Nữ sinh Học viện Tài chính Phạm Thị Minh Phương |
Nữ sinh Học viện Tài chính Phạm Thị Minh Phương không may mắc phải căn bệnh tim bẩm sinh. Phương đã từng được chương trình “Trái tim cho em” hỗ trợ mổ tim thành công năm 12 tuổi nhưng do căn cơ sức khỏe không tốt nên em vẫn thường hay đau yếu.
Bố Phương mất sớm, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên Phương phải chật vật mưu sinh. Những năm gần đây, Phương ở với bà sau khi mẹ em tái giá. Thương bà, thương cho hoàn cảnh của chính mình, Phương cố gắng học tập với hi vọng có một tương lai tươi sáng.
Khi đỗ vào Học viện Tài chính, Phương rất lo lắng về vấn đề học phí. Em đã suy nghĩ rất nhiều và quyết định vay vốn để đi học. Hiện tại, Phương vừa đi học, vừa đi làm giúp việc để trang trải.
“Mỗi ngày em làm giúp việc 3 giờ, được trả 80.000 đồng tiền công. Chi cho tiền ăn khoảng 30.000 đồng bao gồm bữa sáng, trưa, và tối. Những lúc có chi phí phát sinh, em thường ăn mì tôm cho tiết kiệm. Em đã có kinh nghiệm nhất định nên mong muốn sau này sẽ mở một nhà hàng”, Minh Phương chia sẻ.
Nữ sinh Nguyễn Thị Huyền Thương |
Nữ sinh Nguyễn Thị Huyền Thương đỗ vào Đại học Y Hà Nội với điểm số rất cao là 29,25 điểm. Huyền Thương sinh ra tại Thái Bình, trong một gia đình thuần nông nhưng lại có người cha nghiện rượu, mắc chứng bệnh rối loạn tâm thần.
Tuổi thơ Thương không chỉ chịu đựng khổ cực của cái nghèo mà còn phải chứng kiến cảnh gia đình không hạnh phúc. Cha thường xuyên không tỉnh táo, mắng chửi, thậm chí là đánh mẹ con em.
Gia đình Thương cũng đã nhiều lần đưa cha em vào viện tâm thần điều trị. Cũng vì thế mà kinh tế gia đình càng thêm lao đao. Những người hàng xóm, thầy cô giáo đều thương cảm cho em, cô nữ sinh học giỏi mà lại chịu hoàn cảnh khó khăn thử thách. Mọi người đều nói, nếu như không chịu áp lực quá lớn từ cuộc sống, Thương sẽ có thành tích học tập càng tốt hơn nữa.
Khi đỗ ĐH Y, Thương vừa mừng vừa lo. Mừng vì mình đã chạm tay vào ước mơ trở thành bác sĩ, lo vì học y mất nhiều thời gian, lại chẳng thể kiếm được nhiều tiền lương để phụ giúp cho mẹ.
“Em đã từng nghĩ hay là thi vào một ngành nào đó làm kinh tế kiếm tiền phụ mẹ, nhưng mẹ và anh đã động viên em, giúp em có thêm quyết tâm thi vào trường Y. Lắm lúc thấy khổ quá, mấy mẹ con ôm nhau bật khóc”, em Thương chia sẻ.
Vừa trở thành sinh viên năm nhất, Thương đã kiếm cho mình công việc gia sư với mức lương 100.000 đồng/buổi. Mỗi tuần em đi dạy 3 buổi. Số tiền ấy đủ cho em trang trải chi phí ăn uống, điện nước. Tuy nhiên, Thương vẫn rất lo lắng vì còn nhiều chi phí phát sinh khi sống ở Hà Nội. Em cũng lo rằng thời gian học tập kéo dài, lại cộng thêm phải đi thực tập kể từ năm học thứ 3 trở đi, em không thể cân bằng giữa lịch học và lịch làm thêm... Dẫu vậy, em vẫn chưa từng nguôi mơ ước trở thành một bác sĩ đa khoa trong tương lai.
Nhân dịp nhận được học bổng 10 triệu đồng của báo Tiền phong, em Phương quyết định sẽ sử dụng số tiền này vào học tập và giúp đỡ mẹ vượt qua nghịch cảnh.
Minh Phương, Huyền Thương cùng các bạn nhận học bổng "Nâng bước sinh viên - Chắp cánh tương lai". |
10h hôm nay (17/11), Minh Phương và Huyền Thương là hai trong số các sinh viên tham gia buổi tọa đàm trực tuyến lễ trao học bổng mang tên “Nâng bước sinh viên - Chắp cánh tương lai” do báo Tiền Phong tổ chức.
Đây là học bổng dành cho các tân sinh viên vừa đậu đại học và cao đẳng nhưng có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, được trao cho tân sinh viên tại 23 địa phương khác trên cả nước. Với mỗi suất 10 triệu đồng, học bổng “Nâng bước sinh viên - Chắp cánh tương lai” lần đầu tiên này sẽ dành ra 160 suất, tương đương 1,6 tỷ đồng trao cho tân sinh viên khó khăn, giúp các em vượt khó trên con đường học tập.
Học sinh Việt tìm hiểu về trường THPT nội trú Mỹ chuyên biệt cho nam và nữ
Trong hai ngày 4-5/11, học sinh và phụ huynh ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã có buổi giao lưu, chia sẻ kinh ... |