Ông Trần Quí Thanh bất ngờ ngồi ghế nóng show truyền hình Whose Chance, tìm người tài cho Tân Hiệp Phát

Nhà sáng lập Tân Hiệp Phát, ông Trần Quí Thanh gây bất ngờ khi xuất hiện trong chương trình truyền hình thực tế "Whose Chance - Cơ hội cho ai?" với mục đích tìm kiếm nhân tài cho doanh nghiệp. Ông Trần Quí Thanh chia sẻ thông điệp Tân Hiệp Phát muốn trở thành doanh nghiệp trăm năm, và phải xây dựng từ những người trẻ.
72189395_709756426199658_8035349078797713408_n

Không thích xuất hiện ở chốn ồn ào, doanh nhân Trần Quí Thanh bất ngờ ngồi ghế nóng gameshow truyền hình Whose Chance - Cơ hội cho ai, bắt đầu từ tập 5, với mục tiêu "săn" người tài cho Tân Hiệp Phát.

Vốn là người ít xuất hiện ở "chốn ồn ào" và được coi là làm giỏi hơn nói, việc ông Thanh tham dự chương trình gây khá nhiều tò mò. Bản thân người dẫn chương trình - MC Lại Văn Sâm cũng chia sẻ cảm thấy rất thú vị với doanh nhân 66 tuổi này. 

Ông chủ Tân Hiệp Phát sẽ ngồi ghế nóng của gameshow truyền hình Whose Chance - Cơ hội cho ai? từ tập 5. Trong 4 tập trước đó của chương trình, người xem đã rất hào hứng với những màn đối đáp thẳng giữa các "sếp" là chủ doanh nghiệp và ứng viên. 

"Muốn thành doanh nghiệp trăm năm, Tân Hiệp Phát phải xây dựng từ những người trẻ hôm nay"

"Khi nhận được thư mời tham dự chương trình này, ban lãnh đạo công ty muốn giao cho Phó Tổng giám đốc phụ trách mảng nhân sự tham gia. Nhưng sau khi cân nhắc, tôi đề nghị để đích thân tôi đi, vì cảm thấy cần tiếp xúc với các bạn trẻ, để hiểu hơn về tố chất, suy nghĩ của họ", ông Trần Quí Thanh chia sẻ lí do bất ngờ xuất hiện tại chương trình này.

Khi biết quyết định này của Dr Thanh, hai Phó Tổng giám đốc "kiêm" con gái Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích đã có ý ngăn cản, vì chương trình quay liên tục từ sáng tới đêm, không đảm bảo sức khỏe, nhưng ông Thanh vẫn quyết định tham gia.

"Chương trình đã quay hai ngày liền, tôi tiếp xúc với rất nhiều ứng viên trẻ và cả các chủ doanh nghiệp nhiều ngành nghề. Rất thú vị, tôi đã không lãng phí thời gian tham gia của mình", ông Thanh cho biết.

Điều khá bất ngờ là dù rất dứt khoát khi tham dự chương trình, ông chủ Tân Hiệp Phát lại không nói quá nhiều trên trường quay. Không vồ vập với các ứng viên, ông Thanh thường trầm ngâm, quan sát, nghe và nhường lời cho những "sếp" khác đối đáp với ứng viên.

1-3

Tổng giám đốc Tân Hiệp Phát - ông Trần Quí Thanh, xuất hiện trong chương trình truyền hình Whose Chance - Cơ hội cho ai?.

"Các bạn trẻ rất thú vị, dám nghĩ dám làm và có những cơ hội trải nghiệm toàn cầu sớm hơn thời của chúng tôi rất nhiều. Tôi đánh giá cao tinh thần không gì là không thể và đầy nhiệt huyết, đam mê của của các ứng viên trẻ", ông Trần Quí Thanh nói.

Tại chương trình, có những ứng viên chỉ ở độ tuổi ngoài 20, nhưng có thể tự thuyết trình về năng lực bản thân, các dự định công việc và thuyết phục nhà tuyển dụng về giá trị của mình. Điều đó cũng gây ấn tượng tốt với vị doanh nhân có tiếng là "khắt khe" khi tìm kiếm nhân sự này.

"Sau 25 năm phát triển, Tân Hiệp Phát đang hướng tới cột mốc 100 năm, với mục tiêu trở thành công ty sản xuất đồ uống có lợi cho sức khỏe hàng đầu châu lục. Hiện thế hệ tôi đã chuyển giao rất sâu quyền điều hành cho thế hệ trẻ. 

Sự tự tin, khát vọng, tinh thần muốn thể hiện mình của các bạn trẻ ở Tân Hiệp Phát và trong chương trình này, khiến tôi cảm nhận được tương lai tốt đẹp của công ty", ông Thanh cho biết.

"Người trẻ muốn thành công, phải lắng nghe và rèn giũa nhiều hơn"

Tân Hiệp Phát được biết đến là công ty có năng lực đào tạo nội bộ tốt, và luôn hướng tới việc trao cơ hội phát triển cho người trẻ theo năng lực và sự phù hợp với các giá trị cốt lõi của công ty.

"Tuy nhiên, không vì thế mà THP bỏ qua cá tính, thế mạnh, tố chất cá nhân của các bạn trẻ. Quan điểm dùng người của THP là 'đúng người, đúng việc'. Vì vậy, muốn có người xuất sắc trong một lĩnh vực nào đó, chúng tôi cần đánh giá tiềm năng cá nhân qua quá trình làm việc. 

Sau đó, kết hợp với việc đào tạo kĩ năng, định hướng văn hóa qua hệ thống đào tạo và đánh giá chi tiết, để dần biến tiềm năng thành năng lực thực tế", ông Thanh cho biết.

72569226_2128455710790227_2960323719349665792_n

Với góc nhìn của một doanh nhân nửa thế kỉ trải nghiệm thương trường, nhà sáng lập Tân Hiệp Phát chia sẻ ông đánh giá cao những ứng viên biết lắng nghe tốt, và đưa ra phản hồi mang tính chất đàm phán, để tìm điểm chung.

Qua quan sát và tương tác với các ứng viên tại chương trình Whose Chance, ông Thanh cũng nhận thấy nhiều ứng viên quá tự tin vào bản thân và thiếu trải nghiệm, nên dẫn đến việc không đạt được mục tiêu nghề nghiệp như kì vọng.

"Từ việc nhỏ thôi, là lắng nghe kĩ câu hỏi để hiểu nhà tuyển dụng đang nói gì, cho đến việc sẵn sàng thừa nhận mình chưa biết, hơn là cố gắng… nói bừa. Tất cả những điều đó đều được nhà tuyển dụng nhìn thấy để đánh giá ứng viên, chứ không chỉ là việc nói trôi chảy, bằng cấp tốt", ông Thanh nói.

Dưới góc nhìn của một doanh nhân có gần một nửa thế kỉ trải nghiệm thương trường, ông Thanh cho biết ông thường đánh giá cao những người biết lắng nghe tốt, và đưa ra phản hồi mang tính chất đàm phán để tìm điểm chung.

"Có câu nói này: Chúng ta phải im lặng trước khi có thể lắng nghe. Chúng ta phải lắng nghe trước khi có thể học hỏi. Việc tuyển dụng nhân sự cũng như mọi cuộc đàm phán trong kinh doanh, hai bên phải lắng nghe để hiểu nhau, rồi cùng tìm những điểm chung. Tuyển dụng sai cũng như quyết định sai trong kinh doanh, đều lãng phí thời gian và cơ hội cho cả ứng viên và doanh nghiệp. 

Do đó, nếu bạn không đủ kiên nhẫn để làm việc đầu tiên là im lặng và lắng nghe, thì cơ hội thành công của bạn giảm đi đáng kể rồi", Tổng giám đốc Tân Hiệp Phát khẳng định.

"Tôi cũng học được nhiều điều từ người trẻ"

Theo ông Thanh, việc biết lắng nghe không hề xung đột với tư duy độc lập hay thế giới quan mới mẻ. 

Qua việc lắng nghe nhau, ứng viên cũng hiểu thêm về triết lí doanh nghiệp và so sánh với những khát vọng của mình. Các công ty tốt đều rất kỉ luật, nhưng kỉ luật là để rèn giũa ra những người chuyên nghiệp và thực thi tốt các mục tiêu, chứ không phải để đồng hóa và kìm hãm sự sáng tạo, đột phá.

Tuy nhiên, doanh nhân này cũng tin rằng, sự ảo tưởng, non kinh nghiệm và thiếu trải nghiệm thực tế hoàn toàn có thể bù đắp được, nếu người trẻ biết học hỏi và được rèn giũa trong một môi trường tốt.

"Thành công của một cá nhân trong tổ chức là sự kết hợp hài hòa giữa kỉ luật, đào tạo, năng lực phát triển con người của tổ chức, với những tố chất sẵn có và tinh thần cầu thị, quyết tâm theo đuổi mục tiêu của cá nhân. Đó cũng là lí do vì sao Tân Hiệp Phát luôn coi những ứng viên có giá trị cá nhân tương đồng với giá trị cốt lõi của công ty là những ứng viên hàng đầu", ông chủ Tân Hiệp Phát khẳng định.

Ông Trần Quí Thanh nói thêm, thông qua nhiều năm làm việc cùng thế hệ trẻ tại Tân Hiệp Phát, cũng như các trải nghiệm với các ứng viên tại Whose Chance, ông đã học được nhiều điều từ những người trẻ. 

"Kinh nghiệm là con dao hai lưỡi. Tôi vẫn phải thường xuyên lắng nghe các tham mưu, phản biện của các cộng sự trẻ. Họ có thể nói 9 điều sai, nhưng sẽ có ít nhất 1 điều đúng. 

Ví dụ như việc phát triển sản phẩm dành cho người trẻ chẳng hạn, tôi không lắng nghe họ thì nghe ai. Thực ra khi bạn không muốn nghe ai và học hỏi tiếp, nghĩa là bạn đã già rồi đó", ông chủ Tân Hiệp Phát chiêm nghiệm.

Whose Chance - Cơ hội cho ai? là chương trình truyền hình thực tế, tương tự như Shark Tank - Thương vụ bạc tỉ.

Tại đây, các nhà tuyển dụng sẽ ngồi ghế "sếp" và lắng nghe các ứng viên trình bày năng lực của mình. Sau khi đối thoại cùng các ứng viên về triển vọng công việc, các "sếp" sẽ đưa ra lời đề nghị kèm mức lương cho ứng viên, nếu cảm thấy ứng viên phù hợp với công ty.

Trong số những lời đề nghị có mức lương cao hơn mức kì vọng của ứng viên, ứng viên có quyền lựa chọn công ty mà mình muốn đầu quân. Chương trình phát sóng hàng tuần vào lúc 11:00 thứ Bảy hàng tuần trên kênh VTV3, đài Truyền hình Việt Nam.