Ông Nguyễn Đức Tài: Nhân viên Thế Giới Di Động nên tìm công ty khác nếu chỉ nhìn vào túi dày mỏng của khách

“Những nhân viên nào nhìn vào túi khách hàng, xem dày hay mỏng để rút được nhiều hay ít từ túi đó, tốt nhất nên đi tìm những công ty khác chú trọng về doanh thu, thay vì ở lại Thế Giới Di Động”, người sáng lập Thế Giới Di Động - Nguyễn Đức Tài tiết lộ.

Tại buổi vinh danh 50 Công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam năm 2018 vừa tổ chức ngày hôm qua, 27/6, với vai trò là doanh nghiệp dẫn đầu bảng xếp hạng này, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động (TGDĐ) Nguyễn Đức Tài đã tiết lộ cách mà ông vận hành doanh nghiệp và quản lí cùng lúc gần 50.000 nhân viên.

chu-tich-tgdd-nguyen-duc-tai-noi-ve-bi-quyet-van-hanh-2400-cua-hang-va-quan-ly-5-van-nhan-vien

Ông Nguyễn Đức Tài chia sẻ nhân viên nào của Thế Giới Di Động chỉ chăm chăm nhìn vào túi khách hàng để bán, nhằm tăng doanh số, nên đi tìm một công ty khác phù hợp hơn. (Ảnh: V.D).

"Thế Giới Di Động được thành lập năm 2004, với số vốn ban đầu chỉ 2 tỉ đồng, nhưng mỗi năm có tốc độ phát triển cả nghìn cửa hàng và hiện có 48.000 nhân viên. Làm thế nào để 48.000 con người này sống cùng lí tưởng và niềm tin để phát triển?", ông Tài đặt vấn đề.

Không nhìn "độ dày mỏng túi của khách" rồi mới bán hàng

Chủ tịch HĐQT Thế Giới Di Động Nguyễn Đức Tài cho rằng một trong những kinh nghiệm xuyên suốt của ông từ lúc doanh nghiệp thành lập, là xây dựng được một văn hóa phù hợp. Nếu không có văn hóa "ngon lành" thì các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp lớn, không thể đi lâu và đứng vững được trên thị trường.

Ông Tài tiết lộ chính những giá trị, phẩm chất cốt lõi của nhân viên sẽ giúp doanh nghiệp phát triển. Điều này càng quan trọng khi mục tiêu của Thế Giới Di Động là trở thành "đế chế" bán lẻ trong tương lai.

"Các nhân viên của chúng tôi luôn phải tận tâm với khách, tức luôn đặt sự hài lòng của khách hàng là ưu tiên số 1 trong mọi suy nghĩ và hành động. Điều này khác với tiền khách hàng mang lại", ông Tài chia sẻ.

Ông chủ Thế Giới Di Động nói văn hóa doanh nghiệp là sẽ không chấp nhận những nhân viên chăm chăm nhìn vào túi tiền của khách, xem dày hay mỏng, rút được bao nhiêu từ chiếc túi đó rồi mới bán hàng. Chẳng hạn, nếu khách hàng đang có nhu cầu mua một chiếc TV bình dân, nhân viên phải tận tình hỗ trợ.

"Việc lôi khách sang gian hàng bày những TV cao cấp hơn là thua", ông Tài chia sẻ.

image005_2

Chủ tịch TGDĐ cho rằng tận tâm với khách hàng là bí quyết giúp doanh nghiệp vươn lên trọng 15 năm qua. (Ảnh: Zing).

Với giá trị đề cao vai trò khách hàng, Chủ tịch Thế Giới Di Động cho rằng các nhân viên không phù hợp với tiêu chí công ty đề ra nên tìm những công ty chú trọng về doanh số, thay vì ở lại làm việc cho Thế Giới Di Động.

"Thành thật xin lỗi và không tranh luận đúng sai là trân trọng niềm tin yêu và sự ủng hộ của khách hàng, không để khách hàng ra về trong sự bực bội. Thử nghĩ, hôm nay bạn dành thời gian đến thăm một người bạn, nhưng vì chuyện gì đó, bạn lại ra về trong sự không thoải mái và tức giận thì bạn sẽ không bao giờ quay lại nơi đó nữa", ông Tài nói thêm.

Trong một chia sẻ mới đây, người sáng lập Thế Giới Di Động cũng cho biết thêm khi khách hàng mang một sản phẩm bất kì ra đổi trả, các nhân viên của ông chỉ được phép hỏi một câu duy nhất: "Anh/chị cần em giúp gì nữa không". Việc này nhằm đảm bảo tâm lí thoải mái cho khách, thay vì đi tìm hiểu vì sao khách muốn đổi, các giấy tờ như giấy bảo hành còn giữ hay không.

Văn hóa doanh nghiệp không thể nằm trên giấy, trên bảng treo tường

Một văn hóa khác tại Thế Giới Di Động ông Tài chia sẻ là các nhân viên phải làm đúng cam kết trong trách nhiệm công việc của mình, gồm làm đúng quy trình, không được làm dối, làm tắt.

"Nếu đã nỗ lực hết sức để làm mà không giữ được cam kết. Chẳng hạn hiệu quả công việc không đảm bảo thì phải làm trình bày với người liên quan biết sớm nhất chuyện gì đang xảy ra. Và việc trình bày được dẫn chứng bằng số liệu, tự đánh giá mình đã làm gì, đồng thời đưa ra những hành động và cam kết mới", ông Tài nói.

1000x1

Ông Nguyễn Đức Tài từng xuất hiện trên Bloomberg trong hình ảnh một doanh nhân giản dị thường mặc áo phông. (Ảnh: Bloomberg).

Người đứng đầu Thế Giới Di Động cho rằng nhờ thực hiện những cam kết này mà doanh nghiệp đã mở 600-1.000 cửa hàng trong một năm. Ông cũng cho biết thêm ngoài việc chỉ tay cho cấp dưới thực hiện thì những người lãnh đạo cũng có cách xử lí riêng.

"Văn hóa doanh nghiệp không phải là khẩu hiệu trên giấy, bảng treo trên tường. Xây dựng văn hóa bản chất là thiết lập các chuẩn mực, và tạo thói quen cho mọi người trong doanh nghiệp, khiến họ đều tự hào và tự nguyện, không có sự ràng buộc", ông Tài chia sẻ.

"Bí quyết" xuyên suốt giúp Thế Giới Di Động có tốc độ phát triển thần tốc như hiện nay, chỉ 15 năm có mặt trên thị trường hiện đã dẫn đầu ở thị phần điện thoại và điện máy trên cả nước chính là đặt khách hàng là trung tâm. Ông Nguyễn Đức Tài cho rằng chính khách hàng mới là người đem đến tiền cho mình, vì vậy không có lí do gì phải khiến khách hàng khó chịu với dịch vụ của Thế Giới Di Động.

Kết thúc tháng 5, "đế chế" bán lẻ này có tổng cộng 2.371 điểm kinh doanh, trong đó, chuỗi điện thoại thegioididong.com có 1.071 cửa hàng, chuỗi Điện Máy Xanh có 809 cửa hàng và Bách Hóa Xanh 545 cửa hàng. 

Khi đã phủ hết mảng điện thoại, điện máy, đứng vững ở lĩnh vực bán lẻ hàng tiêu dùng, thực phẩm, doanh nghiệp có gốc bán đầu chỉ bán điện thoại này lại nhảy vào lĩnh vực đồng hồ, mắt kính. Ngày 27/6, cửa hàng bán mắt kính đầu tiên đã mở cửa sau 3 tháng tấn công vào thị trường đồng hồ.

Ông Tài tự tin nói rằng văn hóa tôn trọng khách hàng, doanh nghiệp của ông cũng sẽ thành công ở ngành hàng mới, như cách ông từng thành công với thị trường điện thoại, điện máy để nhanh chóng đứng vị trí số 1.