Công ty Nước sạch Sông Đà lãi hàng trăm tỉ mỗi năm, vẫn canh cánh lo đối thủ chia thị phần

Cung cấp nước sạch chủ yếu cho các quận tại Hà Nội, Nước sạch Sông Đà có lợi nhuận năm 2018 lên đến 230 tỉ đồng, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trung bình hàng năm gần 30% nhưng vẫn lo có “đối thủ cạnh tranh đang trong quá trình thâm nhập thị trường”.

Vài ngày trở lại đây, hàng vạn người dân khu vực Tây Nam thủ đô Hà Nội đang bị đảo lộn cuộc sống về vấn đề nước sạch do Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) cung cấp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có ý kiến chỉ đạo UBND tỉnh Hòa Bình yêu cầu Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà khắc phục sự cố, kịp thời cung cấp nguồn nước sạch, bảo đảm chất lượng cho người dân. Viwasupco cũng cho biết tạm ngừng cấp nước để súc xả tuyến ống và chưa rõ thời gian cấp trở lại.

Viwasupco là doanh nghiệp cung cấp nước sạch chủ yếu cho khu vực TP Hà Nội. Giai đoạn từ năm 2015 đến nay, công ty này luôn có kết quả kinh doanh ấn tượng, với tốc độ tăng trưởng trên hai con số với lợi nhuận hàng trăm tỉ đồng mỗi năm.

Khách hàng của Nước sạch Sông Đà tại Hà Nội là ai?

Theo thông tin do Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà giới thiệu, tiền thân của doanh nghiệp này là Công ty CP Nước sạch Vinaconex.

1_zing-3-crop

Cuộc sống người dân thủ đô đảo lộn vì Nước sạch Sông Đà. (Ảnh: Zing).

Tháng 3/2009, Tổng Công ty CP Vinaconex đã ra Quyết định thành lập Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Vinaconex. Cũng trong năm này, Vinaconex lại tiếp tục được chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình Công ty CP Nước sạch Vinaconex.

Đầu năm 2018, công ty này chính thức được đổi sang tên mới, là Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) cho đến nay. 

Theo báo cáo thường niên năm 2018, Nước sạch Sông Đà có vốn điều lệ 750 tỉ đồng, trụ sở chính nằm tại huyện Kì Sơn, tỉnh Hòa Bình.

Kể từ khi đi vào hoạt động, tính đến nay, doanh nghiệp này đã 4 lần thay đổi giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh, gồm các ngành nghề đăng kí chính là sản xuất nước sạch, sản xuất nước khoáng, nước tinh khiết đóng chai. 

Ngoài ra, Nước sạch Sông Đà cũng kiêm luôn việc bán buôn, bán lẻ máy móc, thiết bị vật tư. ngành nước, lắp đặt hệ thống cấp thoát nước, thăm dò địa chất nguồn nước.

Hiện Nước sạch Sông Đà đang là doanh nghiệp cung cấp nước sạch cho toàn bộ phía Tây Nam Hà Nội, gồm các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Hà Đông. 

Ngoài ra, theo tìm hiểu, doanh nghiệp này còn có thị phần và cung cấp nước sạch cho một số quận nội thành Hà Nội và một số khu vực khác thuộc hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông.

Viwasupco cho biết 90% tổng lượng nước hiện nay được bán cho 3 khách hàng chính là Viwaco, Hawaco và Nước sạch Hà Đông. Vì vậy, doanh nghiệp cho rằng những thay đổi bất thường từ 3 khách hàng này sẽ ảnh hưởng tình hình sản xuất và hoạt động của công ty.

Lãi hàng trăm tỉ mỗi năm và nỗi lo mất thị phần

Là tên tuổi đứng top đầu về việc cung ứng nước sạch cho Hà Nội, nửa đầu năm 2019, Nước sạch Sông Đà đã kinh doanh hiệu quả, kết quả vượt xa chỉ tiêu đặt ra cho cả năm, dù chỉ mới hết 6 tháng kinh doanh. 

Ảnh chụp Màn hình 2019-10-16 lúc 19

Nửa đầu năm nay, Nước sạch Sông Đà đã vượt chỉ tiêu lợi nhuận cho cả năm. (Đồ hoạ: Phúc Minh).

Cụ thể, doanh thu thuần nửa đầu năm nay của Viwasupco đạt 263,6 tỉ đồng, tăng 22% so với cùng kì năm ngoái. Cơ cấu doanh thu cho thấy doanh thu từ cung cấp nước chiếm đến 97%, tương đương 257 tỉ đồng, phần còn lại là doanh thu từ hợp đồng xây dựng.

Kết quả kinh doanh khả quan này của Viwasupco một phần đến từ việc doanh thu thuần tăng nhưng các khoản chi phí tài chính giảm gần 4 tỉ đồng, kết quả lợi nhuận trước thuế tăng hơn 30% so với nửa đầu năm ngoái với 133 tỉ đồng.

Đáng chú ý, trong năm nay, Viwasupco chỉ đặt mục tiêu 476,2 tỉ đồng doanh thu và 79,5 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế. Như vậy, với con số lợi nhuận đạt được, chỉ sau 6 tháng, Nước sạch Sông Đà vượt chỉ tiêu đến 53,5 tỉ đồng.

Thực tế, các năm trước, Viwasupco cũng đã kinh doanh hiệu quả, với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trung bình hàng năm đều trên hai con số.

Nếu như năm 2014, lợi nhuận trước thuế của Nước sạch Sông Đà chỉ 90 tỉ đồng thì kết thúc năm tài chính 2015, con số này đã tăng lên 147 tỉ đồng, tương đương mức tăng trưởng ấn tượng 63%. 

Năm 2016, lãi trước thuế của Viwasupco tiếp tục tăng lên thêm 23 tỉ, đạt 170 tỉ đồng, tương ứng mức tăng 15%. 

Ảnh chụp Màn hình 2019-10-16 lúc 19

Biến động tổng tài sản hàng năm của Nước sạch Sông Đà. (Đồ hoạ: Phúc Minh).

Nhìn vào kết quả kinh doanh của công ty này, có thể thấy năm 2017 là năm có lợi nhuận tăng ít nhất, chỉ nhỉnh hơn vài tỉ so với năm liền trước. Tuy nhiên, ngay sau đó, lợi nhuận năm 2018 lại tăng đột biến từ 179 tỉ lên thành 230 tỉ đồng, tương đương mức tăng 28%.

Năm 2018, trung bình mỗi ngày đêm, công ty cung cấp gần 250.000 m3 nước cho thị trường. Tổng quy mô cung cấp nước cả năm đạt hơn 91 triệu m3.

Theo đánh giá của ban lãnh đạo, nhu cầu nước liên tục tăng cao khiến các chỉ tiêu cung cấp nước đều vượt kế hoạch được giao, riêng trong quý IV/2018, sản lượng tiêu thụ đã tăng gần 22%. 

Với kết quả ấn tượng chủ yếu là nhờ việc cung cấp nước sạch, Viwasupco đang canh cánh lo ngại về việc có những "đối thủ cạnh tranh đang trong quá trình thâm nhập thị trường".

Lãnh đạo Viwasupco cho rằng thị trường hiện tại của doanh nghiệp đang bị đe dọa theo hướng dừng tăng trưởng và có khả năng giảm sản lượng. Trong khi đó, các đối tác lớn hiện trong quá trình tái cơ cấu, "cấu trúc thượng của đối tác có thể có các thay đổi lớn và có thể ảnh hưởng quan hệ đối tác hiện tại".

Lộ những ông chủ thực sự của Nước sạch Sông Đà 

Báo cáo thường niên 2018 của Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà cũng tiết lộ các nhà đầu tư đứng phía sau doanh nghiệp này là ai.

Ảnh chụp Màn hình 2019-10-16 lúc 19

Cơ cấu cổ đông Nước sạch Sông Đà tính đến cuối năm 2018. (Đồ hoạ: Phúc Minh).

Theo đó, tính đến cuối năm 2018, hai cổ đông lớn nhất của Viwasupco là Công ty CP Cơ điện lạnh (REE) với 26,9 triệu cổ phần, tương đương tỉ lệ sở hữu 35,95%.

Cổ đông lớn nhất của Nước sạch Sông Đà chính là Công ty TNHH MTV Năng lượng GELEX. Cổ đông này đang nắm đến 60,46% tỉ lệ sở hữu, tương đương 45,3 triệu cổ phần. 

 Theo giới thiệu, tiền thân của GELEX là Tổng Công ty Thiết bị Kĩ thuật Điện, được thành lập năm 1990, nhằm tập trung sức mạnh của các đơn vị sản xuất, kinh doanh thuộc ngành công nghiệp kĩ thuật điện.

Từ quy mô vốn điều lệ tại thời điểm thành lập là 177 tỉ đồng, doanh thu xấp xỉ 300 tỉ, đến giữa năm 2017, vốn điều lệ của Tổng công ty Thiết bị Kĩ thuật Điện đã tăng gấp 13 lần, lên đến 2.320 tỉ đồng, doanh thu cuối năm 2016 tăng 24,7 lần, đạt mức 7.410 tỉ đồng.

Tỉ lệ tăng trưởng hàng năm của GELEX đạt từ 12-16%, tạo đà cho giai đoạn phát triển mới với mức doanh thu dự kiến đạt trên 1 tỉ USD vào năm sau.

4 lĩnh vực kinh doanh chính của GELEX hiện nay là tiện ích (năng lượng và nước sạch), logistics, công nghiệp và bất động sản. 

demo_img_bds

GELEX là ông chủ đứng sau Tổ hợp khách sạn 5 sao Melia Hà Nội. (Ảnh: GELEX).

Đáng chú ý, ở lĩnh vực bất động sản, GELEX là doanh nghiệp đứng sau một loạt công trình, dự án tại "đất vàng" nhiều tỉnh, thành như Tổ hợp khách sạn 5 sao Melia Hà Nội, tòa nhà văn phòng HCO.

Ngoài ra, còn có tổ hợp khách sạn, dịch vụ thương mại, văn phòng cho thuê tại số 10 Trần Nguyên Hãn và 27-29 Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội; Tòa nhà văn phòng cao cấp GELEX TOWER 52 Lê Đại Hành, Hai Bà Trưng, Hà Nội. 

GELEX đang đẩy mạnh việc đầu tư vào các khu công nghiệp như Khu công nghiệp Cát Hải - Hải Phòng, Tiền Phong - Quảng Ninh.

Định hướng phát triển ở mảng này, GELEX cho biết sẽ tập trung khai thác các quỹ đất hiện có của các đơn vị trong toàn hệ thống theo hướng phát triển trọng tâm là khách sạn, văn phòng, bán lẻ và bất động sản công nghiệp.