Tại Hội thảo "Chiến tranh thương mại leo thang: Mừng, lo của doanh nghiệp Việt?" diễn ra hôm nay (6/9), ở TP HCM, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Việt Nam (nay là Bộ Công Thương) - ông Trương Đình Tuyển, thừa nhận căng thẳng Mỹ - Trung, các doanh nghiệp Việt phần nào sẽ được hưởng lợi.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh cuộc chiến này vẫn còn kéo dài, Việt Nam phải thận trọng trước làn sóng "hàng giá rẻ" từ Trung Quốc ồ ạt đổ vào Việt Nam hiện nay.
Phân tích về những tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ngày càng leo thang, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cho rằng hiện hai ngành hàng dệt may và điện thoại di động đều tăng trưởng khá tốt.
Ông Trương Đình Tuyển cho rằng chính các doanh nghiệp không nên ham hàng giá rẻ của Trung Quốc mà nhập ồ ạt vào Việt Nam. (Ảnh: SGT).
Với sức cạnh tranh hiện nay, hàng Việt Nam có thể sẽ được thay thế hàng Trung Quốc tại nhiều thị trường. Ông nói đây là một cơ hội cần tận dụng.
"Các dòng vốn đầu tư nước ngoài có thể chuyển ra khỏi Trung Quốc để tránh bị đánh thuế cao. Trong khi đó, Đông Nam Á có hai điểm đến hấp dẫn là Indonesia với quy mô thị trường lớn, thứ hai là Việt Nam, nếu chúng ta làm tốt việc cải thiện môi trường đầu tư", ông Trương Đình Tuyển nhấn mạnh.
Theo ông Trương Đình Tuyển, một thách thức lớn hiện nay chính là hiện tượng "trên nóng, dưới lạnh". Lãnh đạo cấp cao quyết liệt thì cơ quan chức năng, địa phương đang gây khó khăn cho doanh nghiệp.
"Điều này Thủ tướng cũng nói chứ không riêng tôi. Chúng ta phải quyết liệt tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút dòng đầu tư từ Trung Quốc chuyển sang Đông Nam Á, cụ thể là Việt Nam", ông Tuyển nói.
Ngoài ra, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cũng cho rằng hiện nay, khi đồng Nhân dân tệ hạ giá, thì hàng Trung Quốc sẽ cạnh tranh hơn tại các thị trường khác ngoài Mỹ như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… các mặt hàng chất lượng với mức giá cạnh tranh của Trung Quốc sẽ được xuất sang những thị trường này.
Trong khi đó, một lượng lớn hàng có chất lượng trung bình thấp, đặc biệt là hàng về công nghệ sẽ bị đẩy sang các nước gần, gồm cả Việt Nam, để giảm chi phí. Ông Tuyển cho rằng điều này nằm trong chiến lược tái cơ cấu, để đẩy mạnh việc sản xuất hàng hóa chất lượng cao của Trung Quốc hiện nay.
"Không chỉ lỗi về phía Trung Quốc, đây cũng là lỗi của Việt Nam, bởi chúng ta có quyền lựa chọn, chúng ta không được ham rẻ để lấy công nghệ lạc hậu. Nếu không có ý thức về việc này thì nền kinh tế trong nước sẽ khó đi lên", ông Tuyển nhấn mạnh.
Ông Trương Đình Tuyển đưa ra một lưu ý khác mà các doanh nghiệp Việt nên thận trọng hiện nay, là phải đảm bảo cơ cấu nhập khẩu hàng hóa tại các thị trường cho hài hòa, không quá tập trung vào Trung Quốc.
Theo ông, hiện có tình trạng nhập hàng Trung Quốc rồi xuất khẩu sang Mỹ, điều này đồng nghĩa Việt Nam trở thành "bãi đáp" của hàng hóa Trung Quốc, khiến Trung Quốc né được đòn thuế do Mỹ áp lên.
Ông Tuyển cho rằng việc Mỹ áp thuế lên thép là một bài học cho các doanh nghiệp Việt Nam thời gian tới. (Ảnh: Tuổi Trẻ).
"Một số doanh nghiệp Việt nhập hàng Trung Quốc về dán nhãn Việt Nam, hoặc gia công một số công đoạn đơn giản. Nếu bị phát hiện sẽ rất nguy hiểm, chắc chắn bị Mỹ chặn lại. Điều này đã xảy ra với thép và nhôm", ông Tuyển cảnh báo.
Tuy Mỹ chưa "tuýt còi" nhưng điều này không thể chắc chắn trong tương lai, bởi xuất siêu của Việt Nam vào thị trường Mỹ ngày càng lớn, gia tăng về giá trị lẫn thứ bậc.
Dẫn chứng về điều này, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại đưa ra con số năm 2018, xuất siêu vào Mỹ đạt 47,5 tỉ USD, tăng 11,2% so với năm 2017 và đứng vị trí thứ 6.
Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm đã tăng khoảng 27,5% và tăng lên vị trí thứ 4.
Về cơ cấu hàng nhập khẩu, ông Tuyển cho rằng ngoài Trung Quốc, doanh nghiệp Việt cần đẩy mạnh quan hệ làm ăn trực tiếp Mỹ trong việc xuất nhập khẩu. Cũng nên tận dụng Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) được kí gần đây để tranh thủ thị trường đông dân và ổn định châu Âu.
"Doanh nghiệp cần hướng đến xuất khẩu vào thị trường châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, để cân bằng hơn, tránh phụ thuộc vào Mỹ. Chúng ta cũng phải cố gắng phát triển thị trường nội địa, để Thái Lan chiếm lĩnh thị trường nội địa rất dở", nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Việt Nam cho biết.