Tờ Japan Times dẫn số liệu từ Cơ quan Thuế Quốc gia Nhật Bản cho biết, giá đất ở nước này đã tăng 0,4% đánh dấu năm tăng thứ 2 liên tiếp.
Giá đất cao nhất ở nước này là 40,32 triệu yên/m2 (hơn 8,1 tỷ đồng/m2) ở khu vực phía trước cửa hàng văn phòng phẩm nổi tiếng Kyukyodo ở khu mua sắm Ginza ở Tokyo tăng 26% so với năm ngoái. Đây là khu vực có mức giá đất đắt nhất tại Nhật Bản năm thứ 32 liên tiếp.
Hồi năm 1992, mức giá đất tại khu vực này được ghi nhận là 36,5 triệu yên/m2 ngay sau khi nền kinh tế bong bóng của Nhật bị vỡ. Đến năm 1997, giá đất ở khu vực này giảm mạnh còn 11,36 triệu yên/m2.
Khu vực trước cửa hàng văn phòng phẩm Kyukyodo có giá đất đắt kỷ lục |
Sự bùng nổ của du lịch và kỳ vọng về cơ hội kinh doanh được cải thiện khi khu mua sắm Ginza Six gần đó mới được khai trương đã giúp giá đất khu vực này tăng mạnh. Mặt khác việc thực hiện các dự án cho Thế vận hội Tokyo 2020 cũng là nguyên nhân khiến giá đất ở Tokyo tăng.
Khu Ginza từ lâu là điểm đến nổi tiếng cho bất kỳ du khách nào khi du lịch Nhật Bản. Giá cả ở đây đắt đỏ, ăn uống cũng vậy. Đặc biệt khu mua sắm Ginza là nơi có mặt của hàng trăm cửa hàng, cửa hiệu chuyên bán các hàng hóa đắt tiền.
Giá đất tăng do du khách đổ đến Nhật?
Japan Times dẫn số liệu của cuộc khảo sát cho thấy xu hướng chênh lệch giá đất giữa các thành phố lớn với nông thôn. Trong đó, giá đất tăng ở 13 tỉnh chủ yếu là nơi có các đô thị lớn trong khi 32 tỉnh khác có giá đất giảm và giá đất ở 2 tỉnh "đứng yên".
Các nhà phân tích cho rằng, giá đất ở các thành phố lớn cao hơn do nhu cầu nhà ở và các yếu tố liên quan đến du lịch. Trong khi các khu vực có giá đất thấp hơn thường là nông thôn và số dân ít do tỷ lệ sinh giảm còn số người già tăng lên.
Ngoài yếu tố du lịch, du khách ở một số nơi thì giá đất ở khu vực Miyagi - nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của động đất và sóng thần tháng 3/2011 cũng bật tăng 3,7% sau khi công trình tàu điện ngầm mới chạy qua Sendai được đầu tư xây dựng.
Trả lời phỏng vấn tờ Japan Times, ông Takeshi Ide - Chuyên gia phân tích của công ty bất động sản Tokyo Kantei cho biết, giá đất cao ở các thành phố lớn có liên quan đến việc du khách nước ngoài đến Nhật tăng lên cho nên xây dựng khách sạn và phát triển hệ thống giao thông tăng lên.
Ở Tokyo có mức giá đất đắt kỷ lục nhưng mức giá đất tăng mạnh nhất 77,1% so với cùng kỳ lại được ghi nhận ở phố Niseko Kogen Hirafusen, Kutchan - khu du lịch trượt tuyết nổi tiếng ở Hokkaido. Đây là nơi có mức giá đất tăng mạnh nhất trong 3 năm liên tiếp.