Thị trường chứng khoán Việt Nam đang "vào mùa" công bố báo cáo tài chính quý 2/2017 sau soát xét. Theo đó, nhiều ông lớn ngậm ngùi chứng kiến lợi nhuận của công ty bốc hơi hàng trăm tỷ đồng. Trong đó có Tập đoàn FLC của ông Trịnh Văn Quyết, người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam và Hoàng Anh Gia Lai của ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức).
FLC dùng "liều thuốc gom hàng"
Cụ thể, FLC cho biết, 6 tháng đầu năm 2017, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đã soát xét của Tập đoàn chỉ đạt 142,23 tỷ đồng, giảm 15,47 tỷ đồng, tương ứng 9,8% so với trước soát xét (157,7 tỷ đồng).
Giải trình nguyên nhân cho những biến động này, Công ty cho biết đã thực hiện trước bổ sung một số chi phí tại thời điểm thực hiện kiểm toán. Doanh thu sau soát xét không thay đổi nhiều, trong khi chi phí trong kỳ tăng làm cho lợi nhuận giảm.
Giá cổ phiếu FLC cũng thăng trầm như lợi nhuận của Tập đoàn. Mới đây, FLC gây ấn tượng khi có chuỗi 3 phiên tăng trần liên tiếp với khối lượng và giá trị giao dịch tăng cao đột biến. Nhà đầu tư "đua săn" FLC khi có thông tin ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị FLC mua vào 20 triệu cổ phiếu. Ông Quyết đã chi khoảng 160 tỷ đồng để nắm giữ lượng cổ phiếu này.
Ông Trịnh Văn Quyết mạnh tay chi tiền nâng tỷ lệ sở hữu cổ phiếu FLC |
Ngay sau đó, ông Quyết tiếp tục khiến thị trường chứng khoán dậy sóng khi công bố mua thêm 11 triệu cổ phiếu FLC nữa. Tuy nhiên, "liều thuốc gom hàng" của ông Quyết không còn phát huy tác dụng. FLC bất ngờ giảm sàn 2 phiên khiến cổ đông chóng mặt.
Dù vậy, với đà tăng mạnh của cổ phiếu ROS của công ty cổ phần xây dựng FLC Faros, FLC cũng góp phần giúp ông Trịnh Văn Quyết lấy lại ngôi vị người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Cụ thể, theo thị giá cổ phiếu FLC và ROS ngày 1/9, tài sản trên thị trường chứng khoán của ông Quyết đạt 37.120 tỷ đồng, nhiều hơn 1.356 tỷ đồng so với người đứng thứ hai là ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần tập đoàn Vingroup.
Bầu Đức trở lại đường đua của những người giàu nhất sàn
Sau soát xét, lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai thậm chí hao hụt nhiều hơn. Lợi nhuận sau thuế giảm 118 tỷ đồng so với báo cáo tự lập xuống chỉ còn 1.018 tỷ đồng.
Giải trình về điều này, công ty cho biết nguyên nhân là do tăng chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành do chưa ước tính thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành tại công ty cổ phần Hoàng Anh Đăk Lăk với số tiền 19,4 tỷ đồng.
Đồng thời, công ty giảm chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại do kiểm toán điều chỉnh trình bày nghiệp vụ thanh lý nhóm công ty Mía đường vào lợi nhuận chưa phân phối khi không còn hợp nhất nhóm công ty Mía đường. Chi phí tăng lên do nghiệp vụ này là 107 tỷ đồng.
Thời gian này, cổ phiếu HAG của Hoàng Anh Gia Lai đang suy giảm đáng kể. Dù vậy, với đà tăng mạnh trước đó, bầu Đức vẫn đủ sức trở lại "đường đua" của những người giàu nhất sàn chứng khoán VIệt Nam. Hiện tại, bầu Đức đứng ở vị trí 12 với khối tài sản lên tới 2.928 tỷ đồng.
Cùng chung "số phận" với FLC và Hoàng Anh Gia Lai là Tổng công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam (GEX). Lợi nhuận sau thuế soát xét 6 tháng đầu năm của GEX đạt hơn 307,6 tỷ đồng, giảm hơn 43,3 tỷ đồng so với con số lợi nhuận trong BCTC công ty tự lập trước đó.
Giao dịch chủ yếu dẫn đến chênh lệch này là việc chia cổ tức và phân phối quỹ khen thưởng, phúc lợi của các công ty liên doanh, liên kết. Tổng ảnh hưởng đến lợi nhuận sau thuế của lý do này làm BCTC hợp nhất giữa niên độ do GEX tự lập cao hơn số liệu của kiểm toán là gần 43,3 tỷ đồng.
Công ty cổ phần Đầu tư Năm Bảy Bảy (NBB) cũng ghi nhận giảm lãi sau soát xét. Lợi nhuận sau thuế giảm 15,5 tỷ đồng so với trước soát xét, còn 45,7 tỷ đồng. Nguyên nhân lớn nhất dẫn đến điều này là do doanh thu tài chính giảm 12,5 tỷ đồng.
Theo giải trình, trong kỳ, NBB đã tiến hành hoạt động thoái vốn ngoài ngành và ghi nhận 12,5 tỷ đồng vào doanh thu tài chính tuy nhiên theo thông tư 202/2014/TT-BTC của Bộ Tài Chính về hướng dẫn lập và trình bày báo cáo tài chính hợp nhất, công ty kiểm toán đã yêu cầu khoản lợi nhuận sau khi thoái vốn của cổ đông không nắm quyền kiểm soát không được đưa vào kết quả kinh doanh trong kỳ. Kiểm toán đã điều chỉnh giảm doanh thu tài chính dẫn đến giảm lợi nhuận sau thuế.