Bà Georgieva, nguyên Giám đốc điều hành Ngân hàng thế giới, đã trở thành người đầu tiên đến từ một nền kinh tế mới nổi, trở thành nhà lãnh đạo IMF, kể từ khi tổ chức này được thành lập vào năm 1944.
Được biết, vị Giám đốc tiền nhiệm, bà Christine Lagarde sẽ rời nhiệm sở vào ngày 1/10/2019, để trở thành người đứng đầu Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
Kristalina Georgieva sinh ngày 13/8/1953, là một nhà kinh tế học người Bulgaria, có cha là một kĩ sư xây dựng ở Bulgaria.
Bà từng học kinh tế chính trị và xã hội học tại Học viện Kinh tế cao cấp Karl Marx ở Sofia, Bulgaria. Sau khi tốt nghiệp năm 1976, bà qua học tại Trường Kinh tế Luân Đôn, Anh với tư cách là học giả của Hội đồng Anh.
Kể từ đó, Georgieva đã xây dựng một sự nghiệp vững chắc của mình trong Ngân hàng Thế giới và trong Ủy ban châu Âu, với nhiều vai trò khác nhau ở cả hai tổ chức này.
Bà Kristalina Georgieva trở thành Giám đốc mới của Qũy tiền tệ quốc tế. (Ảnh: Reuters).
Từ năm 1993 – 2010, Georgieva nắm giữ một số vị trí tại Ngân hàng thế giới, và cuối cùng trở thành Phó Chủ tịch của Ngân hàng này vào tháng 3/2008. Bà là Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu dưới thời Jean-Claude Juncker từ năm 2014 đến năm 2016.
Từ năm 2017, Kristalina Georgieva trở thành Giám đốc điều hành của Ngân hàng thế giới và giữ chức Chủ tịch lâm thời của Ngân hàng thế giới từ ngày 1/2/2019 đến ngày 8/4/2019.
Vào ngày 21/4/2018, các cổ đông của Ngân hàng Thế giới đã công bố một gói biện pháp đầy tham vọng, bao gồm tăng vốn thanh toán 13 tỉ USD đi kèm một loạt cải cách nội bộ, cùng các biện pháp chính sách nhằm tăng cường khả năng chống đói nghèo toàn cầu, mở rộng nguồn lực và thực hiện sứ mệnh của mình trong các khu vực khó khăn trên thế giới.
Georgieva được cho là người đóng vai trò chính trong việc triển khai kế hoạch này – kế hoạch hỗ trợ lớn nhất trong lịch sử của Ngân hàng Thế giới.
Bà cũng là người đấu tranh cho nữ quyền mạnh mẽ, bằng cách cam kết đặt mục tiêu sẽ có 50% vị trí quản lí cấp cao tại Ngân hàng Thế giới do nữ giới nắm giữ vào năm 2020.
Điều này đã đạt được trước thời hạn vào tháng 10 năm 2018.
Kristalina Georgieva là người phụ nữ thứ hai, sau Christine Lagarde, trở thành nữ Tổng Giám đốc đầu tiên của tổ chức này. (Ảnh: AFP).
Năm 2017, Georgieva đã được công ty Richtopia có trụ sở tại Anh, liệt kê ở vị trí số 2 trong danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất trong các tổ chức đa quốc gia.
Năm 2019, bà được trao giải thưởng Princess Marina Sturdza trong hệ thống Giải thưởng Thành tựu nổi bật của châu Âu.
Ngoài công việc bận rộn, người phụ nữ đầy quyền lực này thích dành thời gian cho gia đình, du lịch, chơi guitar, nhảy, và nấu ăn.
Trước đây, ở tuổi 66 của Georgieva sẽ được coi là quá già để làm việc trong Qũy tiền tệ quốc tế. Tuy nhiên, trước những áp lực từ phía Pháp, IMF đã từ bỏ giới hạn với những người trên 65 tuổi.
Kristalina Georgieva là người phụ nữ thứ hai, sau Christine Lagarde trở thành nữ tổng giám đốc đầu tiên của tổ chức này.
Kristalina Georgieva sẽ bắt đầu làm việc với vai trò Giám đốc điều hành của Quỹ tiền tệ quốc tế từ ngày 1/10/2019, trong một nhiệm kì kéo dài 5 năm. (Ảnh: AFP).
Kristalina Georgieva sẽ bắt đầu làm việc với vai trò Giám đốc điều hành của Quỹ tiền tệ quốc tế từ ngày 1/10/2019, trong một nhiệm kì kéo dài 5 năm.
Phát biểu sau khi được ban điều hành của IMF lựa chọn, bà cam kết sẽ "bảo đảm sự ổn định của hệ thống kinh tế và tài chính toàn cầu, thông qua hợp tác quốc tế".
"Trách nhiệm của IMF ngày một nặng nề, nhất là trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu tiếp tục gây thất vọng, căng thẳng thương mại vẫn leo thang và nợ công ở mức cao trong lịch sử", Kristalina Georgieva nói thêm.
Bà cho biết mục tiêu dài hạn của IMF là hỗ trợ các chính sách tiền tệ, tài chính và cơ cấu hợp lí để xây dựng nền kinh tế mạnh hơn, đồng thời cải thiện nền kinh tế của người dân.
"Mục tiêu của tôi là tăng cường vai trò của Qũy tiền tệ hơn nữa, bằng cách làm cho nó ngày càng hướng tới tương lai và tập trung nhiều hơn vào nhu cầu của các thành viên trong tổ chức", Kristalina Georgieva chia sẻ.