Ông Phạm Công Danh được TAND TP HCM triệp tập đến phiên xét xử Hứa Thị Phấn (71 tuổi, nguyên cố vấn cấp cao Trustbank) về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với tư cách người có quyền, nghĩa vụ liên quan. Đang bị bệnh nặng, ông được ngồi trong phòng riêng để chăm sóc sức khỏe. Khi tham gia phần xét hỏi liên quan đến quyền lợi của mình trong phiên tòa sáng 19/11, ông bức xúc: "Toàn bộ tiền vào tay Hứa Thị Phấn là của tôi".
Trước đó, trong hai ngày diễn ra phiên tòa, ông Danh cùng luật sư của mình nhiều lần hỏi các bên liên quan nhằm làm rõ quyền, nghĩa vụ của mình liên quan đến 114 bất động sản mà bà Phấn đã thế chấp cho Trustbank để vay tiền. Đồng thời, phía ông Danh đề nghị tòa xem xét việc trả lại các bất động sản này cho mình vì đã bỏ tiền ra mua lại Trustbank từ bà Phấn.
Trong thời gian điều hành Trustbank bà Phấn đã vay 29 khoản và thế chấp bằng 114 bất động sản. Năm 2012, ông Danh và nhóm cổ đông thuộc Tập đoàn Thiên Thanh mua lại toàn bộ cổ phần của nhóm bà Phấn tại ngân hàng này (gần 85% cổ phần) với giá 3.600 tỉ đồng. Theo thỏa thuận, ông Danh mua lại khoản nợ của bà Phấn tại ngân hàng và nhận lại 114 bất động sản, song do vướng mắc về pháp lí ông không thể lấy các bất động sản ra.
Ông Danh trong quá trình xét xử hồi năm ngoái. Ảnh: Thành Nguyễn.
Để làm rõ vấn đề này, luật sư Phan Trung Hoài (bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho Tập đoàn Thiên Thanh và Phạm Công Danh) hỏi cựu Tổng giám đốc VNCB Phan Thành Mai (đồng phạm, bị giam cùng với ông Danh) "đã bao giờ nhóm Thiên Thanh nhận được tài sản gì liên quan đến hợp đồng chuyển giao này chưa?". Bị án Mai nói: "Không có bất cứ tài sản nào vì nhóm bị cáo Phấn đã không thực hiện theo thỏa thuận của hợp đồng".
Hiện các bất động sản này bị kê biên để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ của ông Danh trong các vụ án liên quan đến VNCB. Ngân hàng TNHH MTV Xây dựng Việt Nam - CB Bank (tiền thân là Trustbank) đã được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng (đang được xác định là bị hại trong vụ án).
Luật sư Hoài cũng hỏi CB Bank có hay không đòi lại 114 bất động sản này, tuy nhiên đại diện của ngân hàng này cho biết "sẽ trả lời trong phần tranh luận", ngoài ra sẽ đòi lại phần lãi suất cho 29 khoản vay bà Phấn để lại.
Theo kết luận của cơ quan điều tra, hành vi của bà Phấn và đồng phạm trong quá trình thâu tóm TrustBank là nguyên nhân dẫn đến thực trạng yếu kém của ngân hàng này. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến sự đổ vỡ của Ngân hàng Xây dựng (VNCB) sau khi ông Danh mua lại và tham gia tái cơ cấu, buộc Ngân hàng Nhà nước phải mua lại giá 0 đồng để gánh toàn bộ hậu quả.
Trong phạm vị vụ án đang bị đưa ra xét xử (giai đoạn 2), bà Phấn bị cáo buộc chỉ đạo HĐQT và thuộc cấp làm các thủ tục để Trustbank đầu tư 1.037 tỉ đồng vào 4 dự án của Công ty Phú Mỹ; Công ty CP địa ốc Lam Giang; Công ty TNHH Phú Mỹ (do bà Phấn làm chủ). Thực tế, tiền này bà Phấn không dùng đầu tư vào các dự án mà rút ra sử dụng cá nhân gây thiệt hại hơn 900 tỉ đồng.
Ngoài ra, bà Phấn còn chỉ đạo thư kí Trần Thị Kim Loan và một số con cháu, nhân viên dưới quyền mua 4 bất động sản tại TP HCM và Nha Trang sau đó mua bán lòng vòng, nâng khống giá trị lên gấp 2-8 lần. Nữ đại gia yêu cầu HĐQT, Ban điều hành ngân hàng mua lại các bất động sản này với giá cao gây thiệt hại cho ngân hàng thêm 437 tỉ đồng.
Với việc gây thiệt hại tổng cộng hơn 1.300 tỉ đồng của Trustbank, bà Phấn bị VKS đề nghị mức án 20 năm tù về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Với vai trò đồng phạm, 5 bị cáo khác bị đề nghị mức án từ 2 đến 8 năm tù.
Ở giai đoạn một của vụ án, bà Phấn bị cáo buộc gây thiệt hại hơn 6.360 tỉ đồng của Trustbank. Tháng 5/2018 bà Phấn bị tuyên 20 năm tù về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, 20 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lí kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Tổng hợp với bản án 17 năm tù do TAND Cấp cao tại Hà Nội tuyên trước đó, bà Phấn phải chấp hành 30 năm tù (mức án cao nhất của hình phạt có thời hạn).
Ngoài ra, bà Phấn và đồng phạm còn bị xem xét trách nhiệm đối với hơn 4.300 tỉ đồng của Trustbank, đã được Bộ Công an tách ra trong giai đoạn 3 của vụ án.