Một đường dây lừa đảo xuyên quốc gia do các đối tượng người Nigeria cầm đầu bị bắt. Ảnh : Đại Việt |
Giả danh ‘triệu phú ở Mỹ’ đi lừa
Các đối tượng lừa đảo người Nigeria hoạt động tại Malaysia luôn coi Việt Nam là nơi có các “con mồi” béo bở. Nhiều người Việt đã bị lừa số tiền hàng chục tỷ đồng chỉ sau những cú điện thoại.
Với thủ đoạn lên mạng xã hội lập ra những tài khoản mang hình ảnh của các doanh nhân Mỹ, châu Âu thành đạt hoặc các triệu phú đô la rồi tán tỉnh phụ nữ. Nhiều phụ nữ Việt đã mắc bẫy bởi những cú lừa ngoạn mục. Sau khi đã dụ dỗ được “con mồi” chúng thể hiện tình cảm bằng cách muốn được tặng các món quà có giá trị hàng trăm ngàn đô la nhưng thực chất đó chỉ là số tiền “ảo”, không có thật. Đồng bọn của chúng tại Việt Nam sẽ vào vai nhân viên giao hàng, nhân viên sân bay gọi điện thoại thông báo cho nạn nhân biết họ bị giữ lại món quà “khủng” và cần chuyển tiền phí, thuế….Khi nạn nhân chuyển tiền phí cho món quà không có thật xong thì chúng nhanh chóng “cao chạy xa bay.
Theo hồ sơ, tháng 8/2015, bà T.P. (ngụ Q.3) quen với một tài khoản trên facebook có tên Delton Cole, sống ở Mỹ.
Ngày 26/10/2015, Cole nhắn tin thông báo với bà P. là đã gửi quà sinh nhật cho bà. Sau đó, một phụ nữ tự xưng tên Châu là nhân viên sân bay Nội Bài gọi điện thoại thông báo lô hàng điện tử, trang sức vàng trị giá nhiều tỷ đồng của bà đã đến sân bay, yêu cầu bà đóng thuế 1.000 USD. Bà P. vừa chuyển tiền xong, Châu thông báo trong lô hàng có ngoại tệ nên bắt bà P. chuyển thêm hơn 400 triệu đồng.
Đến 30/10/2015, một người đàn ông tự xưng tên Hoàng là nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất, thông báo lô hàng của bà P. đã đến sân bay Tân Sơn Nhất, yêu cầu bà P. đóng thêm 500 triệu đồng tiền phạt do có tiền trong thùng hàng. Sau khi chuyển hơn 900 triệu đồng, bà P. mới phát hiện mình bị lừa nên làm đơn tố cáo gửi cơ quan chức năng.
Lộ diện "nữ quái"
Đáng chú ý, trong đường dây lừa đảo xuyên quốc gia có nhiều phụ nữ người Việt tham gia và bị PC46 Công an TP HCM điều tra, chuyển Viện kiểm sát nhân dân Thành phố truy tố gồm: Phạm Thị Kim Phượng (30 tuổi, quê Tây Ninh), Nguyễn Thị Tốt (29 tuổi, quê Cần Thơ) và Nguyễn Thị Thùy Trang (29 tuổi, ngụ Tây Ninh). Các nghi phạm bị truy tố về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Nghi phạm Nguyễn Thị Kim Phượng tại cơ quan điều tra. Ảnh : Đại Việt |
Theo hồ sơ, năm 2013, Phượng sang Malaysia phục vụ nấu ăn cho một nhà hàng và sống như vợ chồng với Osita (quốc tịch Nigeria). Thông qua người “chồng hờ” Osita, Phượng gia nhập đường dây lừa đảo do Slo (quốc tịch Nigeria) cầm đầu. Khi gia nhập đường dây, Phượng biết Tốt và Trang. Nhiệm vụ của 3 người phụ nữ này là móc nối với người quen ở Việt Nam mở tài khoản ngân hàng cung cấp cho đường dây lừa đảo. Chính từ những tài khoản này mà đường dây lừa đảo của Slo đã chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng của nhiều nạn nhân nhẹ dạ.
Tốt bị bắt khi vừa đáp máy bay từ Malaysia về Việt Nam. Trang bị bắt vào tháng 3/2016 và Phượng bị bắt vào tháng 6/2016.
Đại diện PC46 Công an TP HCM cho biết, hiện tại ở Malaysia có một số lượng lớn phụ nữ người Việt Nam tham gia vào các đường dây lừa đảo tương tự. Những người dân làm thẻ ATM tại Việt Nam rồi cung cấp cho các đường dây lừa đảo cũng bị xử lý trách nhiệm hình sự rất nặng.