Nỗi lo biệt thự đổ sập
Một căn biệt thự đang xuống cấp tại trung tâm thành phố. |
Tại căn biệt thự cổ ngay góc ngã tư đường Nguyễn Thi – Hải Thượng Lãn Ông (quận 5) khi PV tìm tới liên hệ, chị H. một trong những hộ dân sống tại đây than vãn: “Người ta cứ thấy gia đình tôi sống ở đây, ngay trung tâm sầm uất nhất Chợ Lớn là sướng nhưng ai biết nỗi khổ của những người ở bên trong như thế nào đâu. Nhà thì càng ngày càng mục nát, xuống cấp, không phải của riêng nên cũng chẳng sửa được. Ngày nắng thì không sao, cứ hễ mưa là lại phải mang thau ra hứng nước, dột tứ phía trong nhà, cứ vá chỗ này xong hôm sau chỗ khác lại bị”.
Tường căn biệt thự bong tróc, loang lổ. |
Ghi nhận thực tế cho thấy, phần bên ngoài mặt tiền, các mảng vữa bong tróc rất nhiều, các bệ thành lan can hoa văn bị bung bể để lộ cả lõi sắt bên trong, rêu phong phủ kín. Trong căn nhà ẩm ướt, hôi hám, các đường dẫn cầu thang rêu cũng phủ kín, nước cứ róc rách từ trên mái chảy xuống tường, ố vàng, các khung cửa gỗ cũng mục nát, có khung mất luôn cả cánh.
Theo lời chị H., hiện tại trong căn nhà này tới 5 hộ dân sinh sống, phía bên dưới được cho thuê kinh doanh, còn chủ thì ít gặp lắm. Chị cũng chẳng biết rõ chủ nhà hiện tại là ai, nghe kể thì trước đây do nhà nước quản lý nhưng sau đó bán lại cho một xưởng may, khi xưởng may hết hoạt động họ bán lại cho những người công nhân. Cũng chỉ là nghe thế thôi chứ cũng không biết chính xác thế nào, mình ở thì cứ ở thôi, được ngày nào hay ngày ấy.
Không riêng gì căn biệt thự này, hầu hết những căn biệt thự cổ khác tại các đường Hải Thượng Lãn Ông, Phùng Hưng, Lão Tử, Kim Biên.. đều có chung tình trạng xuống cấp như vậy. Các hộ dân khi được hỏi đều ngao ngán cho rằng, có chỗ ăn ở, nhưng sướng thì ít mà khổ thì nhiều. Dột nát, rêu phong, ẩm ướt...mà cũng chẳng biết nó sập khi nào.
Phần trần nhà trơ lõi sắt. |
Bà N. bán nước trước căn biệt thự số 221 đường Phùng Hưng chia sẻ: “May mà phần dưới còn cho người ta thuê để xe được đấy, còn phần lầu trên có ở được nữa đâu, nó sập tới nơi rồi. Từ hơn một năm nay nhà chủ chuyển đi chỗ khác sống, thỉnh thoảng cũng ghé qua nhìn ngắm, leo lên leo xuống rồi lại đi. Nghe bảo là cũng muốn sửa nhưng sửa không được vì nó mục từ dưới chân lên, chỉ có cách đập đi mà xây lại nhưng nghe cậu chủ nhà nói là không xin được giấy phép”.
Rêu phong phủ kín bên ngoài một căn biệt thự. |
Nhiều căn khác tại đường Nguyễn Trãi cũng trong tình trạng chờ sập. Điển hình là căn biệt thự cổ số 5 Lê Công Kiều (quận 1), dù nằm ngay trung tâm thành phố, hai mặt tiền đường nhưng hiện giờ đã bị phủ kín bạt xung quanh, không được ở tiếp vì sợ sập.
Vướng mắc các quy định về bảo tồn
Các căn biệt thự cổ rất khó được sửa lại khi xuống cấp vì vướng các quy định về bảo tồn. |
Thực tế các căn biệt thự cổ được bảo tồn đúng cách rất ít, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thường chỉ các căn biệt thự thuộc sự quản lý của nhà nước là còn nguyên và có thể sử dụng được, còn lại các căn biệt thự của cá nhân thì hầu như đều trong tình trạng xuống cấp trầm trọng.
Các chủ nhà vẫn thường phải kêu trời vì nhà thì to, mang danh biệt thự, đất vàng nhưng mưa thì dột nóc, rêu phong thì phủ kín, ngói cứ rớt dần rớt mòn.
Một góc căn biệt thự cổ đang xuống cấp trầm trọng tại quận 5. |
Trong một bài nghiên cứu mới đây, một vị kiến trúc sư lão làng cho rằng: “Giá trị nghệ thuật của nhiều biệt thự chỉ thuộc loại tầm tầm, không có di tích lớn vì bản thân kiến trúc của loại công trình này nhỏ, không đại diện cho quốc gia nên loại biệt thự chuyển sang di tích là không nhiều.
Cũng theo vị kiến trúc sư này, đừng để bảo tồn đồng nghĩa với “treo”. Nhà nước phải giải quyết các vấn đề khi làm bảo tồn hiện nay là mâu thuẫn giữa lợi ích kinh tế của chủ sở hữu và lợi ích của bảo tồn. Thời điểm này cần xây dựng tiêu chí trên giá trị kinh tế. Vì vậy, tiêu chí đầu tiên phải dựa vào để tính toán vị trí của công trình, tiếp đến là dựa trên quy mô của công trình, sau đó mới tính đến những tiêu chí khác như kỹ thuật...
Tường xuống cấp trong căn biệt thự tại quận 5. |
Để việc bảo tồn bền vững hơn cần đưa công trình hoặc cụm, không gian đó trở thành di tích. Nhà nước ứng xử thế nào cho từng nhóm, quyền lợi của chủ sở hữu được bảo đảm như thế nào... đều có quy định. Bảo đảm quyền lợi và hướng dẫn chủ sở hữu phát triển ra sao cũng phải tính. Đừng để việc bảo tồn công trình nào tức là “treo” công trình đó.