổi Tân Dậu)

Giáo sư Lương Định Của.

Lương Định Của là một nhà nông học, nhà tạo giống cây trồng của Việt Nam, có nhiều con đường và ngôi trường mang tên ông.

Ông được phong tặng Anh hùng Lao động năm 1967 và truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh năm 1995

Tên của ông được đặt tên cho giải thưởng Lương Đình Của của Trung ương đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.

Lương Định Của là một nhà nông học xuất sắc, người đi đầu trong lĩnh vực cải tạo giống cây trồng của Việt Nam và là ông tổ của giống lúa Nông nghiệp 1, giống lúa lai tạo thành công đầu tiên tại Việt Nam.

Tên ông từng được nông dân gọi liền với tên của sản phẩm một cách thân thiết: dưa ông Của, cà chua ông Của, khoai ông Của, lúa ông Của... Còn bạn bè trìu mến gọi ông là “nhà bác học của đồng ruộng”. Ông được đánh giá là một trong những chuyên gia nông nghiệp hàng đầu của Việt Nam và là một nhà khoa học có uy tín.

Ông là người đầu tiên ứng dụng một cách sáng tạo các kỹ thuật canh tác của nước ngoài, chủ yếu là của Nhật vào việc trồng lúa ở Việt Nam như: cấy chăng dây thẳng hàng, cấy ngửa tay để cây lúa không bị ngập quá sâu xuống bùn, dùng cào cỏ Nhật Bản...

Lương Định Của là người đề ra một số mô hình canh tác điển hình như bờ vùng bờ thửa... Ông còn là tác giả của nhiều công trình khoa học như: đa bội thể ở tông Oryzeae, ảnh hưởng của ánh sáng trên các giai đoạn của giống lúa khi nhận đoản quang kỳ, nghiên cứu tế bào học trên lúa Oryzasativa.

Bùi Xuân Phái (1921-1988 sinh năm Tân Dậu)

Bùi Xuân Phái quê Hà Tây, họa sĩ sơn dầu. Xuất thân từ làng tranh Kim Hoàng, học ở Hà Nội, tốt nghiệp trường Mỹ thuật Đông Dương năm 1945, chuyên vẽ tranh sơn dầu chủ đề phố phường.

Họa sĩ Bùi Xuân Phái.

Là người sáng tạo, tranh vẽ của ông đều có nét dị biệt, mang đậm truyền thống nhưng rất hiện đại. Các bức Cánh võng, Văn Miếu, Ô Quan Chưởng, Phố cổ Hội An... đã được giới am tường nghệ thuật đánh giá cao. Đề tài ông vẽ đã trở thành một trường phái hội họa đặc trưng của Việt Nam với tên Phố Phái.

chọn
Hình ảnh khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ sau hơn năm khởi công
Hình ảnh mới nhất về tiến độ khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ sau hơn năm khởi công.