Tham gia xây dựng và tổ chức Quân đội Nhân dân Việt Nam đi từ không đến có, từ nhỏ đến lớn và đã chỉ huy đội quân ấy đánh bại 2 đại cường quốc Pháp, Mỹ trong một cuộc chiến kéo dài đến 30 năm, sự nghiệp của Tướng Giáp là hy hữu trong lịch sử quân sự nhân loại. Tuy nhiên, ở Việt Nam mà đặc biệt là trong lòng những anh “bộ đội cụ Hồ”, sức hút của Tướng Giáp không hoàn toàn nằm ở tài thao lược mà ở tác phong thân tình, gần gũi của ông.
Đại tá Đào Văn Xuân, nguyên phó Chính ủy Binh chủng Tăng Thiết giáp nhớ mãi lần Tổng tư lệnh chủ động xuống thăm đơn vị vào quãng năm 1966 – 1967. Trong cuốn hồi ức Theo vết xích xe tăng tập 2, đại tá Xuân bồi hồi nhớ lại: “Anh Văn rất tôn trọng cán bộ cấp dưới, một lần được tin anh đến chỗ Bộ tư lệnh chúng tôi sơ tán. Ô tô của Anh phải đỗ ở chân đồi, vì xe du lịch loại một cầu không leo đồi được, tôi và anh Dương Đằng Giang, Tham mưu trưởng Binh chủng ra chân đồi đón. Thời tiết mùa thu, nhưng leo đồi người nóng lên, anh Văn cởi áo khoác ngoài, vì quý Thủ trưởng cấp trên, tôi đỡ áo khoác và cầm lấy để anh đi thuận lợi. Đi được mươi bước anh Văn quay lại nhắc đồng chí cận vệ của anh và nói: Cậu cầm lấy cái áo thay anh Xuân. Tuy là cử chỉ nhỏ, song tôi thật cảm động vì tấm lòng người Anh Cả của mình, chú ý đến em từng chi tiết, trong cách cư xử”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm đơn vị bộ đội. |
Một câu chuyện khác cho thấy tác phong hòa đồng và thân tình của Tướng Giáp đối với cấp dưới là lần ông đến thăm đường Trường Sơn. Theo lời kể của Khổng Yến Phương trong tập Lính Trường Sơn: Khi tướng Giáp vào một lán tạm nghỉ bên đường, công vụ bưng một thau nước tới cho ông rửa mặt nhưng ông nói: “Đồng chí để tôi xuống cầu phao được chứ? Anh chiến sĩ lúng túng đỏ mặt. Tôi đứng lên vội đỡ lời: Thưa được ạ nhưng để đồng chí ấy xuống trước xem lại đã (tôi muốn làm động tác chứng minh sự an toàn để người cán bộ bảo vệ đi theo khỏi ngại). Tổng tư lệnh cười, nhẹ nhàng nói: anh em vẫn dùng hàng ngày mà”.
Trên đường đi về ngã ba Lùm Bùm, Đại tướng ra hiệu dừng xe ở đèo Cốc Mạc để quan sát địa thế con đường bị địch ngăn chặn quyết liệt. Tổng tư lệnh đi vào trận địa cao xạ ngay đầu trọng điểm. Ông đến từng khẩu đội, xem xét cách bố trí, thăm các chiến sĩ và nghe anh tiểu đoàn trưởng báo cáo trận đánh có hiệu quả nhất tại trọng điểm này. Tổng tư lệnh hoan nghênh cách ứng dụng sáng tạo chiến thuật đánh tiêu diệt trong hoàn cảnh địa hình cụ thể, bám sát mục tiêu bảo vệ giao thông vận tải. Ông bắt tay từng cán bộ, chiến sĩ. Họ cứ ngây người nhìn khuôn mặt đôn hậu gần sát bên họ. Tôi thoáng nghe tiếng líu ríu: " Đại tướng nắm tay tớ...”, “Ông cụ nắm đến chặt cậu ạ...” Thì ra những người lính rất tinh tế, họ hiểu tấm lòng cấp trên qua cái bắt tay”.
Họa sĩ Lê Trí Dũng là một người có duyên được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhiều lần ở trong những hoàn cảnh khác nhau, từ thời chiến đến thời bình. Mỗi lần gặp Đại tướng đều để lại trong ông một kỷ niệm khó phai.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm cán bộ, chiến sĩ Bộ chỉ huy quân sự Thừa Thiên Huế, tháng 4/1976. |
Lần đầu tiên gặp mặt tướng Giáp, ông Dũng là một chiến sĩ trong sư đoàn 338 đóng ở Thanh Hóa luyện tập. Một đêm đông trước Tết nguyên đán 1972 vài ngày, sư đoàn được lệnh báo động hành quân. Trong cái giá lạnh nửa đêm lại chỉ còn vài ngày nữa là Tết, tâm trạng lính tráng không tránh khỏi có những lời ca thán.
Nhưng đến tờ mờ sáng thì đoàn quân mới giật mình khi nhìn thấy lờ mờ dãy núi đá vôi Ninh Bình. Thì ra đơn vị đang lộn ngược ra Bắc. Bất ngờ hơn, đơn vị được lệnh chuẩn bị đón Đại tướng đến úy lạo trước khi lên đường. Nhiều năm qua đi nhưng kỷ niệm năm ấy vẫn rõ ràng mồn một trong đầu họa sĩ Lê Trí Dũng. Trong tập hồi ức Theo vết xích xe tăng ông kể:
“Hôm ấy, Sư đoàn bộ đã dựng một khán đài cao, Đại tướng đứng trên đó nói chuyện, toàn Sư hàng ngũ chỉnh tề trải dài xuống ven đồi. Nhiều đơn vị ở quá xa chỉ cử đại diện. Đại tướng lên nói chừng 15 phút, chúc Tết và động viên binh sĩ, tiếng “u ra” vang rền.
Kết thúc, đơn vị chỗ nào lại về chỗ nấy. Chúng tôi còn nán lại để “xem mặt” ông. Ra đến ngoài cánh rừng bạch đàn, thấy rất nhiều binh sĩ đứng dọc hai bên đường, từ trên xe, ông nhảy xuống đi bộ giữa hai hàng quân, tay vẫy vẫy... Đột nhiên, ông dừng lại trước một người lính trẻ, rất trẻ, chỉ chừng 17 tuổi và rất “hạt tiêu”, lùng thùng trong bộ quân phục số 2.
Đối diện với người binh nhì, ông ôn tồn hỏi: “Đồng chí đi bộ đội bao lâu rồi?” “Báo cáo Đại tướng - gần một tháng ạ” “Đã học chào chưa?” Người lính trẻ lúng túng, vì cảm động hơn là vì câu hỏi, và bất ngờ, Đại tướng dập gót, đứng nghiêm, giơ tay chào. Người lính cũng đứng thẳng người, chào đáp lại, hai mắt anh rực sáng, suốt đời tôi không bao giờ quên ánh mắt của người binh nhì hôm ấy.
Trong ánh mắt ấy nửa như có sự hàm ơn, nửa như mang một lời hứa. Trong giây lát, không gian như nén lại, rồi vỡ tung ra trong tiếng “u ra” vang dội. Lần đầu tiên, tôi chứng kiến một cảnh tượng cảm động và lạ lùng: Một Đại tướng đứng nghiêm chào một binh nhì trước giờ xuất trận.
Giờ đây, đã hơn 30 năm, lũ trẻ sinh thành đêm hôm ấy phần lớn đã có vợ con. Còn chúng tôi không quên được cuộc hội ngộ đêm ấy. Trong tình thế ầm ầm vào trận, mạng sống quả rất mong manh. Nhưng với đạo quân “Phụ tử chi binh” ấy, người ta cũng có thể chết vì một tấm lòng, một nghĩa cử lắm chứ. Sự thực trong đoàn quân năm ấy rất nhiều người đã không trở về, họ vĩnh viễn nằm lại Thành cổ Quảng Trị, đáy dòng Thạch Hãn, một cánh rừng nào đó ở B2, B3, chiến trường C... Nhưng tôi biết sức mạnh của những người lính chúng tôi được tăng lên rất nhiều kể từ buổi gặp chủ tướng của mình ngày ấy”.
Ý nghĩa ngày 22/12 với Quân đội nhân dân Việt Nam
Ngày 22/12 không chỉ là Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam mà ngày này đã trở thành Ngày hội Quốc phòng toàn ... |