Ông chủ dãy nhà khu Chợ Lớn bỏ đi, từ phận khách trọ bỗng thành chủ nhà

Những người lớn tuổi ở hẻm Tô Châu Lý hay nói vui với nhau rằng, giờ muốn tìm ông chủ của dãy nhà để trả tiền thuê nhà cũng không ai biết ông ở đâu. Từ phận người thuê, những người ở trọ bao đời bỗng 'may mắn' trở thành chủ nhà ở hẻm Tô Châu Lý đường Trần Hưng Đạo B (phường 6, quận 5, TP HCM).
to-chau-ly4-eled

Cả con hẻm Tô Châu Lý bao trùm bởi sự yên lặng. (Ảnh: V.P).

Hẻm Tô Châu Lý là hẻm số 47 đường Trần Hưng Đạo B (phường 6, quận 5, TP HCM). Con đường này ngày trước có tên là đường Đồng Khánh. Ông Cường - người chạy xe ôm đầu hẻm nói, ngày xưa nói hẻm Tô Châu nhiều người không biết, nhưng nói hẻm đối diện lò bánh mì Đồng Khánh thì ai cũng biết.

So với các tài liệu mà người viết đọc được trước đó về Tô Châu Lý, ngày nay con hẻm này đã có nhiều thay đổi, từ cách sinh hoạt của người dân đến những người sinh sống tại đây. Chỉ còn duy nét kiến trúc vẫn giữ theo những ngày đầu và các câu chuyện truyền tai nhau về ông chủ người nước ngoài bỏ đi, để lại cả dãy trọ.

Muốn tìm ông chủ dãy trọ cũng không được

Tô Châu Lý không nhộn nhịp như con hẻm Hào Sĩ Phường mà tôi đã đến trước đó. Cả hẻm 31 căn nhà đều đóng cửa im ỉm, chỉ có những người ngồi ở quầy nước ngay đầu hẻm ra vào làm không khí bớt ảm đạm đi đôi chút.

Viết về Tô Châu Lý trong Sài Gòn – Chuyện đời của phố, tác giả Phạm Công Luận cũng từng giới thiệu: “Ông Tô Châu là chủ của toàn bộ nhà hẻm này, chỉ nghe kể lại vậy chứ đám trẻ lớn lên không ai biết mặt mũi ông ra sao. Gia đình ông đã rời đi từ lúc chiến tranh đang diễn ra mấy năm trước 1975, nghe đâu cả nhà về Đài Loan. Ông để lại cả hai dãy phố người ta đang thuê của ông và để lại cái tên Tô Châu trên bảng hiệu đầu hẻm.

Bến đậu quen thuộc của ông Cường là ngay đầu con hẻm này. Nhân lúc ế khách, ông Cường ngồi hàn huyên về lịch sử của con hẻm. Theo lời ông, ngày trước, nhà ông cũng ở trong dãy trọ này, nhưng vì hoàn cảnh nên sau này ông đã bán căn trong này để chuyển qua quận 6 ở, số tiền lời dùng để trang trải các chi phí trong cuộc sống.

“Ở đây không ai biết mặt ông chủ, chỉ nghe người lớn nói lại là ổng đi nước ngoài rồi. Ngày xưa toàn là người đi ở thuê, mà đột nhiên ông chủ đi nước ngoài biệt tăm tung tích nên mọi người mặc kệ cứ ở. Dần dần đóng tiền cho nhà nước để được làm giấy tờ đứng tên của mình, cũng nhờ vậy mà nhà bán được giá hơn”, ông Cường kể.

Ông chủ dãy nhà khu Chợ Lớn bỏ đi, từ phận khách trọ bỗng thành chủ nhà - Ảnh 2.

Tấm bảng tên con hẻm được viết bằng chữ Hoa được giữ lại "Tô Châu Lý". (Ảnh: Vũ Phượng).

Khu hẻm Tô Châu Lý là hẻm cụt, theo hình chữ T. Các căn nhà đều có thiết kế giống nhau, ngang 4m, dài 20m. Mỗi nhà đều có 2 lớp cửa, là cửa sắt kéo và cửa sổ lá sách.

Ông Cường là người gốc Hoa, ở hẻm từ thời hẻm còn toàn người Hoa chỉ có vài gia đình người Việt. Tối đến, cả hẻm lại rinh ghế ra trước nhà ngồi nói chuyện, nhìn tụi con nít chạy nô đùa. Khung cảnh đó ngược lại hoàn toàn với ngày nay, số người gốc Hoa ở lại hẻm cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

“Tôi nhớ hồi xưa đang đứng, xe tăng chạy ngay trước Trần Hưng Đạo B, lật đật chạy đi núp. Mỗi lần thấy xe tăng chạy qua là cha mẹ cũng bắt tụi tui trốn hết vì sợ chạy lăng quăng chẳng may dính lựu đạn là đi đời”, ông Cường cười hà hà nhớ về kí ức một thời.

Ông chủ dãy nhà khu Chợ Lớn bỏ đi, từ phận khách trọ bỗng thành chủ nhà - Ảnh 3.

Con hẻm rất ít người qua lại vì là hẻm cụt. (Ảnh: Vũ Phượng)

Những người hàng xóm nhà ông Cường thời đó đến nay cũng chẳng còn ai ở đây. Từ con hẻm nhà nào cũng một màu sơn như nhau giờ đã thành đủ thứ màu sặc sỡ, nhưng vẫn có bàn thờ thiên và bàn thờ địa ở ngoài.

Cả một đời ở Tô Châu Lý

Lòng vòng cả buổi chiều, tôi mới thấy một nhà mở cửa. Xin phép vào nói chuyện, tôi được biết bà cụ chủ nhà tên là bà Ba. Bà Ba 84 tuổi, ở Tô Châu Lý từ năm 6 tuổi, nhưng tới nay bà Ba cũng không rành tiếng Việt, chỉ đủ đôi ba câu giao tiếp.

Chỉ lên trần nhà, bà Ba nói: “Nhà ngộ (tôi – PV) mới sửa lại đó, tại vì mối ăn các cây gỗ mục hết rồi. Các nhà người ta sửa lâu rồi nhưng nhà ngộ thì mới đây mới sửa được”.

Ông chủ dãy nhà khu Chợ Lớn bỏ đi, từ phận khách trọ bỗng thành chủ nhà - Ảnh 4.

Lối lên cây cối um tùm của một nhà ở cuối hẻm. (Ảnh: Vũ Phượng).

Bà Ba cũng nói, những đứa trẻ cùng thời với bà nay chuyển đi đâu không rõ, một số thì đã chết hết. Căn nhà của bà Ba là nhà do ba má bà thuê, sau đó ông chủ đi đâu không rõ, nhà nước sửa sang lại nên bà đóng tiền hằng tháng cho nhà nước.

Bà Ba độc thân, ở một mình cùng người em ở hẻm từ nhỏ tới nay. Hằng ngày, bà ở nhà may sửa quần áo, nay thì cao tuổi rồi nên chủ yếu bà chỉ may sửa đồ trong nhà. Bà Ba cố gắng níu giữ hết những tập tục của người Hoa từ xa xưa bằng việc giữ nguyên bàn thờ, tết đến lại mua giấy đỏ về dán. Những chữ đỏ dán trong nhà có ý nghĩa là đông nam tay bắc hoặc năm mới phát tài,… tết lại mua chữ về dán để cầu cho một năm mới thuận lợi.

Độc đáo đám cưới đi bộ

Bà Năm (80 tuổi, người Việt) mua nhà lại từ một người gốc Hoa khoảng 20 năm trước cho biết cuộc sống sinh hoạt của mọi người trong hẻm ngày càng khép kín hơn. Đi ra ngoài gặp nhau thì mọi người gật đầu chào hỏi chứ không ngồi tập trung nói chuyện như ngày trước

Cũng phải thôi, cuộc sống ngày càng vội vã, ai cũng bị cuốn vào guồng quay của công việc nên thời gian rảnh rỗi gần như không còn.

Điều khiến bà Năm nhớ nhất là có khi đám cưới mà nhà trai, nhà gái cùng trong hẻm. Cả xóm rủ nhau ra xem cảnh rước dâu đi bộ. “Nghi thức đám cưới của người Hoa cũng rất khác người Việt nên mọi người ra xem đông. Rồi tối đến đãi tiệc ở nhà hàng, cả xóm lại gặp nhau, người thì đi theo thiệp mời nhà trai, người đi theo thiệp mời nhà gái nhưng lại gộp chung lại ngồi hết, y như họp tổ dân phố”, bà Năm thích thú kể lại.

Theo bà Năm, khu vực này rất an toàn, nhà nào khóa cửa đi du lịch cả tháng về thấy nhà vẫn còn nguyên, vì là hẻm cụt nên chẳng có ai xa lạ bước vào hẻm. Phía cuối hẻm như có một ngôi nhà hoang, cây cối mọc um tùm, mà chẳng ai thèm dọn dẹp.

Nói thêm về đám cưới ở trong con hẻm này, xin trích dẫn thêm một đoạn của tác giả Phạm Công Luận trong Sài Gòn – Chuyện đời của phố:

“Vẫn còn nhớ những ngày cưới rất vui của cộng đồng người Quảng Đông trong hẻm này. Có nhiều đám cưới của hai nhà cùng sống trong hẻm. Lúc đó, bên chú rể không cần phải thuê xe rước dâu, chỉ đi bộ. Điều lạ là khi đi rước dâu, bên nữ của hai nhà dồn về phía cô dâu, bên nam của hai nhà dồn qua nhà chú rể cho dù là chị chú rể hay anh cô dâu cũng phải qua phía bên kia.

"Khi bên đàng trai tới, người lớn vào nhà hết và phía đàng gái bắt đầu trò chơi của mình. Họ ra điều kiện, muốn rước được cô dâu, tất cả người phía đàng trai phải làm theo yêu cầu của họ.

"Các trò đưa ra: hít đất với số lần tùy đàng gái, hát một bài, chú rể phải cõng một người nào đó đi quanh sân bao nhiêu vòng… Đàng trai làm theo các yêu cầu trong tiếng reo hò ầm ĩ của đàng gái và người trong hẻm. Ai nấy đều mồ hôi nhễ nhại trong cái nắng Sài Gòn, chú rể và các anh con trai diện láng coóng bị tung áo, sút cà vạt, thở phì phò, hoa cầm tay héo rũ rượi.

"Bên đàng gái còn sẵn sàng bày ra nhiều trò tai quái nữa cho đến khi người lớn trong nhà giục sắp đến giờ rước dâu, họ mới tha cho nhưng ra yêu cầu về tiền lì xì. Số tiền cắc cớ, có thể là 9.999.999 đồng, không thiếu không thừa một đồng. Đàng trai đương nhiên đã chuẩn bị tiền theo phong tục nhưng vẫn phải đáp ứng đúng yêu cầu, kẻo bị từ chối.

"Dù sao, có “tay trong” là cô dâu, cuối cùng mọi chuyện sẽ qua vì chính cô dâu cho bỏ qua. Có khi chú rể nổi cáu: “Thôi, mệt quá rồi, không thèm rước dâu nữa!”. Có lúc đàng gái không mở cửa, chú rể nổi khùng lắc cửa rầm rầm. Cuối cùng mọi chuyện vẫn diễn ra suôn sẻ, như bao đám cưới đã diễn ra từ thời xa xưa ở cố hương của họ, được tái hiện trong cái hẻm nhỏ vùng Chợ Lớn này”.

chọn
Các dự án của Novaland, Nam Long, DIG ở Đồng Nai đón tin mừng
Quy hoạch chung TP Biên Hòa vừa được phê duyệt điều chỉnh cục bộ. MBS đánh giá động thái này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch 1/500 các phân khu thuộc dự án Aqua City, Izumi và Khu đô thị Long Tân.