Phát hành 64 lô trái phiếu trong 1 tháng, VinFast của tỉ phú Phạm Nhật Vượng muốn huy động 8.360 tỉ đồng

Hãng ôtô VinFast của tỉ phú Phạm Nhật Vượng vẫn đang tiếp tục đầu tư sau 2 năm hoạt động, doanh nghiệp đang muốn huy động 8.360 tỉ đồng thông qua phát hành trái phiếu.

Tuyên bố buông bán lẻ để tập trung vào mảng công nghiệp và công nghệ, hãng ôtô của tỉ phú Phạm Nhật Vượng vừa thông báo phát hành một loạt lô trái phiếu doanh nghiệp với tổng giá trị hàng nghìn tỉ đồng.

1 tháng, phát hành 64 lô trái phiếu, muốn huy động 8.360 tỉ đồng

Theo thống kê, chỉ trong gần 1 tháng, từ ngày 11/11 đến ngày 6/12, Công ty TNHH Sản xuất và kinh doanh VinFast - đơn vị sở hữu thương hiệu ôtô VinFast của tỉ phú Phạm Nhật Vượng, đã phát hành tổng cộng 64 lô trái phiếu, để huy động 8.360 tỉ đồng.

anhlux-156984365840499062847-15743045902811686558083-15749554129021073412158

VinFast muốn huy động 8.360 tỉ đồng từ phát hành trái phiếu. (Ảnh: Thiên Trường).

Chỉ tính riêng tuần đầu tiên của tháng 12, VinFast phát hành 19 lô trái phiếu, với tổng giá trị muốn huy động là 2.945 tỉ đồng. Trong đó, giá trị các lô trái phiếu hầu hết là 95 tỉ đồng, có 4 lô giá trị 190 tỉ và hai lô 475 tỉ đồng.

Toàn bộ trái phiếu mà VinFast phát hành là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, được bảo lãnh thanh toán và không có tài sản đảm bảo.

Các trái phiếu đều có kì hạn 36 tháng, dự kiến đáo hạn vào năm 2022.

Mức lãi suất cho năm đầu tiên đối với tất cả các lô trái phiếu đều ở 10%/năm. Lãi suất cho năm tiếp theo được thả nổi, tính bằng lãi suất tham chiếu cộng với 4%/năm. 

Trong đó, lãi suất tham chiếu là trung bình cộng của các mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân (trả lãi sau) kì hạn 12 tháng bằng đồng Việt Nam do Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam và Ngân hàng TMCP Kĩ Thương Việt Nam công bố vào ngày xác định lãi suất có liên quan.

VinFast đã huy động thanh công được bao nhiêu?

Thông báo phát hành 64 lô trái phiếu trong vòng 1 tháng, tính đến nay, hãng ôtô của tỉ phú Phạm Nhật Vượng đã huy động thành công tổng cộng 1.045 tỉ đồng, từ 7 lô trái phiếu. 

Các lô phát hành thành công đều là các đợt trong tháng 11, có mã chung là VF112022xx. Ngoại trừ 1 lô trị giá 475 tỉ, 6 lô còn lại đều có trị giá 95 tỉ đồng.

Như vậy, hãng ôtô VinFast chỉ mới phát hành thành công 12,5% tổng lượng trái phiếu phát hành. 

Một điểm chung trong các đợt phát hành trái phiếu của VinFast là Công ty CP Chứng khoán Kĩ Thương (TCBS) đứng ra làm tổ chức bảo lãnh phát hành, đại lí lưu kí và làm đại diện cho người sở hữu trái phiếu. Techcombank là tổ chức quản lí tài khoản. Ngoài ra, một công ty tư vấn luật cũng đứng ra tham gia vào các thương vụ này.

Hồi giữa tháng 9, HĐQT của Vingroup đã thông qua quyết định bảo lãnh thanh toán cho các nghĩa vụ của VinFast, liên quan trái phiếu có tổng mệnh giá tối đa 5.000 tỉ đồng, dự kiến phát hành trong năm 2019. 

Đến giữa tháng 11, Vingroup tiếp tục thông báo bảo lãnh thanh toán cho các nghĩa vụ của VinFast dự kiến thực hiện trong năm 2 năm 2019 và 2020, với tổng hạn mức không vượt quá 30.000 tỉ đồng.

Mới đây, TCBS đã lấy ý kiến cổ đông về việc phê duyệt hạn mức rủi ro đối với VinFast trong nghiệp vụ đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Theo đó, hạn mức đầu tư tăng từ 950 tỉ lên thành 2.500 tỉ đồng theo mệnh giá, tức tăng gấp 2,5 lần.

VinFast đang kinh doanh ra sao?

Năm 2017, lần đầu tiên Vingroup công bố thương hiệu ôtô - xe máy VinFast. Trong năm này, Vingroup đã khởi công xây dựng tổ hợp sản xuất ôtô và xe máy VinFast, với tổng mức đầu tư lên tới 1,5 tỉ USD.

Sau một năm, tập đoàn của tỉ phú Phạm Nhật Vượng đã ra mắt 3 mẫu ôtô đầu tiên cùng xe máy điện Klara. Cũng trong năm này, Vingroup công bố định hướng trở thành tập đoàn công nghệ, với việc thành lập công ty VinTech, tiến hành sản xuất thiết bị điện tử thông minh, với 4 dòng điện thoại Vinsmart được ra mắt thị trường.

vin-bd-15753470942932003307116

Sản xuất là lĩnh vực mới của Vingroup, đang đóng góp khoảng 7% doanh thu cho tập đoàn. (Đồ hoạ: Phúc Minh).

Tuyên bố tham gia, xây dựng tổ hợp nhà máy và nhanh chóng ra mắt những sản phẩm "Made in Vietnam" là cách Vingroup khẳng định vị thế của tập đoàn trong những lĩnh vực mới. 

"Chúng tôi đã khởi tạo hai doanh nghiệp quy mô lớn là VinFast và VinSmart, với khát vọng toàn cầu. Do vậy, chúng tôi phải tối ưu hoá mọi nguồn lực, nhằm đưa VinFast và VinSmart thành các doanh nghiệp mạnh, có tầm vóc quốc tế", CEO Vingroup nói về quyết định chia tay mảng bán lẻ mới đâu, để tập trung cho công nghiệp và công nghệ.

Báo cáo tài chính năm 2017 của Vingroup lần đầu tiên ghi nhận tổng tài sản của mảng sản xuất là 2.177 tỉ đồng. Chỉ sau 2 năm tham gia sản xuất điện thoại, ôtô, tổng tài sản mảng sản xuất của Vingroup đã tăng gần 40 lần, lên con số 84.028 tỉ đồng.

Năm 2017, mảng sản xuất chưa phát sinh doanh thu. Năm 2018, doanh thu đạt 567 tỉ đồng. 9 tháng đầu 2019, doanh thu sản xuất tăng gấp 7,5 lần, đạt 4.364 tỉ đồng. Tuy nhiên, giá vốn bán hàng của mảng này lại lên đến 5.871 tỉ đồng nên chưa thể tạo ra lợi nhuận cho Vingroup.