Bộ trưởng GTVT: 12 tổ chức sẵn sàng cho ACV vay 5 tỉ USD làm sân bay Long Thành

Về việc xây dựng sân bay Long Thành, Bộ trưởng GTVT cho biết ACV cũng đã làm việc với 12 tổ chức, trong đó có trong và ngoài nước, các tổ chức này sẵn sàng cho ACV vay khoảng 5 tỉ USD và không thế chấp vì hiệu quả kinh tế của dự án này rất cao.

sanbaylongthanh_jlnb

Phối cảnh sân bay Long Thành. (Ảnh: Thanh niên).

 

ĐBQH cho rằng ACV không đủ vốn làm sân bay Long Thành

Ngày 12/11, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

Tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) cho biết đến nay đã qua 4 năm nhưng chúng ta chưa duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi là quá chậm.

"Lĩnh vực quản lí bay và quản lí cảng hàng không là những vấn đề đặc thù thuộc lĩnh vực đòi hỏi chuyên môn sâu, đòi hỏi kinh nghiệm, đòi hỏi khả năng phản ứng nhanh khi có sự cố xảy ra và đặc biệt còn phải đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Do vậy, đề nghị xem xét việc giao doanh nghiệp trong nước có đủ năng lực thực hiện các dự án có quy mô lớn và đảm bảo yếu tố quốc phòng an ninh của đất nước ta như Tổng công ty Bay Việt Nam, Tổng công ty Hàng không Việt Nam là một ví dụ", đại biểu Hải nói.

Đáng chú ý, đại biểu Hải cho rằng việc đấu thầu dù đấu thầu rộng rãi hay đấu thầu hạn chế cũng mất đi nhiều thời gian và lãng phí cơ hội.

Về đề xuất giao cho Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư 3 trong 4 các hạng mục đầu tư chính, đại biểu Hoàng Văn Cường (TP Hà Nội) cho rằng mặc dù chỉ định cho ACV sẽ tiết kiệm được khoảng 1,5 năm đấu thầu trong giai đoạn chọn nhà đầu tư.

Tuy nhiên, trong toàn bộ quá trình đầu tư chưa chắc chúng ta đã rút ngắn thời gian nếu đó là chủ đầu tư tư nhân, vì bản thân ACV là một doanh nghiệp cổ phần nhưng nhà nước nắm cổ phần chi phối.

"Thứ hai, cũng chưa thể khẳng định chỉ có ACV mới có kinh nghiệm trong việc đầu tư cảng hàng không và các doanh nghiệp tư nhân khác không có khả năng đầu tư về hàng không.

ACV là một trong các doanh nghiệp đang có kinh nghiệm và lợi thế nhiều nhất trong số các doanh nghiệp trong nước.

Tuy nhiên, có rất nhiều dự án và tư nhân đã được đầu tư chưa có kinh nghiệm vẫn thành công, điển hình như Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn.

Thứ ba là giao cho ACV cũng chưa chắc đã phải là phương án huy động vốn tốt nhất, vì ACV cũng chỉ đảm bảo được 1/3 số vốn, còn 2/3 số vốn vẫn phải đi huy động của các tổ chức tài chính quốc tế", đại biểu Cường nói.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) cũng cho biết tờ trình cũng như trong hồ sơ dự án nói rằng "ACV có năng lực tài chính lành mạnh, có nguồn thu sẵn sàng của 21 cảng hàng không để bù đắp thiếu hụt dòng tiền".

Nhưng đến thời điểm hiện tại thì chỉ có 8/21 cảng hàng không nội địa có thu đủ chi và có lãi, đồng nghĩa với việc 13/21 cảng hàng không còn lại vẫn phải bù lỗ và chưa thể đóng góp nguồn vốn cho ACV trong tương lai gần.

"Xét tổng thể các doanh nghiệp đầu tư vào cảng hàng không, sân bay thì ACV là công ty lớn nhất và có kinh nghiệm nhiều năm trong đầu tư, quản lí, khai thác các cảng hàng không trong cả nước.

Nếu tổ chức đấu thầu trong nước để lựa chọn nhà thầu thì ACV là doanh nghiệp đáp ứng tốt nhất cho các yêu cầu của nhà đầu tư, tuy nhiên nếu tổ chức đấu thầu sẽ mất rất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ của dự án nên việc Chính phủ cân nhắc đề xuất ACV là nhà đầu tư cũng có phần hợp lí.

Trong trường hợp chỉ định ACV thực hiện đầu tư dự án thì cần bảo đảm năng lực tài chính, vì lượng vốn cần thiết là rất lớn", đại biểu Hoàng Thị Hoa (Bắc Giang) nói.

ACV có tiền làm sân bay Long Thành?

Liên quan đến năng lực của ACV, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết hiện nay ACV đã có khoảng 25.000 tỉ đồng để tập trung cho sân bay quốc tế Long Thành.

"Khoản tiền này không đầu tư bất cứ việc gì và chỉ tập trung cho sân bay Long Thành", ông Thể nói.

Theo Bộ trưởng GTVT, hiện nay, tình hình tài chính của ACV tương đối tốt, mặc dù quản lý 21 sân bay, chỉ có 8 sân bay có lãi nhưng sau khi trừ chi phí nộp thuế ACV có một khoản lợi nhuận mỗi năm khoảng 10.000 tỉ đồng.

"Bộ cùng với Ủy ban Quản lỉ vốn đã báo cáo với Chính phủ, kế hoạch từ đây cho đến năm 2025, ACV sẽ bỏ ra gần 30.000 tỉ đồng để nâng cấp các sân bay khác và dành khoảng 12.000 tỉ đồng cùng với 25.000 tỉ đồng để có được một nguồn vốn chiếm khoảng 37%.

Phần còn lại, ACV cũng đã làm việc với 12 tổ chức, trong đó có trong và ngoài nước, các tổ chức này sẵn sàng cho ACV vay khoảng 5 tỉ USD và không thế chấp vì hiệu quả kinh tế của dự án này rất cao. Do đó các nhà đầu tư nước ngoài họ cảm thấy yên tâm cho việc hỗ trợ", Bộ trưởng GTVT cho hay.

Tuy nhiên, vị này cũng cho biết sẽ tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, tham mưu với Chính phủ, cố gắng huy động các nguồn lực trong nước sau đó mới tiếp cận thêm các tổ chức nước ngoài để làm sao hiệu quả xã hội cho đất nước tốt nhất.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.