Lạc Hồng của ông Lê Xuân Trường không phải là cái tên xa lạ trên thị trường bất động sản. Từ lâu, doanh nghiệp này được mệnh danh là "ôm trùm" bất động sản Tam Đảo với quỹ đất lớn.
Đáng chú ý nhất phải kể đến dự án Khu du lịch Tam Đảo tọa lạc tại thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo với tổng vốn đầu tư khoảng 900 tỷ đồng. Dự án bao gồm 4 tiểu dự án là Khách sạn Lâu đài, Khách sạn Venus, Khu ẩm thực và Khu nhà dịch vụ.
Trong đó, công trình khách sạn Lâu đài Tam Đảo có tổng vốn đầu tư khoảng 400 tỷ đồng, Khách sạn Venus có tổng vốn đầu tư khoảng 400 tỷ đồng.
Dự án tiếp theo là Khu nghỉ dưỡng sinh thái Belvedere Resort tọa lạc tại khu 2, thị trấn Tam Đảo. Dự án có tổng mức đầu tư 270 tỷ đồng, được chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn 1 thực hiện trên lô đất 3ha với mức đầu tư 70 tỷ đồng, giai đoạn 2 trên lô đất 25 ha với mức đầu tư 200 tỷ đồng.
Ngoài ra, tại Tam Đảo, Lạc Hồng còn là chủ đầu tư Dự án cáp treo Tây Thiên. Dự án có tổng vốn đầu tư 260 tỷ đồng, khởi công vào tháng 12/2009 và chính thức đi vào hoạt động vào tháng 2/2012. Hay dự án Khu đô thị Chùa Hà Tiên có quy mô gần 60 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 300 tỷ đồng.
Cuối tháng 12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Sân gôn Lanh Thanh - Khu du lịch sinh thái Nam Tam Đảo, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Dự án này do CTCP Nam Tảm Đảo (doanh nghiệp do ông Lê Xuân Trường làm Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật) làm chủ đầu tư với quy mô hơn 73 ha, tổng vốn đầu tư hơn 655 tỷ đồng.
Ngoài Tam Đảo, Lạc Hồng còn sở hữu danh mục dự án lớn tại Lào Cai, Hòa Bình, Quảng Ninh, Khánh Hòa.
Đơn cử, tại Hòa Bình, doanh nghiệp này là chủ đầu tư Khu nghỉ dưỡng khoáng nóng Serena Resort Kim Bôi Hòa Bình với quy mô 30 ha, tổng vốn đầu tư gần 300 tỷ đồng.
Bên cạnh đó còn có Khu nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái hồ Hòa Bình tại xã Suối Hoa, huyện Tân Lạc. Dự án có quy mô hơn 161 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 800 tỷ đồng.
Mới đây, Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Tân Lạc vừa tổ chức hội nghị công bố đồ án quy hoạch dự án này. Dự kiến đến quý I/2023, dự án sẽ được hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng.
Lạc Hồng còn là chủ đầu tư dự án Hạ Long Bay View tại Quảng Ninh và chủ đầu tư dự án Khu đô thị - Công viên - Trung tâm hành chính mới (khu vực 1 rộng hơn 9 ha) - tên thương mại là biệt thự đảo Hoa Sen tại Khánh Hoà.
Tại Hà Nội, Lạc Hồng là chủ đầu tư một số dự án chung cư như: Lạc Hồng Lotus - N01.T1 và Lạc Hồng Lotus - N01.T5 (khu Ngoại Giao Đoàn, quận Bắc Từ Liêm); Lạc Hồng West Lake (Khu đô thị Nam Thăng Long, quận Tây Hồ),...
Bên cạnh đó, Lạc Hồng còn tham gia xây dựng nhiều công như: Trụ sở Văn phòng Quốc hội, Bộ Ngoại giao, trụ sở Bộ Công an, trụ sở Thông tấn xã Việt Nam, Trung tâm Hội nghị quốc gia, Chung cư cao cấp đô thị Nam Thăng Long (Ciputra), Chung cư Viglacera Tower, Nhà ở cán bộ chiến sỹ Tổng cục V,...
Sở hữu danh mục dự án "khủng", Lạc Hồng từng vướng không ít lùm xùm liên quan đến quá trình triển khai, thi công. Năm 2019, nhiều dự án kể trên từng nằm trong kế hoạch thanh tra của Thanh tra Bộ Xây dựng.
Tại Kế hoạch thanh tra chuyên ngành năm 2019, Thanh tra Bộ Xây dựng cho biết sẽ thanh tra loạt dự án của doanh nghiệp gồm: Tổ hợp chung cư cao cấp N01 T5; Chung cư phục vụ cán bộ viên chức quận Tây Hồ và các cơ quan của TP Hà Nội; Khu nghỉ dưỡng Kim Bôi, Hòa Bình; Chung cư Quảng Ninh, TP Hạ Long; Khu ẩm thực tại trung tâm thị trấn Tam Đảo; Khu tổ hợp dịch vụ cao cấp, huyện Tam Đào; Khu nhà ở dịch vụ hai bên đường trục chính khu trung tâm lễ hội Tây Thiên, huyện Tam Đảo; Khu đô thị mới chùa Hà Tiên giai đoạn 2, TP Vĩnh Yên.
CTCP Đầu tư Lạc Hồng (Lạc Hồng) được thành lập vào tháng 9/2003, có trụ sở chính tại 85 Lê Văn Lương, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội.
Sau khi Tổng công ty Xây dựng Hà Nội - CTCP (Hancorp) thoái vốn, vốn điều lệ của doanh nghiệp vẫn ở mức 81 tỷ đồng tính đến cuối năm 2019. Trong đó, Tổng Giám đốc Lê Xuân Trường sở hữu 41,56%. Ngoài ra, ông Trường còn nắm cổ phần tại CTCP Dịch Vụ Du Lịch Tam Đảo.
Tính đến cuối năm 2020, Lạc Hồng có hai công ty con là CTCP Lạc Hồng - Tây Thiên và CTCP Thương mại Du lịch Lạc Hồng. Doanh nghiệp có ba công ty liên kết gồm: CTCP Dịch Vụ Du Lịch Tam Đảo, CTCP Đầu tư Lạc Hồng - Sa Pa và CTCP Đầu tư Lạc Hồng APG và một công ty liên quan là CTCP Đầu tư Phát triển Lạc Hồng Phúc.
Theo dữ liệu chúng tôi, giai đoạn 2016 - 2019, quy mô tài sản công ty mẹ của Lạc Hồng duy trì trên 2.500 tỷ đồng. Tính đến ngày 31/12/2019, tổng tài sản của doanh nghiệp trên 3.700 tỷ đồng, tăng 44% so với cuối năm 2016.
Doanh thu công ty mẹ của Lạc Hồng tăng trưởng không đều qua các năm. Tại thời điểm cuối năm 2019, doanh thu của công ty đạt 845 tỷ đồng, trong khi hai năm trước đều đạt hơn 1.000 tỷ đồng.
Riêng LNST công ty mẹ Lạc Hồng tăng trưởng mạnh trong giai đoạn 2016 - 2019. Trong đó ở năm 2019, công ty lãi gần 288 tỷ đồng, gấp 25 lần so với năm 2016.
Một số chỉ tiêu tài chính của Lạc Hồng. (Nguồn: H.L tổng hợp).
Nói thêm về hệ sinh thái của ông chủ lâu đài Tam Đảo, CTCP Lạc Hồng - Tây Thiên là công ty con do Lạc Hồng nắm 85% vốn tính đến cuối năm 2020. Doanh nghiệp được thành lập vào tháng 5/2009, có địa chỉ tại Tam Đảo, Vĩnh Phúc. Người đại diện theo pháp luật là ông Vũ Đức Bình.
Giai đoạn 2016 - 2019, doanh nghiệp lỗ liên tiếp 3 - hơn 6 tỷ đồng. Trong khi tổng tài sản không thay đổi từ cuối năm 2017 đến cuối năm 2019 với gần 11,7 tỷ đồng.
Một số chỉ tiêu tài chính của CTCP Thương mại Du lịch Lạc Hồng. (Nguồn: H.L tổng hợp).
Còn CTCP Thương mại Du lịch Lạc Hồng được thành lập vào tháng 10/2007, có địa chỉ tại Kim Bôi, Hòa Bình. Tính đến cuối năm 2020, cơ cấu cổ đông của doanh nghiệp gồm: Lạc Hồng (78,91%), Giám đốc Vũ Minh Hiếu (1,71%), cổ đông khác (19,38%).
Giai đoạn 2016 - 2019, doanh thu thuần và LNST của doanh nghiệp này tăng trưởng rõ rệt. Trong đó, doanh thu thuần tăng mạnh từ gần 7 tỷ đồng vào năm 2016 lên hơn 94 tỷ đồng vào năm 2019. LNST giai đoạn này cũng ghi nhận tăng mạnh từ 70 triệu đồng lên gần 13 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của Du lịch Lạc Hồng hơn 233 tỷ đồng.