Một dự án 80 triệu USD vay của Ngân hàng Thế giới (WB) để cải cách giáo dục phổ thông vừa được chính thức khởi động hôm 17-1. Nội dung chính của dự án này là cải cách chương trình và sách giáo khoa (SGK), trong đó có đánh giá và phân tích kết quả học tập. Sắp tới cũng sẽ có thêm một dự án 100 triệu USD cho phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên (GV) và cán bộ quản lý ở bậc phổ thông, cũng là tiền vay của WB.
Cải cách chương trình và sách giáo khoa
Kết quả thi PISA (viết tắt của Programme for International Student Assessment - Chương trình đánh giá học sinh quốc tế) rất ấn tượng của Việt Nam năm 2012 và gần đây là 2015 được nhiều người trong nước đón nhận không mấy tích cực, có lẽ vì nó không thay thế được ấn tượng với những gì người dân thấy được hằng ngày. Tuy học sinh Việt Nam có thành tích cao trong các môn toán, đọc hiểu và khoa học nhưng thực tế phổ biến vẫn là học để thi; những gì đang diễn ra ở các trường phổ thông còn cách rất xa với những gì các bậc cha mẹ mong muốn.
Cần thay đổi phương pháp dạy học để kích thích trí sáng tạo của học sinh, sinh viên Ảnh: TẤN THẠNH |
Nói vắn tắt, thay vì được khơi gợi hứng thú học hỏi và thực hành nhiều hoạt động để xây dựng những kỹ năng xã hội quan trọng, học sinh đang bị nhồi nhét kiến thức một cách quá tải và không có bao nhiêu ý nghĩa. Trong lúc UNESCO đề xướng mục đích của giáo dục “học để biết, học để làm, học để chung sống cùng nhau, học để tự khẳng định mình” thì chúng ta còn thậm chí chưa đạt tới mức thấp nhất “học để biết” mà vẫn còn ở giai đoạn “học để thi”.
Vì học để thi nên thầy cô giáo được xem là người truyền giảng những kiến thức đáp ứng cho việc thi cử. Quan niệm đó, cùng với đồng lương quá thấp của GV, đã sinh ra hiện trạng dạy thêm, học thêm.
Không chỉ lối tổ chức dạy học truyền thống và phương pháp dạy học áp đặt đã làm thui chột óc sáng tạo và hứng thú học tập của học sinh mà quan niệm về sự thành công và thành tích học tập của phụ huynh cũng đã biến việc học của trẻ em thành một cơn ác mộng, trong lúc lẽ ra nó phải là một niềm vui. Làm sao có thể dạy trẻ thành con người tự chủ, hợp tác, sáng tạo nếu bản thân các thầy cô giáo không được trao quyền tự chủ và không được huấn luyện để có khả năng quyết định những cách tổ chức hoạt động giúp tạo ra kỹ năng đó?
Chương trình và SGK không phải cây đũa thần tạo ra chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, khi phần lớn GV chỉ quen với lối dạy truyền thống và luôn coi SGK là “kinh thánh”, là chỗ dựa hầu như duy nhất khi dạy học thì cải cách chương trình và SGK có thể là một bước đi có ý nghĩa quan trọng.
Đề cao vai trò người thầy
Chúng ta hy vọng việc cải cách chương trình và SGK sắp tới sẽ là một sự thay đổi về chất so với chương trình hiện hành, không phải chỉ là những sửa chữa có tính chất chắp vá và thiếu tính hệ thống.
Theo những gì công chúng được biết qua phát biểu của tổng chủ biên - GS Nguyễn Minh Thuyết, có thể thấy rằng chương trình phổ thông tổng thể sẽ được xây dựng lại một cách chuyên nghiệp, dựa trên những quan điểm và phương pháp giáo dục hiện đại, trong đó điều cốt yếu là tổ chức các hoạt động sư phạm để hình thành năng lực và phẩm chất. Nói như vậy thì dễ nhưng khó hơn và quan trọng hơn là việc thiết kế các môn học và nội dung/phương pháp của từng môn sao cho từng chi tiết trong đó đều gắn với các mục tiêu giáo dục đã xác định. Vì thế, có 2 vấn đề quan trọng nhất mà công chúng quan tâm: Một là, về mặt ý tưởng của cải cách, chúng ta mong muốn tạo nên con người như thế nào; hai là, khả năng thực hiện ý tưởng ấy trong thực tế ra sao.
Theo phát biểu của GS Nguyễn Minh Thuyết, chúng ta mong tạo ra con người có phẩm chất nhân ái - khoan dung, chuyên cần - tiết kiệm, trách nhiệm - kỷ luật, trung thực - dũng cảm; có những năng lực cốt lõi: tự chủ, hợp tác, sáng tạo; một số năng lực chuyên biệt theo thiên hướng cá nhân và cần cho các lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp tương lai. Chúng ta hy vọng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể lần này bảo đảm được tính hệ thống, tức mỗi môn học, mỗi nội dung trong từng môn, giữa các môn và giữa các cấp lớp đều được tính toán sao cho liên đới với nhau, hỗ trợ lẫn nhau nhằm đạt được mục tiêu.
Thách thức đặt ra cho nhóm biên soạn chương trình là rất lớn: vừa phải dựa trên những thành tựu của giáo dục học hiện đại vừa phải cân nhắc sao cho thích hợp với bối cảnh Việt Nam, kể cả cân nhắc nguồn lực tài chính và con người để thực hiện chương trình ấy.
Để thực hiện được mục tiêu trên, vai trò của thầy cô giáo là cực kỳ quan trọng. Tuy chương trình sẽ được thiết kế trên nguyên tắc bảo đảm tính hệ thống và hướng tới mục tiêu cụ thể nhưng chương trình và SGK có tốt đến đâu mà thầy giáo không thực hiện được thì cũng như không.
Cốt lõi nằm ở chính sách
Lực cản lớn nhất hiện nay chưa phải là nguồn lực tài chính hay trình độ, năng lực, nhận thức của GV mà là động lực thay đổi. Những thiếu sót, khiếm khuyết trong kiến thức, kỹ năng, phương pháp giảng dạy của GV đều có thể khắc phục được nếu họ có động lực để thay đổi và có tổ chức hướng dẫn phù hợp. Trọng tâm của chính sách là phải làm thế nào tạo ra những động lực ấy.
Vì thế, tính khả thi của việc thực hiện những ý tưởng này rốt cuộc phụ thuộc vào năng lực làm chính sách. Đã có nhiều chính sách trước đây sau khi ban hành mới thấy bất cập; kể cả khi đã thấy bất cập, chúng ta cũng không có những nghiên cứu cần thiết nhằm đánh giá tác động và ảnh hưởng của những chính sách đó. Hy vọng điều này sẽ được khắc phục bằng những hành động cần thiết: tăng cường sự minh bạch trong việc sử dụng nguồn vốn vay, tận dụng đội ngũ chuyên gia độc lập để xây dựng chính sách và phản biện chính sách trước khi ban hành, tổ chức thật tốt việc truyền thông và đánh giá hiệu quả từng giai đoạn bằng những nguồn nghiên cứu khách quan. Những điều này sẽ giúp nâng cao chất lượng của chính sách và tạo ra sự đồng thuận trong xã hội - một điều kiện không thể thiếu để tạo ra thành công của đổi mới.