Với vai trò lãnh đạo, lèo lái doanh nghiệp lớn, nhiều nữ doanh nhân đã chia sẻ kinh nghiệm trong công việc và có góc nhìn thẳng về vai trò của phụ nữ ở phiên toạ đàm "Nữ doanh nhân và khát vọng vì một Việt Nam hùng cường", trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2019 diễn ra ngày 2/5.
Tổng Giám đốc của Deloitte châu Á Thái Bình Dương - bà Cindy Hook, khẳng định: "Phụ nữ Việt Nam rất tài năng, và cơ hội dành cho lãnh đạo nữ rất nhiều". Theo bà, các cơ hội này càng nhiều hơn nữa khi các quốc gia trên thế giới cho rằng Việt Nam rất nhiều tiềm năng, đây là dịp để các nữ lãnh đạo Việt phát huy vai trò của mình.
Phó Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát - bà Trần Uyên Phương cho biết nhiều thế hệ lãnh đạo trẻ là các bạn 8X, 9X, đặc biệt nữ giới chia sẻ những khó khăn của bản thân, nhưng bà Phương cho rằng, chính phụ nữ cũng có những lợi thế nhất định trong kinh doanh.
"Tôi vẫn chia sẻ với các bạn nữ và ngay với nhân viên nữ của mình là chúng ta không cần trở nên giống nam giới, hãy để cho nam giới thể hiện điểm mạnh của họ", Phó Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát chia sẻ. (Ảnh: VnExpress).
Theo bà Trần Uyên Phương, khác với nam giới, phụ nữ phải lấy sự nữ tính của bản thân để làm điểm mạnh, phát huy trong những trường hợp nhất định để công việc luôn đạt hiệu quả tốt nhất.
"Điểm mạnh của nữ lãnh đạo là nữ tính, phụ nữ giống như một dòng nước, uyển chuyển nhẹ nhàng những vẫn quyết đoán. Tôi vẫn chia sẻ với các bạn nữ và ngay với nhân viên nữ của mình là chúng ta không cần trở nên giống nam giới, hãy để cho nam giới thể hiện điểm mạnh của họ", Phó Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát nói.
Ngay bản thân mình, bà Phương cho rằng bà thuộc thế hệ doanh nhân kế thừa, thuộc nhóm Millenium - nhóm lãnh đạo trẻ đang trong giai đoạn của sự chuyển tiếp, với sự phát triển không ngừng của khoa học và công nghệ.
Kế thừa Tân Hiệp Phát từ cơ ngơi của cha là ông Trần Quí Thanh, Trần Uyên Phương cho biết trong gần 40 năm, chính cuộc sống của cha, sự khởi đầu của Tân Hiệp Phát ở lĩnh vực bia, nước giải khát là bài học và hành trang bà luôn ghi nhớ.
Năm 1994, sau khi thành lập Tân Hiệp Phát, ông Trần Quí Thanh là một kĩ sư cơ khí đã quyết định mua lại dây chuyền phế thải của hãng Bia Sài Gòn về để tái sử dụng. Thời điểm điểm đó, không một ai tin ông Thanh có thể làm cho chiếc máy vận hành, nhưng ông vẫn luôn kiên quyết rằng có cái khung thì còn tốt hơn là không có gì để làm cả.
Bà Trần Uyên Phương kể lại nhờ vào sự kiên trì đó, mà hai năm sau, dàn máy "phế thải" này đã vận hành được, thậm chí đạt 80% công suất thiết kế, một kết quả không ai có thể ngờ được. Từ đó, Tân Hiệp Phát có những bước đi đầu tiên vào ngành công nghiệp bia, nước giải khát.
Sau 7 năm, Tân Hiệp Phát mở rộng ngành đồ uống không cồn, thời điểm mà các ông lớn Pepsi và Coca-Cola đang thống lĩnh thị trường, một doanh nghiệp nội lấn sân là không thể. Nhưng sau đó, hàng loạt sản phẩm của Tân Hiệp Phát đẩ đời có tiếng ngay cả thị trường thế giới.
Trần Uyên Phương nói nhiều về lời từ chối 2,5 tỉ USD của Coca-Cola, để Tân Hiệp Phát tiếp tục đi theo định hướng phát triển những sản phẩm có lợi cho sức khoẻ người tiêu dùng.
Đặc biệt, với một doanh nghiệp gia đình, Trần Uyên Phương cũng nhấn mạnh Tân Hiệp Phát không ngừng cải tiến, đi theo hướng chuyên nghiệp như phần mềm quản lí hệ thống nguồn nhân lực doanh nghiệp, ứng dụng tin học và khoa học vào việc quản lí doanh nghiệp.
Tổng giám đốc Công ty Nutifood - bà Trần Thị Lệ đã chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp và thành công của NutiFood, nơi bà tham gia sáng lập, điều hành từ năm 2000 đến nay.
Bà Trần Thị Lệ là một bác sĩ, từ nhỏ đã muốn đóng góp cho xã hội và cộng đồng. Theo CEO NitiFood, một trong những điều được dạy khiến bà nhớ nhất chính là việc điều trị bệnh rất quan trọng nhưng phòng bệnh cũng quan trọng không kém.
CEO NutiFood Trần Thị Lệ cho biết khi nghiên cứu sản phẩm nào cũng nghĩ dành cho con cái, gia đình trước tiên. (Ảnh: L.Q)
Trong những ngày đầu làm việc, cơ sở thực phẩm dinh dưỡng Đồng Tâm của bà Lệ rất nhỏ nhưng mong muốn nhanh chóng học tập từ các công ty đa quốc gia khác, công ty đã quyết định chuyển mình, thay đổi mô hình hoạt động và đổi tên thành NutiFood.
Khi đó, hãng đã tuyển dụng nhiều nhân viên giỏi từ các công ty đa quốc gia để vừa học hỏi, vừa hợp tác làm việc. Để điều hành công ty, bà đi học vào buổi tối, làm việc ban ngày. Suốt 7 năm, từ 2000-2007, tốc độ tăng trưởng trung bình của công ty thực phẩm dinh dưỡng này là 237%. Mong muốn công ty bước lên một tầm cao mới, công ty mời những người trẻ có tài. Nhưng, không may mắn khi có những ngưởi giỏi bỏ đi, nhiều đối tác từ chối hợp tác.
Bà Lệ cho hay để vượt qua những khủng hoảng này, bà đã tự động viên chính mình và nhân viên cùng đồng cam cộng khổ. Cuối cùng, phải trải qua 5 năm mới vượt được giai đoạn tưởng chừng như khắc nghiệt nhất ấy, để xây dựng thương hiệu sữa đặc trị NutiFood như hôm nay.
"Triết lí kinh doanh của công ty rất đơn giản, đó là làm việc gì cũng bằng cái tâm của mình. Khi nghiên cứu để cho ra một sản phẩm bất kì, tôi và công ty đều nghĩ các sản phẩm này dành cho con cháu, bản thân, cha mẹ, và những người thân của mình dùng nên dồn hết tâm huyết. Bản thân, gia đình là những người dùng thử sản phẩm trước tiên, sau đó mới đến cán bộ công nhân viên của công ty", bà Trần Thị Lệ nói tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân.
Bà Lệ cũng cho biết thêm, xuất phát suy nghĩ ban đầu về việc làm dòng sữa đặc trị, mỗi khi nhìn trẻ em nông thôn đã 10 tuổi nhưng thấp còi, khiến bà và doanh nghiệp luôn thôi thúc nghiên cứu ra được các sản phẩm để điều trị, hỗ trợ về dinh dưỡng cho các em. Các sản phẩm này không chỉ đảm bảo về chất lượng dinh dưỡng mà còn phải ngon để các em thích dùng.
Bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch Tập đoàn BRG, cho hay trong kinh doanh phụ nữ thông minh hơn đàn ông nhưng lại thiếu độ sâu. Bà Nga cho rằng phụ nữ cần tận dụng mọi sự hợp tác khiến chính mình hoàn hảo hơn, điều đó sẽ dẫn đến thành công.
Chủ tịch Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga: "Chủ tịch nhưng chưa bao giờ cầm gậy golf". (Ảnh: Zing).
Về câu chuyện của chính mình, Chủ tịch Tập đoàn BRG cho hay khoảng 20 năm về trước khi BRG nhận chuyển nhượng sân golf đầu tiên của miền Bắc từ nhà đầu tư Thái Lan, lúc bấy giờ, rất ít người Việt Nam biết đến golf.
"Chính bản thân tôi dù đã là Chủ tịch của sân nhưng cũng chưa bao giờ cầm gậy, chưa bao giờ ra sân với tư cách người chơi, thậm chí vô cùng ngạc nhiên khi thấy gôn thủ bỏ nhiều giờ đồng hồ giữa trưa nắng để để theo đuổi đam mê với môn thể thao này. Thời điểm đó, tôi chỉ thấy golf là một cơ hội kinh doanh tốt", nữ tướng của Tập đoàn BRG cho biết.
Sau 20 năm, hiện doanh nghiệp của bà đã sở hữu sân gôn 18, 19 lỗ và đã kết hợp với nhà huyền thoại golf số 1 thế giới - Jack Nicklaus, người Mỹ có 2 máy bay riêng, có viện bảo tàng riêng, đường phố riêng.
Đặc biệt, huyền thoại golf số 1 thế giới đã trực tiếp gặp và nói rằng không nghĩ Việt Nam có người phụ nữ liều lĩnh như Nguyễn Thị Nga.
Về lĩnh vực khách sạn, hiện BRG có 24 khách sạn, có những thương hiệu rất mạnh như Hilton, Marriott, Four Seasons hay InterContinental...
Bà Hồ Ngọc Yến Phương - Phó Tổng giám đốc Vietjet, cho rằng trong kinh doanh, với người phụ nữ, việc đem sự dịu dàng vào công việc rất là quan trọng giúp hỗ trợ sự vận hành, quản lí. Ngoài ra, tính cẩn thận của phụ nữ sẽ đưa doanh nghiệp phát triển.
Bà Hồ Ngọc Yến Phương - Phó Tổng giám đốc Vietjet, cho rằng trong kinh doanh, với người phụ nữ, việc đem sự dịu dàng vào công việc rất là quan trọng giúp hỗ trợ sự vận hành, quản lí. (Ảnh: VnExpress).
Đặc biệt, bà Phương còn tiết lộ hiện tỉ lệ nhân viên nữ của Vietjet chiếm 34% trong tổng số 3.850 nhân viên. Đây được xem là một tỉ lệ ấn tượng, bởi hàng không là ngành kĩ thuật cao, nam giới thường chiếm tỉ lệ nhiều hơn, nhưng cơ cấu nữ giới của Vietjet khá tốt.
Đặc biệt, bà Phương cho biết 30% trong số 34% tỉ lệ nữ này đang nắm vị trí quản lí tại hãng hàng không giá rẻ.
"Tỉ lệ nữ không cao nhưng đều có vai trò quan trọng", bà Hồ Ngọc Yến Phương nói.
Chuyến bay đầu tiên của Vietjet cất cánh vào đúng dịp Giáng sinh 2011, bắt đầu hành trình mang lại cơ hội được bay cho hàng triệu người Việt Nam.
Năm 2018, tổng tài sản Vietjet đạt 39.086 tỉ đồng, trong đó tài sản dài hạn đạt 20.007 tỉ đồng, tăng trưởng 48,6%, số dư tiền mặt đạt 7.165 tỉ đồng là kết quả của sự tích lũy tăng trưởng kinh doanh, quản trị và điều hành công ty hiệu quả.
Đặc biệt, bà Phương cũng cho biết một điểm đặc biệt của Vietjet là sáng thứ bảy vẫn làm việc, lãnh đạo sẽ trao đổi với nhân viên để hỏi về vấn đề riêng như gia đình, tình yêu để nắm bắt, từ đó thổi sự say mê vào công việc.