Phân nhóm 156 dự án bất động sản được xem xét tháo gỡ vướng mắc

Theo đề xuất phân nhóm vướng mắc của Sở Xây dựng đối với 156 dự án, Sở sẽ chủ trì xem xét 8 dự án với 6 nhóm vướng mắc. Các nhóm còn lại thuộc trách nhiệm của Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Tài Nguyên Môi trường, Sở Kế hoạch Đầu tư , Sở Giao thông Vận tải.

TP HCM đang xem xét tháo gỡ khó khăn cho nhiều dự án. (Ảnh: Hải Quân).

Trong năm 2022 và hai tháng đầu năm 2023, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) đã có 9 văn bản báo cáo UBND TP HCM về 156 dự án bất động sản của 121 chủ đầu tư đề xuất xem xét tháo gỡ vướng mắc. 

 

Lãnh đạo thành phố đã có 7 văn bản Thông báo của Văn phòng UBND TP truyền đạt ý kiến của ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP trong năm 2022 và hai văn bản Thông báo truyền đạt ý kiến của ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TP trong tháng 2/2023 chỉ đạo khẩn trương giải quyết tháo gỡ vướng mắc, khó khăn của các dự án bất động sản trên địa bàn thành phố.

Tại cuộc họp ngày 15/2, Phó Chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường đã trực tiếp làm việc với lãnh đạo 19 tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản và thống nhất với ý kiến tham mưu của Sở Xây dựng về việc đề xuất phân nhóm vướng mắc và giao cho từng Sở, ngành liên quan chủ trì phối hợp xem xét giải quyết.

Đến ngày 20/2, Phó Chủ tịch Bùi Xuân Cường cùng lãnh đạo các Sở, ngành đã trực tiếp làm việc với từng lãnh đạo của 6 tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản để giải quyết vướng mắc của 7 dự án bất động sản.

Phó Chủ tịch UBND TP HCM khẳng định quyết tâm của thành phố đang khẩn trương xem xét, tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho các dự án theo thẩm quyền.

Ngày 2/3 vừa qua, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi và Phó Chủ tịch Bùi Xuân Cường đã làm việc cùng các Sở, ngành để kiểm tra, rà soát, đánh giá kết quả công tác tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho các dự án bất động sản trong thời gian qua và xác định các việc phải làm trong thời gian tới.

Theo đề xuất phân nhóm vướng mắc của Sở Xây dựng đối với 156 dự án, Sở sẽ chủ trì xem xét 8 dự án với 6 nhóm vướng mắc: (1) Hoán đổi nghĩa vụ nhà ở xã hội; (2) xác nhận dự án đủ điều kiện huy động vốn bán nhà ở hình thành trong tương lai; (3) mua phần diện tích chung thuộc sở hữu nhà nước trong dự án chung cư cũ; (4) thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội tại dự án thương mại bằng hình thức nộp tiền; (5) cấp Giấy phép xây dựng; (6) xác định dự án có được phép bán nhà ở cho tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Sở Quy hoạch Kiến trúc chủ trì xem xét 10 dự án với một nhóm vướng mắc là điều chỉnh quy hoạch.

Sở Tài Nguyên và Môi trường chủ trì xem xét 24 dự án với 15 nhóm vướng mắc: (1) Đấu giá quyền sử dụng đất; (2) bồi thường giải phóng mặt bằng; (3) chuyển mục đích sử dụng đất; (4) giao đất bổ sung; (5) gia hạn thời gian thuê đất; (6) xem xét miễn tiền sử dụng đất; (7) thẩm định, phê duyệt tiền sử dụng đất để thực hiện nghĩa vụ tài chính; (8) rà soát quá trình xử lý nhà, đất, trình tự thực hiện dự án; (9) cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp; (10) cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cư dân sau khi dự án xây dựng hoàn thành; (11) cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp sau khi đã đền bù và hoàn tất cơ sở hạ tầng; (12) đánh giá tác động môi trường; (13) giải quyết đối với phần diện tích mở rộng ngoài ranh giao đất; (14) hoán đổi phần đất còn lại sang vị trí khác; (15) phê duyệt kế hoạch sử dụng đất.

Sở Kế hoạch Đầu tư chủ trì xem xét 11 dự án với 4 nhóm vướng mắc: (1) Ghi nhận là thành viên góp vốn của công ty; (2) thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư; (3) cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; (4) chuyển nhượng dự án đầu tư.

Sở Giao thông Vận tải chủ trì xem xét một dự án với một nhóm vướng mắc là đánh giá tác động giao thông.

Trong văn bản gửi UBND TP HCM và Sở Xây dựng TP HCM vào ngày 3/3, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), cho biết trong đề xuất phân nhóm vướng mắc nói trên của Sở Xây dựng chưa đề cập đến nhóm vướng mắc pháp lý sau.

Cụ thể, Sở Xây dựng từng thông tin TP HCM có khoảng 64 dự án bất động sản bị vướng mắc pháp lý như phải rà soát lại về pháp lý đối với các dự án sử dụng đất có nguồn gốc đất công do sắp xếp lại, xử lý tài sản công, hoặc do di dời nhà xưởng bị ô nhiễm, hoặc do cổ phần hóa chưa hoàn thành các thủ tục theo quy định, hoặc phải rà soát lại tiền sử dụng đất, nghĩa vụ tài chính bổ sung.  

Theo đánh giá của ông Lê Hoàng Châu, vướng mắc pháp lý chiếm 70% khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản. Danh mục 156 dự án đã được phân nhóm vướng mắc được tổng hợp từ 9 văn bản báo cáo của HoREA, nhiều hơn số lượng 116 dự án do Sở Xây dựng tổng hợp theo 4 văn bản báo cáo của HoREA.

Do vậy, Chủ tịch HoREA đề xuất Sở Xây dựng tiếp tục phân nhóm vướng mắc và tiếp tục giao cho từng Sở, ngành liên quan chủ trì phối hợp xem xét giải quyết.

 

 

chọn
Các dự án của Novaland, Nam Long, DIG ở Đồng Nai đón tin mừng
Quy hoạch chung TP Biên Hòa vừa được phê duyệt điều chỉnh cục bộ. MBS đánh giá động thái này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch 1/500 các phân khu thuộc dự án Aqua City, Izumi và Khu đô thị Long Tân.