Nửa năm sóng gió của Yeah1

Cổ phiếu YEG của Yeah1 giảm gần 80% so với mức đỉnh từng xác lập và thấp hơn 75% so với giá khởi điểm phiên giao dịch đầu tiên.

Hai nhân sự chủ chốt của Công ty cổ phần Tập đoàn Yeah1 (mã CK: YEG) - Chủ tịch hội đồng quản trị và Tổng Giám đốc - vừa đăng kí mua tổng cộng 3 triệu cổ phiếu. Cuối tháng 7/2019, chính Yeah1 cũng chi ra hơn 140 tỉ đồng để mua lại gần 1,8 triệu cổ phiếu quỹ.

Chi hàng trăm tỉ đồng để đỡ giá, thực tế, là biện pháp tạm thời sau chuỗi phiên giảm giá liên tục của cổ phiếu YEG. Sự cố với nền tảng chia sẻ video YouTube đầu tháng 3/2019 không chỉ khiến lợi nhuận ròng của Yeah1 trong nửa đầu năm 2019 âm hơn trăm tỉ đồng, mà còn cuốn trôi hết thành quả từ ngày đầu lên sàn. 

So với mức đỉnh từng xác lập, cổ phiếu của Yeah1 đã "bốc hơi" hơn 80% giá trị.

Nửa năm sóng gió của Yeah1 - Ảnh 1.

Một chương trình âm nhạc do Yeah1TV sản xuất, được đăng trên kênh YouTube của đơn vị này.

"Niêm yết với mức thị giá khủng, lại hoạt động trong một lĩnh vực hết sức mới mẻ, cổ phiếu YEG đã thu hút sự chú ý từ khi lên sàn", báo cáo phân tích mới nhất của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) về cổ phiếu YEG viết.

 "Dù vậy, không nhiều nhà đầu tư thực sự hiểu về mô hình hoạt động của Yeah1".

Cổ phiếu của Yeah1 lên sàn chứng khoán cuối tháng 6/2018 với giá tham chiếu phiên đầu tiên là 250.000 đồng. Là công ty xây dựng hệ sinh thái truyền thông và quảng cáo khép kín trên nhiều nền tảng kỹ thuật số, Yeah1 trở thành "hàng hiếm" khi lên sàn, bởi tại Việt Nam chưa có đơn vị hoạt động tương đồng niêm yết.

Công ty chứng khoán TP HCM (HSC) cho biết đã phải "cân đo đong đếm" trên cơ sở so sánh với các doanh nghiệp cùng ngành trong khu vực như Thái Lan, Đài Loan, Hàn Quốc. Thời điểm đó, thị giá Yeah1 cao hơn cả những cổ phiếu hàng đầu như Vinamilk, Sabeco hay Vietjet. 

Sự xuất hiện của doanh nghiệp này, bởi vậy, kéo theo sự tò mò, cũng như hoài nghi từ phía nhà đầu tư.

Ba phiên giao dịch đầu tiên tăng tối đa biên độ, thị giá cổ phiếu YEG đạt đỉnh 343.000 đồng, trở thành cổ phiếu đắt giá nhất sàn chứng khoán. Yeah1 sau đó huy động được gần 1.200 tỉ đồng từ các quỹ ngoại thông qua việc phát hành cổ phần. Dù diễn biến giao dịch có phần kém tích cực hơn, cổ phiếu này vẫn giữ được mức thị giá khoảng 200.000-250.000 đồng.

Tuy nhiên, sự cố với YouTube đã xóa bỏ tất cả. Đầu tháng 3/2019, nền tảng chia sẻ video lớn nhất thế giới thông báo chấm dứt thoả thuận lưu trữ nội dung với Yeah1, nguyên nhân do Spring Me - doanh nghiệp có trụ sở tại Thái Lan do Yeah1 sở hữu gián tiếp gần 17% cổ phần - có hoạt động tuyển chọn kênh chưa phù hợp.

 Một tháng sau đó, Yeah1 xác nhận đã đàm phán thất bại.

Nửa năm sóng gió của Yeah1 - Ảnh 2.

Diễn biến cổ phiếu YEG một năm gần đây.

Mảng kinh doanh YouTube AdSense chỉ đóng góp khoảng một triệu USD cho Yeah 1, tương ứng khoảng 13% lợi nhuận sau thuế năm ngoái. Ban lãnh đạo công ty cũng trấn an nhà đầu tư về mức độ ảnh hưởng, nhưng sự cố này vẫn tạo nên khủng hoảng thực sự trên sàn chứng khoán. 

Cổ phiếu YEG giảm sàn 13 phiên liên tiếp, thị giá rơi từ vùng 245.000 đồng về dưới mức 100.000 đồng.

"Ít nhà đầu tư trên thị trường có thể hiểu Yeah1 thực sự kiếm tiền như thế nào. Họ tin vào tiềm năng từ ngành kinh doanh mới, từ những nền tảng lớn như Facebook hay YouTube. Nhưng khi sự cố xảy ra, vì không hiểu nên họ không lượng hóa được mức độ rủi ro, họ chỉ biết đơn giản Yeah1 và đối tác lớn nhất có trục trặc. Vì thế, họ bán cổ phiếu", một chuyên gia chứng khoán bình luận.

Bất chấp những lời giải thích của lãnh đạo, động thái mua cổ phiếu quỹ để đỡ giá, cổ phiếu YEG vẫn giảm. Mức thấp nhất được xác lập dưới 50.000 đồng, thấp hơn 85% so với mức đỉnh trước đó một năm.

"Thông báo của YouTube khởi nguồn cho một sự cố vận hành của Yeah1, nhưng sau đó trở thành một khủng hoảng thật sự", ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống nói với VnExpress trong cuộc phỏng vấn cuối tháng 4. "Tôi có tính toán ảnh hưởng trước khi công bố nhưng không thể ngờ mức độ nghiêm trọng như vậy. Nhiều thông tin bên lề, nhiều dấu hỏi được đặt ra khiến sự việc vượt ngoài tầm kiểm soát".

Báo cáo tài chính nửa đầu năm nay, Yeah1 báo lỗ ròng hơn trăm tỷ đồng. Hoạt động chiếm tỉ trọng lớn nhất là quảng cáo và chia sẻ nội dung trên nền tảng kĩ thuật số vẫn tăng về doanh thu, nhưng biên lợi nhuận còn chưa tới 15%, so với mức 40% hai quý đầu năm trước. Cộng thêm việc phải trích lập dự phòng cho khoản đầu tư vào ScaleLab và tăng chi phí vận hành.

Để giảm bớt tác động từ sự cố với YouTube, Yeah1 cho biết sẽ xoay trục trong hoạt động kinh doanh, theo đó đẩy mạnh việc làm chủ nội dung, tập trung vào thị trường trong nước thay vì tiến công quá nhanh ra thị trường quốc tế. Mới đây, hội đồng quản trị công ty cũng thông qua một loạt thay đổi trong cơ cấu nhân sự, thành lập công ty con mới trong lĩnh vực công nghệ thông tin, đồng thời bán vốn tại đơn vị sản xuất phim.

Sự thay đổi của Yeah1 là điều cần thiết để có một mô hình bền vững, song sự cố gần đây cũng cho thấy một thực tế là cổ phiếu của doanh nghiệp này không dành cho số đông. 

"Chúng tôi cũng cho rằng đầu tư vào cổ phiếu YEG chỉ dành cho những nhà đầu tư thực sự am hiểu ngành nghề này, khi mà tiềm năng tăng trưởng dài hạn của Yeah1 là chưa rõ ràng. Tuy thị trường truyền thông kỹ thuật số là rất lớn, nhưng chỉ những doanh nghiệp có mô hình kinh doanh theo chiều sâu mới có thể hưởng lợi một cách bền vững", báo cáo của VDSC viết.


chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.