‘Ôm’ hơn 17.000 tỉ, Techcombank dự kiến không chia cổ tức năm thứ 9

Nắm trong tay hơn 17.600 tỉ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối nhưng Techcombank vẫn duy trì hình thức không chia lợi nhuận, với lí do để phục vụ hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam – Techcombank vừa công bố tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020.

Trong đó, lãnh đạo ngân hàng này dự kiến trình cổ đông thông qua kế hoạch tổng tài sản tăng 12% trong năm nay, dự kiến đạt 431.483 tỉ đồng vào cuối năm. Các chỉ tiêu tài chính như dư nợ tín dụng đến cuối năm sẽ ở mức 291.586 tỉ (tăng 13% hoặc cao hơn trong mức Ngân hàng Nhà nước cho phép), nợ xấu dưới 3%; chỉ tiêu huy động vốn dự kiến đạt mức 268.820 tỉ (tăng 13%).

Về kết quả kinh doanh, ngân hàng dự kiến lợi nhuận trước thuế năm nay sẽ đạt 13.000 tỉ, tăng 1% so với số đã thu về năm liền trước.

Để đạt được kết quả này, lãnh đạo Techcombank cho biết ngân hàng sẽ tiếp tục mở rộng theo mô hình hệ sinh thái cho chuỗi giá trị hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), và giảm sự phụ thuộc vào chuỗi giá trị nhà ở (ReCoM).

Trong chuỗi giá trị bất động sản, xây dựng và vật liệu xây dựng (ReCoM), Techcombank sẽ tiếp tục tập trung vào các phân khúc ít rủi ro như người mua nhà ở, các giai đoạn bán và giao hàng của dự án trong khi với giai đoạn xây dựng thì tập trung cho vay nhà thầu để phân tán rủi ro.

‘Ôm’ hơn 17.000 tỉ, Techcombank dự kiến không chia cổ tức năm thứ 9 - Ảnh 1.

Ngoài kế hoạch kinh doanh nói trên, tờ trình được các cổ đông nhỏ lẻ quan tâm chính là kế hoạch phân phối lợi nhuận của nhà băng này, khi đã 8 năm liên tiếp Techcombank chưa chia cổ tức cho cổ đông.

Năm 2019, ngân hàng ghi nhận 10.226 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp dùng để trích lập các quỹ.

Sau khi trích lập các quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ ngân hàng mẹ và công ty con (440 tỉ); quỹ dự phòng tài chính (867 tỉ)… ngân hàng còn lại 8.738 tỉ lợi nhuận giữ lại cho năm 2019.

Khoản tiền này cộng với hơn 12.400 tỉ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối từ các năm trước, giúp Techcombank sở hữu khoản tiền lợi nhuận có thể phân phối lên tới 17.635 tỉ đồng, gần bằng một nửa vốn điều lệ.

Tuy nhiên, lãnh đạo ngân hàng dự kiến tiếp tục duy trì thêm 1 năm không chia lợi nhuận với lí do phục vụ cho hoạt động kinh doanh.

Trong năm trước, dù là ngân hàng có lợi nhuận cao nhất khối tư nhân nhưng nhà băng này cũng không chia cổ tức với lí do tương tự đưa ra năm nay. Nếu tờ trình phân phối lợi nhuận 2019 được thông qua, đây sẽ là năm thứ 9 liên tiếp Techcombank không chia cổ tức.

Trong năm 2019, Techcombank là ngân hàng thương mại tư nhân có lợi nhuận cao nhất thị trường với 12.838 tỉ trước thuế, tăng 20% so với năm 2018 và vượt 9% so với kế hoạch đề ra trước đó.

Các chỉ tiêu tài chính của ngân hàng này trong năm 2019 ghi nhận tổng tài sản tăng 19,5%; tổng huy động (bao gồm cả chứng chỉ tiền gửi cho khách hàng cá nhân) tăng 14,2%; và tổng dư nợ tín dụng tăng 18,8%.

Tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu theo Thông tư 41 của NHNN đạt 15,47%, cao hơn so với hạn mức 8% quy định và là một trong những ngân hàng có tỷ lệ an toàn vốn cao nhất hiện nay theo cách tính mới tại Thông tư 41.

Ngoài hoạt động tại ngân hàng mẹ, tài liệu cổ đông của Techcombank cũng chia sẻ về hiệu quả kinh doanh tại các công ty con năm vừa qua.

Trong đó, Công ty TNHH MTV Quản lí nợ và khai thác tài sản – Techcombank AMC năm qua đã thu hồi được 1.891 tỉ tiền nợ từ các khách hàng và đóng góp trực tiếp về ngân hàng 1.080 tỉ lợi nhuận thông qua thu nợ nhóm khách hàng đã xử lí bằng nguồn dự phòng rủi ro.

Công ty CP Chứng khoán Kỹ thương – TCBS năm qua ghi nhận 2.172 tỉ doanh thu và 1.819 tỉ lợi nhuận trước thuế, tăng lần lượt 16% và 19% so với năm 2018.

Công ty CP Quản lí Quỹ Kỹ Thương – Techcombank Capital năm qua cũng ghi nhận 206 tỉ đồng doanh thu nhưng không chia sẻ về con số lợi nhuận.


chọn
Toàn cảnh vị trí dự kiến xây cầu vượt sông Luộc nối Hải Dương - Thái Bình
Một cầu vượt sông Luộc dự kiến được xây dựng kết nối huyện Thanh Miện, Hải Dương và huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình.