Phối cảnh sân bay Long Thành. (Ảnh: VGP).
Ngày 12/11, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.
Đáng chú ý, trong phiên thảo luận, nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn về vấn đề tiền độ của dự án trọng điểm này.
Cụ thể, đại biểu, Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) nói thẳng: "Có thể nói đến thời điểm này, với mục tiêu kì vọng đặt ra của Quốc hội khóa XIII có thể chưa đạt, hồ sơ báo cáo chậm, trình chậm so với yêu cầu tiến độ thực hiện.
Nhất là tiến độ thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, tái định cư thực hiện rất chậm và hiện nay theo các báo cáo mới hoàn thành trên 1% và mục tiêu đến năm 2020, tức là sang năm bàn giao đất sạch khá là khó khăn".
Đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hoá) cũng cho rằng từ khi Quốc hội có Nghị quyết số 94 năm 2015 đến nay đã 4 năm mà mới chỉ xong báo cáo nghiên cứu khả thi, phương án giải phóng mặt bằng đã được duyệt và đang triển khai nhưng tiến độ rất chậm.
Theo đại biểu, tỉnh Đồng Nai đã giải phóng mặt bằng theo Nghị quyết số 53 nhưng bây giờ mới được hơn 1% trong tổng số 23.000 tỉ đã bố trí.
"Khi trình Quốc hội bằng đơn giá giải phóng mặt bằng của giai đoạn 2015 - 2019, nhưng đến nay chưa áp giá để giải phóng mặt bằng thì lại phải chờ qui định giá mới của thời kì ổn định ngân sách sau năm 2019. Tiền đền bù giải phóng mặt bằng của dự án này sẽ tăng lên", đại biểu Diến nói.
Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ, Bộ GTVT phải có giải pháp quyết liệt, phải có cam kết để đảm bảo tiến độ của dự án theo nghị quyết của Quốc hội đã ban hành.
"Tôi nghĩ việc giải tỏa này là vô cùng khó khăn, nó phụ thuộc vào rất nhiều vấn đề chứ không thể bằng ý chí được.
Bây giờ giá lên rất cao, nếu với tư duy như thế mà chúng ta đưa ra tiến độ năm 2020-2025 toàn bộ đầu tư sân bay Long Thành giai đoạn 1 thành công tôi nghĩ điều này rất khó thực hiện", Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) nói.
Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cũng đã lên tiếng về công tác giải phóng mặt bằng chậm.
"Thực tế hiện nay chậm cũng có nhiều lí do, chúng tôi xin tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, sẽ phối hợp với Đồng Nai báo cáo với Chính phủ để cố gắng đảm bảo được giai đoạn 1 cho dự án sân bay quốc tế Long Thành.
Trong 1.810 hecta giai đoạn 1, Tổng công ty Cao su Việt Nam có 1.200 hecta nằm ở phạm vi của giai đoạn 1 và đây là một tổ chức, nên chúng tôi có niềm tin sẽ đẩy nhanh được tiến độ giải phóng mặt bằng cho giai đoạn 1", ông Thể nói.
Về vấn đề liên quan đến tiến độ, chất lượng, ông Thể nói: "Chúng tôi cũng xin cam kết sẽ cố gắng tối đa. Chúng tôi sẽ báo cáo Chính phủ để cố gắng nhanh nhất có được nhà đầu tư để có thể khởi công được trong năm 2021".
Vị này cũng khẳng định "không có một sân bay nào có hiệu quả tốt như sân bay Long Thành", nhất là giai đoạn 1 và giai đoạn 2.
"Bởi vì khi chúng ta hoàn thành sẽ có thể điều tiết tăng lưu lượng hành khách từ 20 cho đến 25 triệu hành khách mỗi năm.
Đối với những sân bay khác, như sân bay Vân Đồn hay Cần Thơ, khoảng 10 năm chúng ta mới được 1 triệu hành khách/năm.
Toàn bộ hạ tầng chúng ta đầu tư được khai thác rất hạn chế, nhưng riêng sân bay Long Thành, giai đoạn 1 vừa xong chúng ta đã đảm bảo được 20 đến 25 triệu hành khách và dự kiến đến năm 2030 sẽ tăng lên ở khu vực miền Đông Nam Bộ tới 85 triệu hành khách mỗi năm", ông Thể cho biết thêm.