Lâu nay, xã Phú Mậu (huyện Phú Vang) được mệnh danh là vựa hoa của tỉnh Thừa Thiên – Huế, nhưng nay người dân đã phải trồng lại đợt khác vì hoa bị nước lũ “cuốn theo dòng nước”. Người dân nơi đây vẫn chưa thể gượng dậy sau lũ vì thiệt hại lớn.
Mới nhìn vào sẽ tưởng cây còn sống nhưng thực chất hoa đã thối rễ, héo lá. Ảnh: Khải Tuấn |
Gia đình chị Nguyễn Thị Bé (43 tuổi, thôn Thanh Tiên, xã Phú Mậu) trồng hoa cúc quanh năm, có hoa bán liên tục lo cho cuộc sống gia đình, nuôi ba đứa con tuổi ăn tuổi học. Thế nhưng, sau đợt lũ mới đây, gia đình chị là một trong những hộ bị thiệt hại nhiều nhất.
Chị Bé cho biết, gia đình chị trồng hơn 3 sào ruộng hoa, nhưng sau cơn lũ đã thiệt hại 30.000 gốc hoa cúc, tính ra mất trắng hơn 20 triệu đồng tiền giống, phân thuốc.
“Lũ ập đến vào ban đêm nên chúng tôi trở tay không kịp. Nếu biết lũ lên ban ngày thì tôi đã nhổ lên để trong nhà rồi sau đó sẽ trồng lại sẽ ít thiệt hại hơn. Bây giờ tôi chỉ hy vọng trời âm u, vài tiếng có trận mưa để hoa tươi vài ngày rồi mang bán, vớt vát chút ít, chứ nắng lên là hoa héo ngay”, chị Bé bộc bạch.
Đợt lũ này gia đình chị Nguyễn Thị Bé bị thiệt hại lớn. Ảnh: Khải Tuấn |
Trước khi lũ ập đến, những bông hoa đã khoe sắc, nở nụ rất đẹp, nhưng sau hơn 2 ngày 2 đêm bị ngâm trong nước lũ, hoa đã thối gốc, nụ héo, rủ hoa, công sức 3 tháng trời chăm sóc của người dân đã đổ sông đổ bể.
Nhìn ruộng hoa mất trắng, chị Bé thở dài, nói: “Thấy mà đứt từng khúc ruột, bây giờ chẳng biết đường mô (nào - PV) mà lần, chỉ biết nhổ lên vứt để trồng lại đợt khác phục vụ dịp Tết. Cố gắng mà làm thôi vì trồng hoa là nguồn thu nhập chính của gia đình. Mà bây giờ cũng chẳng có tiền ngay để đặt giống, tăng cường hệ thống đèn chiếu sáng để thúc đẩy cây sinh trưởng kịp Tết”.
Ngao ngán trước ruộng hoa bị chết hết, ba hôm nay, anh Nguyễn Xuân Hiệp (chồng chị Bé) đã bỏ ruộng hoa lên TP. Huế làm thợ hồ kiếm đồng ra đồng vào cho gia đình.
Vào tận ruộng hoa, chúng tôi chứng kiến nhiều luống hoa thối rữa, có những luống bị cát vùi lấp, đau xót nhất là những luống hoa đã nở bông nhưng thối rễ chưa được người dân nhổ bỏ.
Ông Nguyễn Sáu thờ thẩn bên ruộng hoa mất trắng của mình. Ảnh Khải Tuấn |
Cạnh ruộng hoa của chị Bé, vườn hoa của gia đình ông Nguyễn Sáu (50 tuổi) cũng thiệt hại không kém.
Nhổ vào gốc hoa thối rễ vứt xuống sông, ông Sáu ngậm ngùi chia sẻ: “Hôm nay tôi ra thăm ruộng hoa 5 lần rồi, cứ đi ra đi vào xem hoa như thế nào. Trận lụt này, nước ngập gần 1 mét, ngập cả hoa, chúng tôi mất 30 ngàn gốc hoa cúc gần thu hoạch, một sào rau cải. Nhìn thì thấy hoa còn nở nhưng thối rễ hết rồi”.
Người dân thôn Tiên Nộn (xã Phú Mậu) cũng bị thiệt hại về rau màu, nhà nào trồng cũng mất trắng. Đang cuốc đất chuẩn bị trồng hoa dịp Tết, ông Lê Văn Lự (60 tuổi, thôn Tiên Nộn, xã Phú Mậu) cho biết, gia đình ông thiệt hại hơn 1.000 bó rau cải, tính theo giá thị trường ông mất 4 triệu đồng.
Ông Lê Văn Lự cuốc đất trồng hoa dịp Tết. Ảnh: Khải Tuấn |
Cũng như ông Lự, 20 hộ dân trồng rau cạnh đó, cũng mất trắng rau cải. Trên mảnh đất hơn 500m2, ông Lự đang chăm chỉ chạy đua với thời gian cuốc từng miếng đất để chuẩn bị trồng hoa cúc phục vụ Tết Nguyên đán.
“Năm nào người dân cũng có thiệt hại, nhưng năm nay, người dân không đoán được sẽ có thất thoát vì lũ năm nay lớn và muộn hơn. Khi biết có lũ, tôi bất lực nhìn nước ngập rau mà không có biện pháp gì vớt vát được, rau chuẩn bị thu hoạch, giờ mất sạch”, ông Lự tâm sự.
Người dân trồng hoa ở các xã Phú Thượng, xã Phú Dương… mấy ngày nay cũng thất bát vụ hoa do lũ lớn gây ra.
Theo báo cáo nhanh của tỉnh Thừa Thiên - Huế, huyện Phú Vang có 114,4 ha rau màu các loại bị ngập, hư hỏng, bị ngập 14,5 ha hoa; 7500 chậu hoa Tết. Còn theo thống kê sơ bộ từ UBND xã Phú Mậu, có 114 hộ dân trồng hoa, rau màu bị thiệt hại khoảng chục tỷ đồng.
Cứu trợ lũ lụt: Sao cứ là mì tôm, nước mắm?
Hằng năm, cùng với mưa bão, lũ lụt, các đoàn cứu trợ lại lên đường mang theo quà đa phần là quần áo cũ, mì ... |