Thời gian gần đây, thị trường điện thoại xách tay đột nhiên trở nên sôi động bởi sự xuất hiện trở lại của BlackBerry Passport giá rẻ. Con sốt này được bắt đầu hồi cuối tháng trước bằng loạt Passport đến từ Pháp với bàn phím AZERTY có giá khoảng 5 triệu đồng. Khoảng một tuần gần đây, bên cạnh Passport Pháp thì Passport Quốc tế cũng đã tràn về Việt Nam với mức giá cao hơn khoảng 500 ngàn đồng. Tất cả hai loại máy này đều là mới 100%, đầy đủ phụ kiện và hộp.
Tuy nhiên, trong một bài viết gần đây, chúng tôi đã nói về việc "hô biến" Passport Pháp thành Passport Quốc tế là hết sức dễ dàng. Cụ thể, sự khác biệt của hai chiếc máy này chỉ là ở chuẩn bàn phím QWERTY và AZERTY. Người dùng Passport Pháp chỉ cần mất chi phí khoảng 400 nghìn và 10 phút chờ đợi để thay bàn phím là đã có một chiếc máy chẳng khác gì quốc tế.
Đến đây nhiều người đang có ý định mua Passport sẽ tự hỏi: "Làm sao để biết được chiếc Passport mình đang định mua có phải là hàng quốc tế thực sự hay không, hay chỉ là máy Pháp thay bàn phím?" Trong bài viết này, chúng tôi sẽ hướng dẫn cho các bạn một số đặc điểm dễ nhận ra nhất giữa hai phiên bản này, ngoài ra còn là những kiến thức cần biết để mua được một chiếc Passport chuẩn.
Đầu tiên cần khẳng định, ngoài bàn phím thì hai chiếc máy này là y hệt về cấu hình, kiểu dáng và tính năng. Thậm chí, cả hai đều có số model như sau, đều là SWQ-100-1. Vậy nên trong trường hợp máy đã bị thay bàn phím, thì không thể phân biệt được máy Quốc tế và máy Pháp nếu chỉ sử dụng qua.
Đây là hai chiếc BlackBerry Passport Pháp và Quốc tế.
Ngoài bàn phím, cả hai đều không có đặc điểm gì khác biệt
Kiểu máy của cả BlackBerry Passport Quốc tế và Pháp đều là SWQ-100-1
Cách thức dễ dàng và duy nhất để phân biệt là reset (đặt lại) máy. Lúc này, do Passport Pháp mặc định được đặt ở dạng phím AZERTY, vậy nên khi kết hợp với bàn phím quốc tế sẽ gây nên tình trạng "râu ông nọ cắm cằm bà kia". Sau khi hoàn tất quá trình cài đặt, hãy thử bấm các phím A, Q, W, Z trên bàn phím để đảm bảo rằng ký tự nhập vào là đúng. Trong trường hợp ký tự xuất hiện trên màn hình khác so với bàn phím, thì đây chắc chắn đây là máy đã bị chọc ngoáy.
Hãy thử bấm các phím Q, W, A và Z sau khi reset để đảm bảo máy không thay phím. Nguồn ảnh: MobileCity
Bên cạnh đó, người dùng còn cần kiểm tra độ nguyên bản và đảm bảo máy chưa bị dính nước. Để làm điều này, ta có thể mở nắp sau và quan sát kỹ vào tem void và giấy quỳ được đặt xung quanh tem ghi mã hiệu. BlackBerry Passport "chuẩn" sẽ có tem void màu đen ở trên một con ốc, và giấy quỳ màu trắng. Nếu máy không còn tem void hoặc giấy quỳ chuyển sang đỏ, hãy ngay lập tức từ chối việc mua máy.
BlackBerry Passport chuẩn sẽ có tem void màu đen và giấy quỳ màu trắng
Trong trường hợp bạn mua máy fullbox thì còn một yếu tố khác để phân biệt là vỏ hộp. Bên cạnh việc kiểm tra IMEI có trùng với máy hay không, hộp của Passport Pháp còn có thêm những dòng chữ bằng tiếng Pháp, ngoài ra còn là dòng chữ "Regional EU AZERTY" - chỉ rõ việc chiếc máy sử dụng chuẩn bàn phím này. Ngoài ra, BlackBerry còn ghi rõ phiên bản phần mềm mặc định, trong trường hợp này là 10.3.1. Trên hộp của Passport Quốc tế không có những thông tin này.
Hộp của Passport Pháp (Trái) và Quốc tế (Phải) có sự khác biệt
Tuy nhiên, điểm mà bạn cần lưu ý nhất nằm ở seal hộp của cả hai sản phẩm. Tại Việt Nam, do khâu vận chuyển không cho phép giữ nguyên seal hộp, nên khi đến tay người tiêu dùng thì seal này thường không còn nguyên vẹn. Nhưng cho dù máy đã bị bóc seal hay chưa, nó sẽ vẫn để lại một lớp seal khác ở dưới với dòng chữ "SECURITY" in dập nổi 7 màu. Đây là lớp seal rất đặc biệt và không thể bị làm giả. Nếu để ý kỹ, bạn sẽ còn thấy nó được dán đè lên tem IMEI của hộp. Điều này giúp đảm bảo tem IMEI cũng không thể bị can thiệp.
Seal hộp được dán đè lên tem IMEI
Lớp seal này là trong suốt, nhưng khi bóc ra sẽ để lộ các ký tự in dập nổi 7 màu
In trên lớp seal này là dòng chữ "SECURITY". Kể cả sau khi bị bóc seal ở trên, lớp seal dưới này sẽ vẫn bám chặt vào thân hộp, đè lên tem IMEI.
Ở mặt còn lại của hộp của cả hai phiên bản Quốc tế và Pháp sẽ đều có một tem màu trắng, được viết bằng hai thứ tiếng Anh và Pháp, tạm dịch: "Thiết bị này có thể hoạt động ở tất cả các nước thuộc Liên minh Châu Âu. Khi hoạt động ở Pháp, thiết bị này sử dụng dải tần số riêng". Mặc dù đề cập trực tiếp đến Pháp, tuy nhiên nó không đồng nghĩa với việc đây là chiếc máy dành riêng cho thị trường này, mà chỉ là một lời cảnh báo chung nhằm tuân thủ quy định của EU.
Hộp của cả BlackBerry Passport Quốc tế và Pháp đều có tem màu trắng, viết bằng hai ngôn ngữ tiếng Anh và tiếng Pháp.
Trong trường hợp mua hàng mới, bạn sẽ còn cần phải kiểm tra xem trên thân máy có đầy đủ seal màn hình, seal mặt lưng, seal cạnh trên, seal cạnh dưới và seal camera hay không.
Seal màn hình
Seal cạnh trên
Seal cạnh dưới
Seal mặt lưng
Seal camera
Để tổng kết lại, người mua Passport cần lưu ý những đặc điểm sau:
- Đảm bảo rằng hộp của máy còn seal bảy màu. Seal này phải được dán đè lên tem IMEI.
- Tem của hộp phải trùng khớp thông tin về số IMEI và kiểu bàn phím so với thân máy.
- Hộp phải có tem trắng, được ghi thông tin về điều kiện sử dụng tại EU và Pháp bằng hai thứ tiếng Anh và Pháp.
- Máy phải còn đầy đủ 5 loại seal như trên (trong trường hợp mua máy mới)
- Tem void và giấy quỳ trên máy phải còn nguyên vẹn
- Trong trường hợp mua máy quốc tế, cần reset lại để đảm bảo rằng đây không phải hàng thay bàn phím.
Hy vọng sau bài viết này, các bạn sẽ có thể tìm mua cho mình một chiếc Passport ngon-bổ-rẻ!
Những điều hay ho mà người ta sẽ nhớ về BlackBerry
Gần đây hãng điện thoại đến từ Canada đã chính thức tuyên bố dừng sản xuất điện thoại, một thông tin buồn cho fan hâm ... |