PGS.TS Nguyễn Thiện Tống: Sử dụng 5.000 ha đất làm Sân bay Long Thành sẽ rất lãng phí

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cho rằng với năng suất thiết kế 80-100 triệu khách mỗi năm, sân bay Long Thành chỉ cần diện tích 1.300-2.300 ha để xây dựng, trong khi đó, diện tích quy hoạch hiện nay là 5.000 ha.

Liên quan dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Đồng Nai) đang làm nóng nghị trường Quốc hội, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kĩ thuật hàng không (trường Đại học Bách Khoa TP HCM) đã chia sẻ quan điểm trên trang cá nhân của mình.

Hiện dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành dự kiến được đầu tư giai đoạn 1 với nguồn vốn 48 tỉ USD, tương đương 11.000 tỉ đồng, trong thời hạn 5 năm từ 2020-2025.

"Sân bay Long Thành chỉ cần diện tích 1.300-2.300 ha thôi"

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống thẳng thắn nêu quan điểm dự án này sẽ rất lãng phí khi sử dụng đến 5.000 ha đất với 4 đường cất hạ cánh (đường băng).

Ông Tống dẫn Phụ lục 1, Báo cáo số 45/BC-CP ngày 27/10/2014 của Chính phủ về việc giải trình, bổ sung Báo cáo đầu tư dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

2_65345-crop

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống – Chuyên gia hàng không, nguyên giảng viên Đại học Bách khoa TP HCM. (Ảnh: VTC News).

Theo đó, phụ lục này thông tin về quy mô các cảng hàng không quốc tế trên thế giới hiện nay có sử dụng diện tích đất lớn tương tự hoặc lớn hơn diện tích của sân bay Long Thành.

Từ đó kết luận rằng nhìn chung các cảng hàng không có năng suất lớn đều có quy mô từ khoảng 4.000-10.000 ha, ngoại trừ Cảng hàng không quốc tế Changi (Singapore).

Do đó, Cảng hàng không quốc tế Long Thành với diện tích quy hoạch 5.000 ha là phù hợp với xu hướng phát triển chung của các cảng hàng không quốc tế lớn trên thế giới. 

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cho rằng các dữ liệu này cố tình được đưa ra một cách phiến diện, nhằm đi đến kết luận sân bay Long Thành có diện tích quy hoạch 5.000 ha là phù hợp. Bởi trên thế giới có rất nhiều sân bay có năng suất lớn mà diện tích nhỏ lại không được Báo cáo Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành đưa ra để tham khảo. 

Nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kĩ thuật hàng không, ĐH Bách Khoa TP HCM chỉ ra, sân bay Heathrow (Anh) có năng suất thiết kế 80 triệu khách/năm với diện tích chỉ 1.227 ha, sân bay Changi (Singapore) có năng suất thiết kế 85 triệu khách/năm với diện tích 1.300 ha.

Ngoài ra, còn có một loạt cảng hàng không khác như sân bay Barcelona (Tây Ban Nha) có năng suất thiết kế 85 triệu khách/năm với diện tích 1.533 ha, sân bay Frankfurt (Đức) có năng suất thiết kế 80 triệu khách/năm với diện tích 2.300 ha.

"Như thế với năng suất thiết kế 80-100 triệu khách/năm, sân bay Long Thành chỉ cần diện tích 1.300-2.300 ha thôi", ông Tống cho biết.

"Diện tích 5.000 ha và 4 đường băng dài 4.000 m là quá lãng phí"

Không chỉ đề cập diện tích, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống còn lưu ý về quy hoạch sân bay với cấu hình 4 đường băng của sân bay quốc tế Long Thành.

Ông chỉ ra sân bay mới Western Sydney (Australia) có diện tích quy hoạch 1.768 ha có năng suất thiết kế 82 triệu khách/năm. 

e151c69bfbd91c8745c8

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết thời gian dự kiến xây dựng dự án san bay Long Thành giai đoạn 1 trong 5 năm phù hợp với việc triển khai xây dựng một số cảng hàng không ở Việt Nam và thế giới. (Ảnh: ACV).

Sân bay này theo cấp 4F với cấu hình 2 đường hạ cất cánh (3.700 m x 60 m), dãn cách giữa 2 cặp đường cất hạ cánh 1.900 m đảm bảo tiếp cận cất hạ cánh song song, độc lập… có tần suất tối đa 98 chuyến cất hạ cánh/giờ cao điểm và 370.000 chuyến/năm.

Chiều dài đường băng cất hạ cánh 3.700 m bảo đảm cho máy bay code E cất cánh với tầm bay 13.800 km.

Trong khi đó, theo quy hoạch, sân bay Long Thành cũng được xác định trên cơ sở đầu tư xây dựng 1 sân bay cấp 4F với cấu hình 4 đường hạ cất cánh (4.000 m x 60 m), dãn cách giữa 2 cặp đường hạ cất cánh 2.570 m đảm bảo tiếp cận hạ cất cánh song song, độc lập… cũng như có khu vực dành riêng cho quân sự (1.000 ha) đảm bảo an ninh quốc phòng.

"So với sân bay Western Sydney có cùng năng suất trên 80 triệu khách/năm thì sân bay Long Thành có diện tích 5.000 ha, lớn gần gấp 3 lần và cấu hình 4 đường băng dài 4.000 m là quá lãng phí", ông Tống nhấn mạnh.

Sân bay Long Thành sẽ khởi công năm 2021, hoàn thành năm 2025

Giải trình trước Quốc hội về cơ chế thẩm tra, giám sát, tiến độ thực hiện quá trình đầu tư sân bay Long Thành, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết khi được Quốc hội xem xét và thông qua dự án trong tháng 11/2019, Thủ tướng sẽ phê duyệt dự án vào tháng 12/2019. 

Đến tháng 2/2020, Bộ GTVT sẽ hoàn thành lựa chọn tư vấn thiết kế kĩ thuật. Lập hồ sơ thiết kế kĩ thuật hoàn thành trong tháng 6/2020.

Khởi công dự án (thi công hạng mục san nền) tiến hành trong tháng 1/2021. Thi công hạng mục khu bay trong tháng 3/2022. Thi công hạng mục nhà ga trong tháng 6/2022. Hoàn thành thi công xây dựng trong tháng 12/2025.

Bộ trưởng cho biết thời gian dự kiến xây dựng giai đoạn 1 trong 5 năm phù hợp với việc triển khai xây dựng một số cảng hàng không ở Việt Nam và thế giới.

Đơn cử, sân bay Phú Quốc là 4 năm, Nhà ga hành khách Nội Bài 3,5 năm, Nhà ga hành khách Tân Sơn Nhất 3 năm, Cảng hàng không quốc tế Survanabhumi (Thái Lan) mất 5 năm, Cảng hàng không quốc tế Đại Hưng (Bắc Kinh) mất 5 năm.

Việc quản lí, thông qua quy hoạch sẽ do Bộ GTVT là cơ quan nhà nước giám sát việc đầu tư đảm bảo đúng quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Quản lí đầu tư do Tổng Công ty Quản lí bay Việt Nam (VATM) do Bộ GTVT quản lí dự án thông qua đại diện của Bộ GTVT tại VATM và thông qua việc chấp thuận kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm và hàng năm của VATM theo quy định.

Quản lí đầu tư của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) sẽ do Ủy ban Quản lí vốn nhà nước tại doanh nghiệp chịu trách nhiệm.