Quận Hoàn Kiếm tiến hành "dẹp loạn vỉa hè" sáng 28/2. Ảnh: Đoàn Lê |
Sáng 28/2, Công an quận Hoàn Kiếm phối hợp với Thanh tra giao thông quận tổng kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè trên các tuyến phố cổ, phố cũ.
Đáng chú ý là động thái "dẹp loạn vỉa hè" nói trên của quận Hoàn Kiếm được dư luận cho là "học theo" quận 1 (TP HCM). Trao đổi với PV chiều tối 28/2 về vấn đề này, ông Long khẳng định là "không" và nói rằng "đây là việc chúng tôi làm thường xuyên chứ không phải bây giờ mới làm".
Về việc xuống đường như Phó Chủ tịch UBND quận 1 (TP HCM), ông Long nói rằng bản thân ông thường xuyên xuống đường yêu cầu lập lại trật tự văn minh đô thị, cương quyết với sai phạm lấn vỉa hè của các hộ kinh doanh.
Quận Hoàn Kiếm đang quyết tâm lấy lại vỉa hè cho người đi bộ. Ảnh: Đoàn Lê |
Về quyết tâm của quận Hoàn Kiếm trong việc lấy lại vỉa hè cho người đi bộ, ông Phạm Tuấn Long tại khu phố cổ chật hẹp, lượng người lớn, vỉa hè là nơi mưu sinh của rất nhiều hộ dân; do vậy trong công tác tiến hành xử lý vi phạm quận cũng giao cho các phường nắm rõ tình hình để có những giải pháp phù hợp. Tuy nhiên, theo ông Long thì quan điểm của quận vẫn là xử lý sai phạm, trả lại vỉa hè cho người đi bộ và mang tới hình ảnh đô thị văn minh.
Cũng theo Phó Chủ tịch quận Hoàn Kiếm, để giải quyết các tụ điểm lấn chiếm vỉa hè, trật tự an toàn giao thông thì quan trọng nhất là sự vào cuộc của chính quyền cơ sở. “Qua quá trình thực hiện, lực lượng chức năng sẽ thống kê phường nào làm tốt, phường nào làm chưa tốt để từ đó có những giải pháp cụ thể”, ông Long nói.
Ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Đoàn Lê |
Ông Phạm Tuấn Long cũng thông tin rằng theo quy hoạch từ thời Pháp, quận Hoàn Kiếm chỉ đáp ứng một số lượng nười dân nhất định nhưng hiện ngày càng tăng lên. Trong khi đó, quận này là nơi trung tâm thương mại, du lịch, dịch vụ nên lưu lượng người và phương tiện hàng ngày qua lại đông, dẫn đến áp lực về cả giao thông tĩnh và hạ tầng đô thị.
"Về mặt lâu dài, quận sẽ quy hoạch lại các điểm đỗ xe tĩnh dọc tuyến đường ven đê. Các nhà xây mới phải có tầng hầm đảm bảo chỗ để xe và tương lai việc phát triển giao thông phải tương xứng với phát triển nhà ở”, ông Phạm Tuấn Long thông tin thêm.
Nhiều biển hiệu vượt quá quy định, lấn chiếm không gian vỉa hè cũng bị kiên quyết tháo bỏ. Ảnh: Đoàn Lê |
Theo thống kê của UBND quận Hoàn Kiếm, năm 2016, lực lượng chức năng thống kê có 226 điểm phức tạp về trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông trên địa bàn. Đến cuối năm 2016, lực lượng chức năng quận Hoàn Kiếm đã xóa bỏ 131 điểm và hiện còn 95 điểm đang tập trung giải quyết.
Được biết, quận Hoàn Kiếm có 166 phố, trong đó, 79 phố thuộc khu phố cổ, 78 phố thuộc khu phố cũ, 12 phố ngoài đê sông Hồng và 328 ngõ ngách. Trong đó, 66 phố có mặt cắt ngang hè lớn hơn 3,5m; 100 phố có mặt cắt ngang hè nhỏ hơn 3,5m. Phần lớn các phố có lòng đường, vỉa hè nhỏ hẹp, nhất là khu phố cổ.