Nước sạch: Cuộc chơi của những ai?

Bên cạnh những cái tên nổi tiếng trong ngành nước sạch như Viwasupco của đại gia 8X Nguyễn Văn Tuấn, REE của bà Nguyễn Thị Mai Thanh - người từng được Forbes vinh danh trong nhóm 50 nữ doanh nhân quyền lực châu Á, AquaOne của Shark Liên, còn có một doanh nghiệp khá kín tiếng là DNP Water của doanh nhân 8X Vũ Đình Độ.
vnf-nganh-nuoc-sach

Nước sạch đang ngày càng hút vốn đầu tư tư nhân (Ảnh minh họa).

Gần đây, dư luận xôn xao với thông tin nguồn nước sinh hoạt của người dân tại các khu vực Hà Đông, Thanh Xuân, Hoàng Mai… có mùi khét nồng nặc, có váng dầu.

Theo Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục, tại khu vực đầu nguồn ở khe núi thuộc xã Phú Minh, Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình có dấu hiệu đổ dầu nhớt thải trộm.

Chất thải dầu này đã chảy lan ra suối rồi chảy vào hồ Đầm Bài, là hồ chứa nước để cấp cho Nhà máy nước sạch sông Đà thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco). Một số cán bộ của Viwasupco phát hiện việc này từ sáng 8/10, nhưng đã không có bất cứ báo cáo nào với các cơ quan chức năng của tỉnh Hòa Bình cũng như TP  Hà Nội.

Viwasupco tiền thân là Công ty TNHH MTV Nước sạch Vinaconex. Cùng với quá trình cổ phần hóa Vinaconex, Nước sạch Vinaconex cũng dần tư nhân hóa và đổi tên thành Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà.

Đây là đơn vị quản lí, vận hành nhà máy nước sạch lớn nhất tại Hà Nội với công suất 300.000 m3/ngày đêm, cung cấp nước sạch cho khu vực phía Tây Nam Hà Nội và dự kiến tiếp tục mở rộng theo chuỗi đô thị Miếu Môn – Xuân Mai - Hòa Lạc - Sơn Tây.

Nhà máy này đang trong giai đoạn đầu tư nâng công suất lên 600.000 m3/ngày đêm, gấp đôi hiện tại.

Cổ đông lớn nhất, nắm cổ phần chi phối Viwasupco hiện là Công ty TNHH MTV Năng lượng Gelex với tỷ lệ nắm giữ trên 60% (tương đương giá trị khoảng 1.500 tỷ đồng). Năng lượng Gelex là đơn vị thành viên phụ trách lĩnh vực năng lượng của Tổng công ty Thiết bị điện Việt Nam Gelex.

Nói thêm về Gelex, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Gelex là ông Nguyễn Văn Tuấn, nổi danh với nhiều thương vụ thâu tóm doanh nghiệp đình đám. Gần đây nhất, Gelex của ông Tuấn đang trong tiến trình thâu tóm Viglacera - một trong những tổng công ty lớn nhất của Bộ Xây dựng (mặc dù là cổ đông lớn thứ hai sau Bộ Xây dựng nhưng ông Tuấn hiện đã trở thành Chủ tịch HĐQT của Viglacera).

Gelex dưới thời ông Tuấn được định hướng trở thành tập đoàn kinh tế đa ngành, lấy lĩnh vực kinh doanh nòng cốt là sản xuất thiết bị điện, đồng thời mở rộng sang các lĩnh vực khác bao gồm: Tiện ích (Năng lượng và Nước sạch); Logistics (Dịch vụ Logistics và Hạ tầng) và Bất động sản.

Cổ đông lớn thứ hai của Viwasupco là Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh (REE) với tỉ lệ sở hữu trên 35%. Đây là một tay chơi thực thụ trên thị trường nước sạch.

Ngoài Viwasupco, REE của Chủ tịch Nguyễn Thị Mai Thanh hiện đang sở hữu tới 42% cổ phần Công ty B.O.O Nước Thủ Đức; 30% cổ phần Công ty Đầu tư và kinh doanh Nước sạch Sài Gòn; 32% cổ phần Công ty Đầu tư Nước Tân Hiệp; 44% cổ phần Công ty Cấp nước Thủ Đức; 20% cổ phần Công ty nước Nhà Bè; 20% cổ phần Công ty Cấp nước Gia Định; 24% cổ phần Công ty Cấp nước Khánh Hòa.

Tổng giá trị đầu tư vào các công ty nước sạch của REE đến hết ngày 30/6/2019 vào khoảng 1.500 tỉ đồng.

Nước sạch: Cuộc chơi của những ai? - Ảnh 2.

Doanh nhân 8x Nguyễn Văn Tuấn hiện là ông chủ của Công ty Đầu tư nước sạch Sông Đà.

Có thể nhận thấy ngay sức hấp dẫn của ngành nước ngay khi nhìn vào tỉ suất suất sinh lời của "đại diện đầy tai tiếng" Viwasupco.

Năm 2018, doanh thu của Viwasupco đạt 468 tỉ đồng nhưng lợi nhuận trước thuế lên đến 230 tỉ đồng. Nôm na là cứ thu 2 đồng thì doanh nghiệp này lãi 1 đồng. 6 tháng đầu năm 2019, mức sinh lời cũng tương tự (doanh thu 263 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 133 tỉ đồng).

Không chỉ Viwasupco, một số doanh nghiệp cấp nước thuần túy khác cũng có tỉ suất lợi nhuận rất cao. Chẳng hạn như Công ty Cổ phần Nước Thủ Dầu Một, 6 tháng đầu năm 2019 ghi nhận doanh thu 164 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 74 tỉ đồng. Nôm na là cứ thu 2 đồng thì lãi 0,9 đồng.

Không chỉ hấp dẫn về tỉ suất lợi nhuận, một điểm hấp dẫn khác là nhu cầu sử dụng nước sạch đang ngày càng cao, trong bối cảnh nền kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong nhiều năm, thu nhập người dân cũng tăng nhanh theo, cùng với đó là tốc độ tăng trưởng dân số và tốc độ đô thị hóa nhanh.

Số liệu ước tính từ Công ty Chứng khoán TP HCM (HSC) cho thấy, tốc độ tăng trưởng kép hàng năm giai đoạn 2017 - 2020 đối với nhu cầu sử dụng nước công nghiệp lên đến 43%, trong khi đó, con số này với nhu cầu sử dụng nước cho tiêu dùng cũng rất cao, ở mức 35%.

Nhà nước đặt mục tiêu rất tham vọng cho ngành nước vào năm 2025, tỉ lệ người dân sử dụng nước sạch là 95%, tỉ lệ nước thải được xử lí tập trung là 70%, tỉ lệ thất thoát nước là dưới 15%. Do đó, nhu cầu nước sạch đã cao lại càng cao hơn.

Sức hấp dẫn ngành nước đã thu hút ngày càng nhiều vốn đầu tư tư nhân.

Hồi tháng 9 vừa qua, Nhà máy nước mặt sông Đuống thuộc Tập đoàn AquaOne của Chủ tịch Đỗ Thị Kim Liên (thường được biết đến với cái tên "Shark Liên" trong chương trình Shark Tank Việt Nam) đã khánh thành giai đoạn 1. Đây là dự án cung cấp nước sạch sinh hoạt có quy mô thuộc hàng lớn nhất miền Bắc với công suất 300.000 m3/ngày đêm (tương đương Viwasupco).

Nhà máy có quy mô gần 65 ha tại khu vực xã Phù Đổng và xã Trung Mầu (huyện Gia Lâm), với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 lên đến 5.000 tỉ đồng.

Tại Hậu Giang, Tập đoàn AquaOne còn sở hữu Nhà máy nước mặt sông Hậu quy mô 100.000 m3/ngày đêm (tổng mức đầu tư 1.900 tỉ đồng).

Tại Hòa Bình, tập đoàn của Shark Liên là chủ dự án Nhà máy nước mặt Xuân Mai - Hòa Bình, quy mô hợp phần 1 giai đoạn 1 (2021) là 150.000 m3/ngày đêm, hợp phần 2 giai đoạn 1 (2023) quy mô 300.000 m3/ngày đêm. Dự án sử dụng nguồn nước mặt sông Đà, dự kiến cung cấp nước cho khu vực phía Đông Nam Hà Nội.

Dự án này có tổng mức đầu tư dự kiến lên đến hơn 4.000 tỉ đồng, trong đó hơn 3.000 tỉ đồng là xây dựng nhà máy và hệ thống cung cấp nước sạch, còn lại hơn 1.200 tỉ đồng là lắp đặt tuyến ống truyền tải nước sạch.

Nước sạch: Cuộc chơi của những ai? - Ảnh 3.

Shark Liên đang sở hữu nhiều dự án nước sạch, trong đó lớn nhất là Nhà máy nước mặt sông Đuống với tổng mức đầu tư lên đến 5.000 tỉ đồng.

Bên cạnh những cái tên nổi tiếng trong ngành nước sạch như Viwasupco của "đại gia" Nguyễn Văn Tuấn, REE của bà Nguyễn Thị Mai Thanh - người từng được Forbes vinh danh trong nhóm 50 nữ doanh nhân quyền lực châu Á, AquaOne của Shark Liên, còn có một doanh nghiệp khá kín tiếng là DNP Water - thành viên của Công ty Nhựa Đồng Nai (DNP Corp).

DNP Water mặc dù mới thành lập được vài năm (năm 2017) nhưng hiện đang nắm cổ phần chi phối (trên 51%) tại 3 đơn vị cung cấp nước sạch, gồm: Nhà máy nước Bình Hiệp (Bình Thuận, Nhà máy nước Đồng Tâm (Tiền Giang) và Công ty Sản xuất Kinh doanh Nước sạch số 3 Hà Nội.

Bên cạnh đó, DNP Water còn sở hữu 38% cổ phần Công ty Cấp thoát nước Long An; 44% cổ phần Công ty Cấp thoát nước Bình Thuần; 34,6% cổ phần Công ty Cấp thoát nước Cần Thơ và 12,3% cổ phần Công ty Cấp nước Thừa Thiên Huế.

Doanh nghiệp này còn góp vốn đầu tư nhiều dự án nước sạch mới như dự án DNP Bắc Giang, dự án DNP Long An, dự án Nhà máy nước Sơn Thạnh (Khánh Hòa).

Chủ tịch HĐQT của DNP Corp hiện là doanh nhân trẻ Vũ Đình Độ (sinh năm 1982), từng có thời gian dài công tác tại nhiều công ty kiểm toán và chứng khoán như KPMG, SSI, VNDirect hay Công ty Chứng khoán Maritime (nay đã đổi tên thành Công ty Chứng khoán KB Việt Nam).

chọn
D2D ước lãi thêm 800 tỷ từ dự án Lộc An
Năm 2024 - 2029, D2D sẽ thực hiện tiếp giai đoạn 2 khu dân cư Lộc An với tổng mức đầu tư gần 1.116 tỷ đồng. Tổng doanh thu dự kiến trong giai đoạn 2 là hơn 2.181 tỷ đồng, lợi nhuận dự kiến 795 tỷ đồng.