Chiều 31/8, Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an thành phố Đà Nẵng vừa xử phạt 30 triệu đồng đối với cơ sở làm giá đỗ của ông Dương Thế Trọng Hiếu, ngụ quận Cẩm Lệ về hành vi sử dụng hóa chất không có trong danh mục được phép sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm.
Trước đó, cơ quan chức năng kiểm tra, bất ngờ vào cơ sở sản xuất giá đỗ tại nhà của ông Hiếu. Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện, ông Hiếu có sử dụng một loại hóa chất lạ đổ vào giá đỗ. Số hóa chất này trên bao bì có ghi chữ Trung Quốc.
Ngay lập tức, đoàn kiểm tra lập biên bản, thu giữ toàn bộ tang vật có tại hiện trường gồm 300 kg giá đỗ, 106 ống hóa chất cấm, thu mẫu giá đỗ gửi kiểm định.
Kết quả cho thấy, loại hóa chất ông Hiếu cho vào giá đỗ có tên là 6-Benzyl Aminopurin. Loại hóa chất này là chất cấm, nhằm kích thích tăng trưởng, giúp giá đỗ phát triển nhanh, tăng sản lượng và trắng đẹp hơn.
Giá đỗ chuẩn bị được đưa ra thị trường |
Ông Hiếu thừa nhận, số hóa chất này có xuất xứ từ Trung Quốc. Ông thu mua từ những đối tượng điều khiển xe tải chở hàng từ phía Bắc mang vào bán. Mỗi ngày ông ủ từ 300 đến 500 kg giá. Tất cả số giá này được đưa ra thị trường tiêu thụ.
Ngay sau khi phát hiện ông Hiếu sử dụng chất cấm, cơ quan chức năng buộc ông phải dừng việc sản xuất giá đỗ. Ngoài ra, tất cả tang vật cũng được tiêu hủy theo quy định.
Theo tìm hiểu của chúng tôi , việc sản xuất giá đỗ bằng hóa chất Trung Quốc từ trước đến nay vẫn tồn tại. Quy trình sản xuất giá đỗ trải qua nhiều công đoạn. Đậu được ủ vài tiếng bằng nước vôi. Sau đó, cách chừng 3 tiếng đậu được tưới nước một lần. Nước được xử lý một cách khá bài bản.
Giá được ủ vào lu. Đến ngày thứ hai và thứ ba, giá được ngâm với loại nước hòa với hóa chất Trung Quốc. Đến ngày thứ tư thì sẽ có lô giá trắng, đẹp mắt…
Giá được xử lý bằng hóa chất thường có thân mập, đẹp, không rễ. Đối với những loại giá này thường được người dùng ưa chuộng.
Theo anh Nguyễn Thôi, một người thường làm giá đỗ ở quận Cẩm Lệ cho biết, sở dĩ một số người sản xuất chọn phương án sử dụng hóa chất vì lợi nhuận cao.
Thông thường, giá làm bằng cách truyền thống, không hóa chất phải kéo dài 5 ngày. Trong khi đó, nếu sử dụng hóa chất thì có thể rút ngắn thời gian. Điều này đồng nghĩa giảm giá thành và tăng lợi nhuận.
Theo anh Thôi, nếu làm giá không dùng thuốc, mỗi kg đậu bình quân được từ 7 đến 8 kg giá, hiếm hoi lắm mới được 9 kg giá.
Trong khi đó, 1 kg đậu nếu có sử dụng hóa chất thì sẽ cho ra từ 10 kg giá thành phẩm. Mang so sánh, dễ dàng nhận thấy, chênh lệch mỗi kg đậu, nếu người sản xuất có sử dụng hóa chất sẽ lợi khoảng 2 đến 3 kg giá.
Hóa chất dùng để "tẩm" giá đỗ |
Theo lời khai của ông Hiếu, mỗi ngày sản xuất từ 300 đến 400 kg. Như vậy, việc ông có sử dụng hóa chất, một ngày, ông thu lợi gần cả trăm kg giá.
Đại tá Trần Thanh Nhơn, Trưởng phòng Cảnh sát môi trường Công an thành phố Đà Nẵng cho biết, việc ngâm hóa chất để làm giá là hành vi bị nghiêm cấm.
hóa chất 6-Benzyl Aminopurin là chất không nằm trong danh mục cho phép sử dụng trong thực phẩm cũng như danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng.
hóa chất này có tính kiềm cao nên có thể gây bỏng da, viêm kết mạc nếu tiếp xúc trực tiếp. Khi hít vào, chất này làm tổn thương cơ quan hô hấp, phổi…
Hóa chất này khi đã được ngâm và ngấm vào giá đỗ sẽ không thể nào thải hết khi ngâm trong nước sạch. Dư lượng hóa chất tồn dư trong giá đỗ sẽ gây nguy hại sức khỏe cho người dùng.
Phường đột ngột phun hóa chất diệt muỗi, người dân choáng váng, nôn ói vì... chạy không kịp Nhiều người dân chưa kịp đi ra khỏi khu vực, chiếc xe ô tô phun hóa chất diệt muỗi đã phun xối xả vào trong ... |