Sáng 8/10, trao đổi với PV. VietNamNet, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ Nguyễn Văn Ngọc, cho biết giá gà lông trắng mấy ngày nay đã nhích lên thêm khoảng 4.000 đồng/kg so với chục ngày trước. Song, với giá bán 16.000 đồng/kg như hiện nay thì người chăn nuôi vẫn thua lỗ nặng.
Theo ông Ngọc, giá thành sản xuất của 1kg gà lông trắng là khoảng 25.000 đồng, tức mỗi 1 kg gà người chăn nuôi lỗ khoảng 9.000 đồng. Xuất bán 1 con gà lông trắng người nuôi lỗ 24.000 đồng.
“Đáng buồn là giá gà đã giảm suốt một khoảng thời gian dài và chưa có dấu hiệu phục hồi trở lại”. Ông Ngọc cho hay, giá gà lông trắng bắt đầu giảm từ dịp 30/4 đến giờ, thậm chí có thời điểm giá còn chạm đáy xuống mức 12.000-13.000 đồng/kg. Trong khi, mỗi một tuần ở khu vực Đông Nam Bộ tổng số gà vào đàn khoảng 3 triệu con, tức gà xuất chuồng số lượng cũng tương đương.
Người chăn nuôi gà đang chịu lỗ 24.000 đồng/con.
Nếu nhân lên với số tiền lỗ 24.000 đồng/con, một tuần người nuôi gà lông trắng ở Đông Nam Bộ lỗ khoảng trên 70 tỉ đồng. Nếu tình trạng này kéo dài thì người nuôi gà sẽ phá sản cả loạt.
Trước đó, ông Nguyễn Tấn Tam - chủ một trang trại chăn nuôi gà công nghiệp ở thị xã Dĩ An (Bình Dương) - cũng than thở giá gà sụt giảm từng ngày, chưa nhìn thấy dấu hiệu tăng. Nhóm chăn nuôi của ông có khoảng 10 hộ tham gia, quy mô 650.000 con. Mỗi ngày, nhóm này cung cấp ra thị trường khoảng 10.000 con gà lông trắng, trọng lượng khoảng 2,7-2,8kg/con. Với mức giá như hiện nay, mỗi sáng mở mắt ra, họ chịu lỗ 200-270 triệu đồng.
Không lỗ nặng như các trại nuôi ở miền Nam, song ở miền Bắc người chăn nuôi cũng chịu thua lỗ khi giá gà công nghiệp giảm xuống chỉ còn từ 19.000-21.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, cho hay Hiệp hội đã làm việc với các ngành liên quan và có số liệu chính xác số lượng thịt gia cầm nhập khẩu 8 tháng đầu năm 2019 là 98.462 tấn, tăng gấp 4 lần so với cùng kì năm ngoái. Sự tăng trưởng đột biến này là nguyên nhân khiến việc tiêu thụ gà trong nước gặp khó khăn lớn.
Ngoài nguyên nhân do gà nhập khẩu, theo ông Ngọc, giá gà giảm một phần cũng do người dân chuyển đổi cơ cấu chăn nuôi. Dịch tả lợn châu Phi hoành hành, nhiều trang trại chuyển từ nuôi lợn sang nuôi gà khiến nguồn cung tăng mạnh. Hậu quả, người dân đang chịu nỗi buồn thua lỗ vì cung tăng, giá giảm.
Trái ngược với giá gà công nghiệp lông trắng, những ngày gần đây, giá thịt lợn lại tăng không ngừng nghỉ. Theo đó, thịt lợn hơi tăng giá đồng loạt từ Bắc vào Nam. Chỉ trong một tuần giá đã tăng khoảng 10.000 đồng/kg.
Ghi nhận vào sáng 8/10, giá thịt lợn hơi ở miền Bắc tiếp tục được Tập đoàn Dabaco Việt Nam niêm yết ở mốc 61.000-62.500 đồng/kg ở tùy từng địa phương. Trong đó, Tập đoàn C.P cũng đẩy giá lên mốc 58.500 đồng/kg.
Tại miền Trung và miền Nam, giá thịt lợn hơi cùng chung có xu hướng tăng mạnh. Hiện ở hai khu vực này giá lợn cũng đã chạm mốc 51.000-54.000 đồng/kg.
Giá lợn tăng cao kỉ lục nhưng nhiều hộ chăn nuôi đã cạn sạch, treo chuồng từ lâu.
Đáng chú ý, dù giá lợn tăng cao ngất ngưởng, song thương lái vẫn phải vất vả lùng mua lợn khắp nơi. Trong khi, một số doanh nghiệp khống chế không cho khách mua quá nhiều.
Anh Nguyễn Văn Tâm, nhân viên một doanh nghiệp chăn nuôi phụ trách khu vực ở Vĩnh Phúc, chia sẻ, thương lái trong vùng lùng mua từng con. Lợn ngoại cỡ cũng bắt, lợn khoảng 80kg/con cũng đến tận chuồng nhà dân vét sạch.
Còn doanh nghiệp thì chỉ bán ở một hạn mức nhất định. Mối khách lớn cho phép bắt 160 con/ngày, mối khách nhỏ quy định chỉ được bắt dưới 60 con/ngày. Muốn bắt nhiều hơn doanh nghiệp cũng không đồng ý.
Theo tính toán của anh Tâm, với giá hiện tại, mỗi con lợn xuất chuồng nặng 1 tạ người nuôi sẽ lãi khoảng 2,2 triệu đồng/con. Song, anh cũng phải thừa nhận rằng, dù lợn đang sốt giá, tăng lên mức kỉ lục, nhưng dân giờ lại không còn lợn để bán. Nhiều trang trại chuồng nuôi đã trống từ lâu vì dịch bệnh.
Chị Lê Thị Ba - chủ một trang trại chăn nuôi lợn ở Đan Phượng (Hà Nội) - buồn bã cho hay dịp đầu năm, trang trại nhà chị có tổng đàn 500 con, nuôi đến lúc xuất chuồng lại đúng thời điểm dịch hoành hành, giá lợn rẻ như rau. Xuất bán hết lợn đi chị lỗ tới nửa tỉ đồng. Lứa sau vào đàn, lợn không may mắc dịch tả châu Phi buộc phải tiêu hủy hết sạch. Chị bỏ trống chuồng trại đến giờ vẫn chưa dám tái đàn.
“Giờ nhìn giá tăng, tính ra lãi cả 2 triệu đồng mỗi con nhưng dân có còn lợn đâu. Khu chỗ nhà tôi, chuồng trại của dân hết sạch lợn rồi, có chăng chỉ còn các trại nuôi gia công cho mấy công ty chăn nuôi là đang có lợn nữa thôi”, chị tâm sự.
Thực tế, theo số liệu của Cục Thú y, khoảng gần 6 triệu con lợn buộc phải tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi. Số lợn này đa phần ở các trang trại nhỏ của các hộ chăn nuôi. Các doanh nghiệp lớn vẫn chưa ghi nhận trường hợp nào bị dịch, bởi họ chăn nuôi theo quy trình khép kín, phòng trừ bệnh khá tốt.
Một chuyên gia trong ngành chăn nuôi nhận định, giá thịt lợn từ nay đến Tết Nguyên đán có thể chạm mốc 70.000 đồng/kg. Tuy nhiên, lợi nhuận lại chủ yếu rơi vào túi các doanh nghiệp chăn nuôi lớn, bởi khối doanh nghiệp này chiếm 45% tổng đàn nhưng quyết định 55% tổng sản lượng thịt.
Còn người nông dân nuôi nhỏ lẻ đã hết sạch lợn trong chuồng, giá có tăng nữa cũng không có lợn để bán, trong khi vào đàn mới thì sự dịch tái bùng phát.