Những doanh nghiệp Nhật Bản tiêu biểu rót hàng trăm triệu USD đầu tư vào Việt Nam

Honda, Toyota, Canon, Panasonic,... là những doanh nghiệp Nhật Bản "ăn nên làm ra" tại Việt Nam, với tổng mức đầu tư và đóng góp lớn cho ngân sách.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến hết quí III/2020, Nhật Bản đã "rót" gần 60 tỉ USD vào Việt Nam, với 4.595 dự án, chiếm 15,7% tổng vốn FDI đầu tư vào nước ta. Nhật Bản là đối tác đầu tư lớn thứ hai của Việt Nam.

Tính đến hết năm 2019, có hơn 2.000 doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại Việt Nam ở ba lĩnh vực chủ yếu: bán lẻ, sản xuất và ngân hàng. Trong số các doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư tại Việt Nam, có nhiều tập đoàn lớn như Honda, Toyota, Canon, Mitsubishi, Yamaha, Sanko, Sumitomo, AEON, Muji… Phần lớn các tập đoàn này đều hoạt động hiệu quả và không ngừng mở rộng đầu tư tại Việt Nam.

Thị trường Việt Nam ngày càng thu hút dòng vốn FDI từ Nhật Bản đổ về nhờ qui mô dân số trẻ, ổn định về chính trị - xã hội, kinh tế tăng trưởng khả quan, kiểm soát tốt dịch bệnh.

AEON Group

Theo thông tin trên website chính thức của Công ty TNHH AEON Việt Nam, Tập đoàn AEON thành lập năm 1758 và là một trong những nhà bán lẻ lâu đời nhất tại Nhật Bản.

AEON bắt đầu sang thị trường Việt Nam từ năm 2009. Lĩnh vực hoạt động chính của tập đoàn này là kinh doanh Trung tâm thương mại, Trung tâm bách hóa tổng hợp và Siêu thị hiện đại. 

Năm 2014, Tập đoàn khai trương Trung tâm mua sắm AEON đầu tiên tại Việt Nam - Tân Phú Celadon, TP HCM.

Tính đến thời điểm này, AEON Group đã có 5 trung tâm thương mại tại Việt Nam, gồm AEON Mall Tân Phú Celadon, AEON Mall Bình Dương Canary, AEON Mall Long Biên, AEON Mall Bình Tân và AEON Mall Hà Đông.

Những thương hiệu Nhật Bản được người Việt 'nhớ mặt, gọi tên' - Ảnh 1.

Với diện tích hơn 70.000 m2, AEON Mall Tân Phú Celadon - TTTM đầu tiên tại Việt Nam của Tập đoàn AEON đưa vào khai thác vào năm 2014. (Ảnh: AEON Mall Tân Phú).

Tổng vốn đầu tư của AEON tại Việt Nam đến hết tháng 6/2020 đã lên tới gần 700 triệu USD, một con số không nhỏ so với vốn đầu tư mà nhiều đại gia bán lẻ nước ngoài khác đã “rót” vào Việt Nam.

Tuy nhiên, kế hoạch của AEON sẽ không dừng lại ở đó. Hồi đầu tháng Hai, ông Iwamura Yasutsugu, Tổng Giám đốc Công ty Aeon Mall Việt Nam, cho biết tập đoàn dự chi hai tỉ USD để nâng số trung tâm thương mại tại Việt Nam lên 25.

Toyota

Toyota là một trong những hãng xe hơi đầu tiên đầu tư vào thị trường Việt Nam từ năm 1995, với 70% số vốn đầu tư ban đầu (89,6 triệu USD) từ Tập đoàn Toyota Nhật Bản, theo thông tin từ website chính thức của Toyota Việt Nam.

Sau 25 năm, tính đến hết tháng 6/2020, tổng vốn đầu tư của Toyota tại Việt Nam đã lên đến khoảng 236 triệu USD. Sản lượng sản xuất cộng dồn đạt gần 550.000 xe; tổng doanh số đạt hơn 650.000 xe, đứng đầu thị trường ô tô với 16 mẫu xe Toyota và 6 mẫu xe Lexus. 

Những thương hiệu Nhật Bản được người Việt 'nhớ mặt, gọi tên' - Ảnh 2.

Sản xuất ô tô tại nhà máy Toyota Việt Nam. (Ảnh: Toyota Việt Nam).

Trong đó mẫu xe Vios thường xuyên có doanh số dẫn đầu thị trường. Với 67 đại lí đặt tại 31 tỉnh, thành trên cả nước, Toyota Việt Nam đã đón tới hơn 13 triệu lượt khách hàng vào làm dịch vụ. 

Không những đảm bảo sản xuất và cung ứng cho thị trường trong nước, công ty còn đóng góp hơn 565 triệu USD giá trị xuất khẩu, đưa Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu của tập đoàn Toyota Nhật Bản.

Giai đoạn 2015 - 2019, Toyota Việt Nam đã đóng góp vào ngân sách nhà nước 62.937 tỉ đồng (2,7 tỉ USD).

Honda

Thông tin từ website Honda Việt Nam, Honda gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 1996, theo hình thức liên doanh giữa Công ty Honda Motor (Nhật Bản), Công ty Asian Honda Motor (Thái Lan) và Tổng Công ty Máy Động Lực và Máy Nông nghiệp Việt Nam. Tổng vốn đầu tư của Tập đoàn là hơn 290 triệu USD, 144 USD vốn điều lệ.

Những thương hiệu Nhật Bản được người Việt 'nhớ mặt, gọi tên' - Ảnh 3.

Nhà máy Honda Việt Nam. (Ảnh: Honda Việt Nam).

Sau 24 năm có mặt tại Việt Nam, Honda trở thành một trong những công ty dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất xe gắn máy và nhà sản xuất ô tô tại Việt Nam. Điển hình như Tập đoàn Honda, từ một nhà máy đầu tiên tại tỉnh Vĩnh Phúc, đến nay, tập đoàn này đã có ba nhà máy sản xuất xe máy và một nhà máy sản xuất ôtô tại Việt Nam, với tổng vốn đăng kí khoảng 530 triệu USD. Hiện Honda thu hút khoảng 10.000 lao động, sản xuất hơn 10.000 ô tô/năm và 3 triệu xe máy/năm.

Panasonic

Panasonic bắt đầu hoạt động kinh doanh thiết bị điện tử gia dụng, thiết bị gia đình tại TP HCM từ năm 1950. 

Tổng vốn đầu tư của Panasonic tại thị trường Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại là 243 triệu USD cho 8 công ty; 5 trong số đó là các nhà máy sản xuất nằm ở Đông Anh (Hà Nội), Hưng Yên, TP HCM và Bình Dương, dữ liệu từ webiste của Panasonic Việt Nam.

Những thương hiệu Nhật Bản được người Việt 'nhớ mặt, gọi tên' - Ảnh 4.

Nhà máy Panasonic tại Việt Nam. (Ảnh: Panasonic Việt Nam).

Đây là công ty 100% vốn nước ngoài đầu tiên giữ vai trò công ty chủ quản tại Việt Nam. Hiện tại, Panasonic Việt Nam có hơn 7.000 công nhân viên làm việc. 

Trong năm 2020, sau khủng hoảng từ đại dịch Covid-19, Panasonic là một trong những doanh nghiệp đầu tiên thực hiện việc di dời đại bản doanh sang Việt Nam trong bối cảnh Chính phủ Nhật Bản đang khuyến khích doanh nghiệp mở rộng hoạt động sang các nước ASEAN.

Uniqlo

Uniqlo, thương hiệu thời trang hàng đầu Nhật Bản, đã chính thức mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam vào đầu tháng 12/2019. 

Trải dài trên ba tầng với tổng diện tích bán hàng lên đến gần 3.100 m2, UNIQLO Đồng Khởi, TP HCM là cửa hàng lớn nhất của thương hiệu này tại Đông Nam Á. 

Sau 5 tháng chính thức đặt chân vào Việt Nam, Uniqlo đã có ba cửa hàng tại hai thành phố lớn nhất nước là TP HCM và Hà Nội. 

Theo Tạp chí Nhà Đầu tư, trước đó, công ty TNHH Uniqlo Việt Nam được thành lập từ ngày 2/10/2018 dưới hình thức liên doanh 100% vốn nước ngoài. Ngày 9/9 vừa qua, số vốn điều lệ được tăng từ hơn 201,5 tỉ đồng lên trên 364,6 tỉ đồng.

Những thương hiệu Nhật Bản được người Việt 'nhớ mặt, gọi tên' - Ảnh 5.

Uniqlo Đồng Khởi. (Ảnh: Uniqlo).

Trả lời truyền thông cuối năm 2018, ông Tadashi Yanai - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm giám đốc điều hành của Tập đoàn Fast Retailing (đơn vị sở hữu Uniqlo) cho biết, với dân số hơn 97 triệu người, cùng cơ cấu dân số trẻ, trung bình ở độ tuổi 30 và tăng trưởng GDP hằng năm lên đến hơn 7%, Việt Nam là một "mảnh đất" đầy hứa hẹn. 

Ông cũng khẳng định rằng việc gia nhập thị trường Việt Nam là một cột mốc quan trọng, đánh dấu bước phát triển và tiếp cận sâu hơn thị trường tiềm năng Đông Nam Á.

Hiện UNIQLO có hơn 2.000 cửa hàng trên khắp thế giới và Việt Nam là thị trường thứ 25 trên toàn cầu của thương hiệu này.

Canon

Canon là tập đoàn chuyên sản xuất máy ảnh, máy in và máy quét. Thương hiệu này có mặt tại Việt Nam từ đầu những năm 1980 thông qua các nhà phân phối được uỷ quyền, thông tin từ website chính thức của Canon. 

Những thương hiệu Nhật Bản được người Việt 'nhớ mặt, gọi tên' - Ảnh 6.

Máy ảnh Canon. (Ảnh: Canon).

Đến năm 2011, công ty Canon Việt Nam chính thức thành lập với 100% vốn đầu tư Nhật Bản. Nhà máy đầu tiên của Canon thuộc khu công nghiệp (KCN) Thăng Long (Hà Nội). Đến nay, Canon đã thành lập thêm ba nhà máy tại Quế Võ và Tiên Sơn - Bắc Ninh, Phố Nối – Hưng Yên và công ty Canon Marketing Việt Nam. 

Sau gần hai thập kỉ đầu tư và sản xuất tại Việt Nam, Canon đã tạo việc làm cho hơn 23.000 lao động, đóng góp gần 2% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Hiện tại, tập đoàn này có hơn 3000 đại lí tại Việt Nam.


chọn
Cận cảnh 28 thửa đất vàng gần Đại sứ quán Mỹ sẽ đấu giá
Quận Cầu Giấy sẽ đấu giá quỹ đất xây nhà ở riêng lẻ hạn hữu còn lại ở Khu đô thị mới Cầu Giấy, gần khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ.