Ông Huy Nhật đã 'phá' 1.269 tỉ đồng của Món Huế ra sao?

Ông Huy Nhật bị tố lừa đảo, chiếm đoạt hơn 1.800 tỉ đồng; trong đó bị tố chiếm đoạt 25 triệu USD từ 4 nhà đầu tư và 1.269 tỉ đồng từ một công ty tại Hong Kong.
Ông Huy Nhật đã 'phá' 1.269 tỉ đồng của Món Huế ra sao? - Ảnh 1.

Ông Huy Nhật bị tố chiếm đoạt 1.269 tỉ đồng của Công ty Công ty Huy Vietnam (Hong Kong) Limited.

Như Dân trí đã đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty TNHH MTV Horizon Property Group (16 Thảo Điền, phường Thảo Điền, quận 2, TP HCM).

Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an, đơn vị này đã nhận được đơn tố giác của các Công ty MF Holdings Inc (MF), Gifed Wisdom Limited (Gifed), Fenghe Harvest Ltd (Fenghe), Harvest Investment Advisory Co.,Ltd (Harvest).

4 công ty nói trên đã cùng tố giác ông Huy Nhật - Giám đốc Công ty TNHH MTV Horizon Property Group chiếm đoạt 25 triệu USD thông qua việc góp vốn đầu tư thực hiện dự án Khu nghỉ dưỡng diện tích 162 ha tại thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế).

Tuy nhiên, dự án 162 ha nói trên chỉ là dự án “ma” và ông Huy Nhật đã biến mất. Số tiền 25 triệu USD của các nhà đầu tư cũng bị “bốc hơi”.

Ngoài ra, Công ty Huy Vietnam (Hong Kong) Limited cũng tố giác ông Huy Nhật, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Huy Việt Nam, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Nhà hàng Món Huế và một số cá nhân khác liên quan có hành vi chiếm đoạt 1.269 tỉ đồng thông qua hoạt động kinh doanh của 2 công ty này.

Vậy, ông Huy Nhật đã bị tố chiếm đoạt 1.269 tỉ đồng của Công ty Huy Vietnam (Hong Kong) Limited ra sao?

“Sẵn sàng” mua lô đất đắt hơn 111 tỉ đồng so với giá thị trường?

Theo Công ty Huy Vietnam (Hong Kong) Limited - gọi tắt là Huy Hong Kong, đơn vị này đã khởi kiện ông Huy Nhật, bà Ngô Thị Mỹ Hạnh và ông Nguyễn Minh Bửu ra Tòa án Nhân dân TP HCM. Đây là những người quản lí Công ty TNHH Nhà hàng Món Huế (Món Huế).

Huy Hong Kong là thành viên của Món Huế, hoạt động hợp pháp theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số 0304790141 do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM cấp lần đầu vào năm 2007.

Ông Huy Nhật là Chủ tịch Công ty Món Huế. Ông Bửu là đại diện pháp luật kiêm Giám đốc Món Huế từ tháng 5/2014 - 4/2018. Bà Hạnh là Giám đốc chi nhánh của Món Huế tại Hà Nội trong giai đoạn trước ngày 6/4/2018, và là người đại diện theo pháp luật kiêm Giám đốc Món Huế từ ngày 6/4/2018 trở về sau.

Ông Huy Nhật đã 'phá' 1.269 tỉ đồng của Món Huế ra sao? - Ảnh 2.

Món Huế từng là thương hiệu có tiếng ở nhiều thành phố lớn tại Việt Nam.

Công ty Huy Hong Kong cho rằng, ông Huy Nhật, ông Bửu, bà Hạnh (nhóm người quản lí Món Huế) đã có hành vi vi phạm trong các giao dịch liên quan đến Món Huế.

Nhóm người quản lí Món Huế đã kí “vô tội vạ” vào các giao dịch không đem lại lợi ích cho Món Huế, và có dấu hiệu kê giá để “rút ruột” Món Huế, gây thiệt hại nghiêm trọng cho Món Huế và các công ty thành viên.

Cụ thể như việc Món Huế kí hợp đồng để mua hơn 5.700m2 đất tại thửa đất CN-0-1 Cụm Công nghiệp Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm, Hà Nội) ngày 1/6/2017 với Công ty CP Thương mại và Đầu tư Song Thành (Song Thành). Bà Hạnh đã thay mặt Món Huế kí kết hợp đồng này.

Giá chuyển nhượng của lô đất nói trên là hơn 134 tỉ đồng. Mục đích sử dụng là xây dựng nhà máy chế biến thực phẩm.

Tuy nhiên, hợp đồng chuyển nhượng khu đất này không được công chứng bởi văn phòng công chứng, và không có bất cứ sự chấp thuận nào của Huy Việt Nam – chủ sở hữu duy nhất của Món Huế.

Vào thời điểm đó, bà Hạnh chỉ là Giám đốc chi nhánh của Món Huế tại Hà Nội, và không có bất kì giấy ủy quyền nào được cấp cho bà Hạnh để thay mặt Món Huế kí kết hợp đồng chuyển nhượng hơn 5.700m2 đất, tức bà Hạnh không có thẩm quyền để thay mặt Món Huế kí hợp đồng.

Khu đất hơn 5.700m2 nói trên vẫn chưa được chuyển nhượng cho Món Huế, không có bất cứ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nào được cấp cho Món Huế, dù hơn 134 tỉ đồng tiền mặt đã được Món Huế thanh toán cho Công ty Song Thành.

Trong khi đó, theo giá đất trên thị trường thì trị giá khu đất hơn 5.700m2 tại huyện Gia Lâm chỉ khoảng gần 23 tỉ đồng. Như vậy, hợp đồng chuyển nhượng đã được kê giá lên hơn 111 tỉ đồng, tức Món Huế mua đắt hơn so với thực tế hơn 111 tỉ đồng.

Tuy nhiên, ông Huy Nhật với vai trò là Chủ tịch công ty Món Huế lại để cho cấp dưới kí kết và thực hiện hợp đồng quan trọng, bất chấp hàng loạt những bất thường và đáng ngờ. Ông Bửu là người đại diện pháp luật kiêm Giám đốc Món Huế cũng để cho cấp dưới ký “vô tội vạ”.

“Từ những sự việc trên, có thể thấy ông Huy Nhật, bà Hạnh, ông Bửu đã cố ý hoặc vô ý thực hiện các hành vi vi phạm hoặc không cẩn trọng gây thiệt hại cho Món Huế. Những người này phải chịu trách nhiệm bồi thường khoản tổn thất hơn 134 tỉ đồng mà Món Huế phải gánh chịu”, văn bản của Huy Hong Kong nêu rõ.

Ông Huy Nhật đã 'phá' 1.269 tỉ đồng của Món Huế ra sao? - Ảnh 3.

Thương hiệu Món Huế có độ phủ lớn và nhanh chóng khiến nhiều nhà đầu tư sẵn sàng chi hàng triệu USD cho ông Huy Nhật.

Hợp đồng tư vấn hơn 24 tỉ đồng/năm, đưa trước hẳn 100 tỉ?

Theo Huy Hong Kong, dự án Bếp trung tâm Hà Nội - Hợp đồng tư vấn AA do nhóm quản lí Món Huế thực hiện cũng rất bất thường.

Cụ thể, tháng 10/2017, Món Huế kí kết Hợp đồng AA 2017 với Tư vấn AA. Sau đó, Món Huế đã thanh toán cho cho Tư vấn AA số tiền 100 tỉ đồng. Đây là tiền đặt cọc theo Hợp đồng AA 2017.

Tuy nhiên, bản sao của Hợp đồng AA 2017 không được Món Huế cung cấp cho các công ty thành viên. Dù các công ty thành viên đã nhiều lần yêu cầu nhóm người quản lí Món Huế cung cấp.

Tháng 1/2018, bà Hạnh thay mặt Món Huế kí kết Hợp đồng AA 2018 với Tư vấn AA để Tư vấn AA cung cấp “dịch vụ tư vấn” thiết kế xây dựng cho Dự án Bếp trung tâm Hà Nội của Món Huế với giá 24,2 tỉ đồng.

Trong khi đó, việc kí kết hợp đồng không có sự chấp thuận nào từ Huy Việt Nam – chủ sở hữu duy nhất của Món Huế và bà Hạnh không có thẩm quyền để thay mặt Món Huế kí hợp đồng.

Tháng 5/2018, bà Hạnh tiếp tục đại diện Món Huế kí kết Biên bản Thanh lý AA với Tư vấn AA để xác nhận việc Tư vấn AA hoàn thành khối lượng công việc theo Hợp đồng AA 2018 và chấm dứt Hợp đồng AA 2018.

Theo Biên bản Thanh lí AA, Món Huế đã thanh toán cho Tư vấn AA gần 34 tỉ đồng bằng cách cấp trừ vào tài khoản tạm ứng 100 tỉ đồng. Các bên thỏa thuận, Tư vấn AA sẽ giữ lại số tiền còn lại của khoản tạm ứng là hơn 66 tỉ đồng cho những dịch vụ khác mà Tư vấn AA sẽ cung cấp cho Món Huế, nếu được chỉ định.

Trong khi đó, Thông tin trên Cổng thông tin quốc gia về đăng kí doanh nghiệp thì Tư vấn AA có trụ sở đăng kí tại số 9, Ngõ 44, đường Hàm Tử Quan (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Tuy nhiên, trên thực tế không có công ty nào hoạt động tại địa chỉ này.

Huy Hong Kong cho rằng, việc Món Huế cho phép Tư vấn AA giữ lại số tiền lên đến hơn 66 tỉ đồng khi không có gì chắc chắn là Tư vấn AA sẽ cung cấp thêm bất kì dịch vụ cụ thể nào là không hợp lí. Việc này được thực hiện không vì lợi ích của Món Huế và Huy Việt Nam.

Nhóm người quản lí Món Huế cũng không có bất kì hành động nào để yêu cầu Tư vấn AA hoàn trả khoản tiền hơn 66 tỉ đồng, dù hơn 1 năm sau, Tư vấn AA không thực hiện thêm bất cứ một công việc nào.

Việc Tư vấn AA giữ lại hơn 66 tỉ đồng gây thiệt hại thêm cho Món Huế khoảng 9,4 tỉ đồng tiền lãi phát sinh.

“Từ những sự việc nói trên, có thể thấy ông Huy Nhật, ông Bửu và bà Hạnh đã cố ý hoặc vô ý thực hiện các hành vi vi phạm, hoặc không cẩn trọng gây thiệt hại cho Món Huế khi kí kết hợp đồng. Việc kí kết cũng có hàng loạt điểm bất thường và đáng ngờ và cũng không có sự chấp thuận nào từ phía Huy Việt Nam”, văn bản của Huy Hong Kong nêu rõ.

Trên đây chỉ là 2 trong số 9 dự án “bất thường” mà nhóm người quản lí của Món Huế thực hiện. Mỗi dự án thực hiện, Món Huế “vung” ra từ trên dưới 100 tỉ đồng đến vài trăm tỉ đồng.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này!


chọn
[LIVE] ĐHĐCĐ Vinhomes: Mục tiêu lãi sau thuế 35.000 tỷ đồng
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, Vinhomes trình cổ đông kế hoạch doanh thu 120.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 35.000 tỷ đồng, lần lượt tăng 16% và 4% so với kết quả năm 2023.