Cụ bà nặng 25 kg, một mình đẩy xe chè nuôi cả gia đình suốt 25 năm

Một chiếc xe đẩy cũ kĩ, một nón lá rộng vành rách bươm vì nắng gió và một nồi chè đậu đen lá dứa nước cốt dừa, đã cùng bà Nguyễn Thu Hường (64 tuổi) nuôi sống gia đình suốt mấy chục năm nay...

Mưu sinh tuổi xế chiều

Con hẻm 243A Hoàng Diệu nối giữa đường Nguyễn Hữu Hào và đường số 41 (quận 4) là nơi chúng tôi lần tìm đến nhà bà Nguyễn Thu Hường - người phụ nữ chỉ nặng 25 kg, mang trên người nhiều chứng bệnh ngặt nghèo, nhưng đầy nghị lực sống và tình yêu thương.

Ở tuổi xế chiều, nhưng bà Hường lại là lao động chính của gia đình. Bằng chất giọng khàn, bà bộc bạch: "Tôi bệnh 5 năm rồi, nhưng 2 năm nay bệnh tình ngày một nặng hơn. Sức khỏe yếu không làm nặng được, nên hoàn cảnh khó khăn lại chồng khó khăn hơn".

Nhà bà cụ bán chè 25 năm nhìn từ ngã 3 con hẻm 243A Hoàng Diệu

Con hẻm nơi bà Hường bán chè suốt 25 năm. (Ảnh: Xuyến Kim).

64 tuổi, bà Hường bị suy tim, dây thanh quản giãn, ăn uống khó nuốt vì đau, về lâu khiến dạ dày bị loét ra máu. Còn chồng bà, ông Hoàng Thanh, cũng bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, lúc khỏe lúc mệt vô chừng. Thế nhưng, lúc nào họ cũng vui vẻ, chuyện trò.

Khi được hỏi chuyện, ông Thanh niềm nở kể lại: "Hai vợ chồng tôi lấy nhau từ năm 1990, sau đó thuê nhà ở hẻm này. Tôi không nhớ đây là ngôi nhà thứ mấy tôi thuê vì chuyển nhà rất nhiều. Hơn 30 năm nay, ở đây ai cũng thương".

Trong căn nhà có chiều ngang vỏn vẹn 3 m2, ông bà cho thuê lại căn gác, còn ở dưới là không gian sinh hoạt của hai vợ chồng già cùng cậu cháu trai.

IMG_9052

Dù ốm yếu nhưng bà Hường và chồng vẫn chăm chỉ mưu sinh. (Ảnh: Xuyến Kim).

Ngoài chiếc tủ tạp hóa be bé, ông Thanh còn chạy xe ôm để phụ tiền sinh hoạt trong nhà. Ở cuối con hẻm, có người nhờ ông giữ giúp 2 chiếc xe máy, mỗi tháng trả thêm ít tiền.

Cô Kim Bạch (hàng xóm) chia sẻ: "Cuộc sống gia đình họ khó khăn lắm, phải nuôi thêm cháu nội đi học. Ốm yếu vậy nhưng ai cũng chăm chỉ buôn bán. Nên có cần gì là tôi cũng chạy đến mua ủng hộ, có khi nhờ ông Thanh chạy xe ôm cho".

'Đồng tiền ai cũng cực khổ mới làm ra'

Khoảng 3h mỗi ngày, ông Thanh dậy sớm lựa đậu để ngâm, sau đó rửa lá dứa, nạo dừa và chuẩn bị hết tất cả những nguyên liệu cho vợ nấu chè. Chiếc lò than bắt đầu nổi lửa cũng là lúc trời hừng sáng.

Mỗi sáng ông Thanh đều dậy sớm để chuẩn bị nguyên liệu cho vợ nấu chè. (Ảnh: Xuyến Kim).

Được hỏi vì sao chọn nghề bán chè, bà Hường tâm sự: "Bán chè là nghề lương thiện nên tôi chọn, không phải giết con này con kia tội lắm. Có thời gian tôi đi giúp việc nhà cho bà chủ, người cho thuê căn nhà này. Cứ buổi sáng dọn 2-3 tiếng đồng hồ rồi về nghỉ ngơi chiều đi bán chè".

Ánh mắt không giấu được niềm vui, người phụ nữ đã bước qua cái dốc bên kia của cuộc đời nói: "Từ ngày báo đăng người ta biết đến ủng hộ tôi nhiều, bán được hơn. Chứ lúc trước tôi phải đẩy đi cực khổ lắm, bán từ 13h đến 23, 24h mới xong, giờ thì trễ lắm là 20h".

Ngừng một lát, bà hạ giọng, cho biết vì cổ họng bị đau, khó khăn trong việc nói chuyện, nên nhiều người "tưởng tôi bị câm". "Nhưng tôi không quan tâm, chỉ biết là mình phải làm mới sống được, phụ chồng một tay để góp gạo nấu cơm. Những lúc mệt quá không thể nói đành phải ra hiệu, như khách ăn nóng thì tôi rờ trên trán, ăn lạnh là tôi đá cái chân. Ở nhà cũng vậy, hạn chế nói, chỉ ra dấu là hiểu liền", bà Hường chia sẻ.

Thanh Trí - cháu nội của bà Hường đẩy xe ra hẻm phụ bà

Những giờ rảnh, Trí thường phụ giúp ông bà nội việc buôn bán. (Ảnh: Xuyến Kim).

Cuộc sống dù vất vả, nhưng ông bà vẫn còn niềm an ủi lớn lao là đứa cháu trai 15 tuổi - Hoàng Thanh Trí. "Nếu không đi học em sẽ phụ nội làm việc nặng, nội nhờ gì em sẽ làm. Buổi chiều phụ đẩy xe chè, đi bán với bà", Trí nói.

Khi được hỏi về ước mơ sau này, Trí hồn nhiên trả lời: "Em không biết ước mơ gì hết. Em chỉ muốn đi học, vì đi học có bạn bè, vui hơn ở nhà".

Biết được hoàn cảnh khó khăn của gia đình bà Hường, nhiều mạnh thường quân đã đến hỗ trợ tiền, tặng gạo. Sống trong tình thương của mọi người, cuộc sống của họ phần nào đầy đủ hơn.

Trong đó có chị Nga, một nhà hảo tâm ngụ tại quận 4. "Tôi thấy thông tin trên mạng mới tìm đến. Của ít lòng nhiều, chút đỉnh tiền mong là phụ bà trang trải cuộc sống hoặc sài lặt vặt", chị nói. Thế rồi, chị nắm đôi bàn tay gầy guộc, khuyên bà ở nhà, đừng đẩy xe đi bán nữa.

Nghe vậy, bà Hường móm mém cười: "Trời! Hổng bán chắc chết quá. Phải đi bán mới có tiền trả tiền nhà, để cháu đi học, nó mê học lắm".

Góc bếp của bà Hường

Sau giờ lao động vất vả, bà Hường lại cặm cụi chuẩn bị bữa cơm cho cả nhà. (Ảnh: Xuyến Kim).

Bởi, cụ bà 64 quan niệm: "Đồng tiền ai cũng cực khổ làm ra mình đâu thể lấy hoài. Không phải mình tự cao nhưng mấy mươi năm qua mình sống sao thì giờ như vậy. Mệt quá thì mình nằm nghỉ ngơi".

Còn đối với chồng bà - ông Thanh: "Bệnh tật thì đau đớn, nhưng còn sống thì còn làm mới có cái để ăn, để nuôi dạy thằng cháu trai còn quá nhỏ..."

chọn
Kết luận Thanh tra Chính phủ về các dự án của Trung Thủy, Novaland
Thanh tra Chính phủ vừa chỉ ra các sai phạm tại loạt nhà đất ở TP HCM, Hà Nội, Huế và Nghệ An, trong đó có dự án liên quan đến các chủ đầu tư như Trung Thủy, Novaland...