Yeah1 từ đỉnh đến đáy

Cổ phiếu YEG của Yeah1 trải qua giai đoạn “từ đỉnh tới đáy” và đang nỗ lực thay đổi tình hình.
avatar_1566971588108

Cổ phiếu YEG của Yeah1 trải qua giai đoạn "từ đỉnh tới đáy" và đang nỗ lực thay đổi tình hình. (Ảnh: QH).

Hàng loạt thông tin bất lợi về cổ phiếu YEG của Công ty Yeah1 kể từ đầu năm đến nay. Mới đây nhất là cổ phiếu YEG không còn được giao dịch kí quỹ, vì mức thua lỗ trong nửa đầu năm 2019 và giá cổ phiếu đã xuống vùng đáy, thấp đến mức khó có thể tưởng tượng được, quanh mốc 50.000 đồng/cổ phiếu.

Tính đến ngày 22/8, giá cổ phiếu YEG giao dịch ở mức 52.000 đồng/cổ phiếu, giảm hơn 74% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Từ khi niêm yết vào tháng 6 đến nay, YEG luôn vướng vào những cuộc tranh cãi về mức định giá điên rồ của thị trường, lẫn mô hình hoạt động và tiềm năng tăng trưởng, đỉnh điểm thị giá có lúc lên đến 343.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, không chỉ có giá cổ phiếu mà giờ đây, Yeah1 cũng phải đau đầu với kết quả hoạt động kinh doanh. 

Báo cáo tài chính bán niên soát xét cho biết Yeah1 lỗ hơn 102 tỉ đồng trong nửa đầu năm 2019, trong khi cùng kỳ lãi 94 tỉ đồng.

Yeah1 từ đỉnh đến đáy - Ảnh 2.

Chi tiết hơn, mặc dù doanh thu thuần vẫn tiếp tục tăng trưởng 8,7% so với cùng kì, lên mức 736 tỉ đồng nhưng giá vốn hàng bán lại tăng vọt lên đến 55,4%, ảnh hưởng đến lợi nhuận cuối cùng. Tuy nhiên, đóng góp chủ yếu vào khoản lỗ trong nửa đầu năm nay là khoản trích lập dự phòng lên đến 87 tỉ đồng cho thương vụ mua lại ScaleLab.

 Đầu năm nay, Yeah1 công bố mua lại ScaleLab, một MCN (mạng lưới quản lí đa kênh) ở Mỹ với giá 277 tỉ đồng, theo ghi nhận từ báo cáo tài chính, với tham vọng mở rộng tầm ảnh hưởng và mong muốn tìm kiếm doanh thu trên thị trường quốc tế.

Thương vụ này được nhiều bên liên quan hết sức ca ngợi, nhưng giấc mơ của Yeah1 chỉ tồn tại vỏn vẹn hơn 2 tháng sau khi YouTube xem xét lại những thỏa thuận với Công ty vào hồi đầu tháng 3.

 Chỉ sau đó ít hôm, Yeah1 ngay lập tức quyết định trả lại ScaleLab cho chủ cũ.

Đến tháng 5, YouTube chính thức chấm dứt thỏa thuận lưu trữ nội dung với Yeah1, đồng nghĩa với nguồn thu từ việc quản lí các kênh trên mạng xã hội YouTube không còn nữa. Yeah1 cho biết doanh thu từ YouTube chỉ chiếm 13% trong tổng lợi nhuận, nhưng rõ ràng lời trấn an này chưa làm yên lòng các cổ đông khi giá cổ phiếu cứ liên tục giảm từ đầu tháng 3 đến nay.

Yeah1 giờ còn phải đòi lại khoản tiền đã chi ra cho thương vụ. 

Theo đó, hơn 277 tỉ đồng được xếp vào mục “khoản phải thu”. Yeah1 mới chỉ trích lập một phần, còn gần 190 tỉ đồng vẫn treo đó. Công ty sẽ phải tiếp tục trích lập trong nửa cuối năm nay, trong trường hợp vẫn chưa thể đòi được nợ.

Yeah1 từ đỉnh đến đáy - Ảnh 3.

Trường hợp xấu nhất, Yeah1 khó lòng đạt được kế hoạch đặt ra trong năm nay, khoảng 2.000 tỉ đồng doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt 180 tỉ đồng, lần lượt tăng trưởng 19% và 10%. 

Thực tế cho thấy Yeah1 đang chịu áp lực tài chính trong ngắn hạn. Mặc dù Công ty vẫn còn nguồn thặng dư vốn cổ phần (hơn 1.132 tỉ đồng tại thời điểm cuối tháng 6) khi niêm yết trên sàn. Đây là cơ sở quan trọng để Yeah1 đứng dậy.

Có thể thấy bảng cân đối tài sản của Yeah1 đã có những điều chỉnh quan trọng. Chẳng hạn, Công ty chấp nhận mua lại 1,7 triệu cổ phiếu đang lưu hành để trợ giá, hay rút lui khỏi một vài thương vụ đầu tư trái phiếu. Cấu trúc tài chính của Yeah1 cũng có nhiều điểm phức tạp, chẳng hạn như việc sở hữu nhiều công ty con, công ty liên kết.

 Dòng tiền Yeah1 cũng đi qua, đi lại theo nhiều kiểu khác nhau, như nguồn vốn mua lại ScaleLab được vay từ Ngân hàng Shinhan Singapore, thông qua việc cầm cố tài khoản tiền gửi.

Rõ ràng, nỗ lực của Yeah1 ngày nay không chỉ đơn thuần là hoạt động kinh doanh mà còn là cấu trúc tài chính. Mấu chốt cho tăng trưởng của Yeah1 vẫn nằm ở hướng đi tiếp theo sau khi rút khỏi nền tảng YouTube. Yeah1 cho biết sẽ tập trung chuyển hướng vào các kênh mà mình sở hữu, vận hành và sản xuất, sáng tạo nội dung.

Yeah1 từ đỉnh đến đáy - Ảnh 4.

Tại Đại hội cổ đông thường niên được tổ chức tháng 5 vừa qua, lãnh đạo Yeah1 dự kiến sẽ tiếp tục mạnh tay đầu tư vào các mảng còn lại như: kinh doanh truyền hình sở hữu và truyền hình quản lý, mảng sản xuất và dịch vụ phim, truyền thông kĩ thuật số, kiếm tiền quảng cáo từ mạng xã hội Facebook và Google, cuối cùng là mảng thương mại truyền thông.

Yeah1 sẽ xây nên thứ của riêng mình, đó là điều mà các ông chủ của công ty này đúc kết kinh nghiệm hơn 1 năm niêm yết cổ phiếu “từ đỉnh tới đáy”. Với các nhà đầu tư, cổ phiếu YEG dường như vẫn là một món ăn lạ lẫm về lĩnh vực hoạt động và tiềm năng tăng trưởng.

Một điểm đáng lưu ý khác là Yeah1 vẫn còn giấu bài.

 Tại hội nghị gần đây, Yeah1 được nhắc đến với vai trò quan trọng, đó là xây dựng một công nghệ dùng chung cho các báo điện tử.

 Trước đó, tại Đại hội cổ đông thường niên, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, Chủ tịch Yeah1, cũng tiết lộ Công ty đang xây dựng ứng dựng, một mạng xã hội đa nền tảng và sẽ kết nối với hệ sinh thái đang có của hệ thống Yeah1. Liệu đây có phải là một trong những con át chủ bài giúp Yeah1 đổi vận, bên cạnh các hoạt động truyền thông cho giới trẻ.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.