Phát hiện chất tạo nạc mới tương tự Salbutamol

Ngoài Salbutamol, cơ quan thanh tra ngành nông nghiệp còn phát hiện thêm một hoạt chất cấm mới là Systeamine đang được sử dụng như chất tạo nạc trong chăn nuôi.

Thông tin trên báo VnExpress, theo ông Nguyễn Văn Việt - Chánh thanh tra Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, các đợt thanh - kiểm tra của cơ quan này trong tháng 8 đã phát hiện thêm một loại chất cấm mới được sử dụng trong chăn nuôi, là Systeamine. Chất cấm này có tác dụng tạo nạc tương tự chất Salbutamol trước đây.

Systeamine là một tiền hooc-mon có tác dụng kích thích sinh trưởng và tạo nạc đối với vật nuôi, chất này đã bị Liên minh Châu âu cấm sử dụng trong chăn nuôi. Việt Nam đưa chất này vào danh mục hạn chế sử dụng (theo Luật Hóa chất).

“Bộ Nông nghiệp và PTNT không cho nhập, kinh doanh và sử dụng hoạt chất này trong chăn nuôi”, Chánh Thanh tra Bộ Nông Nghiệp & Phát triển nông thôn khẳng định

Cũng theo ông Nguyễn Văn Việt, hoá chất công nghiệp đã được phát hiện sử dụng trong chăn nuôi như Salbutamol, Vàng ô và hiện giờ là Systeamine…. là các loại hoá chất sử dụng tỏng nhuộm màu công nghiệp (nhuộm sợi vải, giấy…), được nhập chủ yếu từ Trung Quốc và được bán công khai tại các chợ đầu mối hoá chất.

phat hien chat tao nac moi tuong tu salbutamol
Trong tháng 8, cơ quan chức năng đã phát hiện thêm một loại chất cấm mới được sử dụng trong chăn nuôi, là Systeamine. Chất cấm này có tác dụng tạo nạc tương tự chất Salbutamol trước đây. (Ảnh minh họa).

“Do đây là các loại hoá chất được phép lưu hành, dùng trong công nghiệp nên việc bày bán, nhập khẩu là không sai, nhưng sai phạm ở đây là người mua dung sai mục đích khi sử dụng cho thức ăn chăn nuôi, thực phẩm”, chánh thanh tra Bộ Nông nghiệp chia sẻ.

Hiện tại, trên thị trường giá một kg hóa chất công nghiệp chỉ bằng 1/2 giá của hóa chất cùng loại dùng sản xuất thức ăn chăn nuôi, thậm chí là chỉ bằng 1/3.

“Sử dụng hóa chất dùng trong công nghiệp vào việc sản xuất các sản phẩm dùng trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, sẽ gây tồn dư kim loại nặng trên động vật, sản phẩm động vật”, ông Việt chỉ ra và nhấn mạnh, việc dùng hóa chất công nghiệp để sản xuất thức ăn chăn nuôi, các sản phẩm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản là một hành vi nguy hiểm với sức khỏe cộng đồng và ảnh hưởng tới xuất khẩu của ngành thủy sản.

Năm 2015, đã có nhiều lô hàng thủy sản của Việt Nam bị các nước nhập khẩu trả về vì bị tồn dư kim loại nặng.

Báo Thanh Niên thông tin thêm, trước đó, ngày 25/3/2016, Cục Chăn nuôi có văn bản gửi Sở NN - PTNT các tỉnh, thành phố về việc tăng cường kiểm tra chất cấm và kháng sinh trong chăn nuôi, trong đó có chất Salbutamol, vàng ô và Systeamine.

Nhưng qua công tác thanh tra, lực lượng Thanh tra Bộ NN - PTNT đã phát hiện Công ty TNHH MTV Công nghệ đổi mới đã có hoạt động nhập khẩu nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi maxsure và synergrow có chứa chất systeamine với hàm lượng đậm đặc 3% và một số hành vi vi phạm khác. Thanh tra Bộ NN - PTNT đã xử phạt vi phạm hành chính với số tiền là 197 triệu đồng và buộc tiêu hủy các sản phẩm vi phạm theo quy định.

Cũng theo Thanh tra Bộ NN - PTNT, trong thời gian vừa qua vẫn phát hiện các hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi tại một số địa phương như thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Tiền Giang, Bình Định, Bình Dương, Hưng Yên. Các trường hợp vi phạm đều bị xử lý, xử phạt và tiêu thuỷ các sản phẩm.

Trong đó, thành phố Hồ Chí Minh tiêu hủy 2 lô heo với 83 con; tỉnh Tiền Giang tiêu hủy lô heo 14 con; tỉnh Vĩnh Long tiêu hủy 2 lô heo với 27 heo... Còn tại Hà Nội cũng phát hiện và tiêu hủy 7 heo có chất cấm đưa vào giết mổ. Đặc biệt tại Hưng Yên đã phát hiện đàn heo 30 con tại một trang trại có sử dụng chất cấm Salbutamol.

"Hiện Systeamine là chất đã bị Liên minh châu Âu (EU) hoàn toàn cấm sử dụng làm phụ gia TĂCN. Chất này cũng không có mặt trong danh mục của Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm Codex Quốc tế. Điều này có nghĩa rằng, chúng không được xem xét về mặt ý nghĩa dinh dưỡng cũng như xem xét về độc tính, cũng như không được phép thêm vào thực phẩm trong sản xuất thuộc các nước EU.

Tại Việt Nam, Systeamine được Bộ NN-PTNT quyết định cấm NK, lưu hành và sử dụng làm phụ gia TĂCN.

Tuy nhiên theo những thông tin mà tôi nắm được, bằng nhiều con đường khác nhau, các sản phẩm này lâu vẫn thẩm lậu, tuồn vào tiêu thụ tại Việt Nam. Thậm chí có tình trạng Systeamine khi nhập lậu về, sẽ được thay đổi bao bì nhãn mác thành các sản phẩm phụ gia, men tiêu hóa… để tiêu thụ trong nước. Nhiều trang trại chăn nuôi hay DN sản xuất TĂCN nhỏ vẫn đang âm thầm lén lút trộn chất này kiếm lợi bất chính”.

(GS.TS Vũ Duy Giảng cho biết trên báo Nông Nghiệp)

An Yên (Tổng hợp)

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.