Phó chủ tịch UBND TP HCM: Chưa nhận diện và xử lí đầu nậu, cò đất

Phó chủ tịch TP HCM Võ Văn Hoan đánh giá các điểm nóng về vi phạm xây dựng là do chưa nhận diện và xử lí các đầu nậu, cò đất có vai trò cầm đầu.

Sáng 13/7, kì họp lần thứ 15 HĐND TP khóa IX bước sang phần chất vấn một số lãnh đạo sở ngành về các vấn đề cử tri quan tâm. Mở đầu phiên làm việc là những câu hỏi đặt ra cho Giám đốc Sơ Xây dựng TP Lê Hòa Bình.

Đại biểu Thi Thị Tuyết Nhung (quận 7) trình bày, trong báo cáo thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm, quyết định quản lí xây dựng, TP đã xử phạt nhiều vi phạm xây dựng không phép, sai phép. Cụ thể, TP đã ban hành 4.729 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 1.136/1.640 trường hợp vi phạm (tăng 37,6% so với cùng kì).

Trong đó, xây dựng sai phép 619 trường hợp, xây dựng không phép 616 trường hợp, vi phạm khác 405 trường hợp. Các quyết định xử phạt tập trung tại các địa bàn có tốc độ đô thị hóa nhanh.

Từ đó, đại biểu Nhung đề nghị Giám đốc Sở Xây dựng phân tích nguyên nhân vì sao địa bàn này xây dựng sai phép, không phép nhiều như vậy, có phải có vấn đề trong quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch không?

66615062_330384991203269_4171278873599672320_n

Ông Võ Văn Hoan. (Ảnh: Ngự Kỳ).

Phó chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan nhận định xây dựng không phép, trái phép gây mất trật tự xây dựng trên địa bàn. Theo ông, tất cả báo cáo của UBND, HĐND đã nói rõ, có cái của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

"Chúng ta đã có giải pháp xử lí nhưng đi vào cụ thể sẽ thấy đại đa số người dân TP chấp hành tốt vấn đề trật tự xây dựng, chỉ có 2 nhóm trong quá trình mua bán, sang nhượng đất đai cố tình vi phạm trật tự xây dựng. Cụ thể, không có giấy tờ nên không ra xin phép xây dựng được. Hai là không có dự án nên không thể nào triển khai theo đúng quy trình thủ tục của dự án", ông Hoan phân tích.

Theo đó, 2 loại này xuất phát từ cò đất hay môi giới đất. Môi giới thực chất là cò nhưng có tổ chức hơn, những người mua đất rồi sang tay kiếm lợi. Hiện hình thành nhóm có thể là công ty nhưng không có chức năng kinh doanh bất động sản hoặc có chức năng nhưng không có năng lực đầu tư kinh doanh bất động sản, họ tìm mua các miếng đất nằm trong quy hoạch và triển khai ngay các bước không cần xin phép để mua bán, xây dựng sang tay. Tạo ra điểm nóng vì có những nhóm chuyên làm việc này, lan tỏa ở miền Đông và Tây Nam Bộ.

Ông Hoan cho rằng, cần xem xét mô hình liên kết thông tin các dự án cấp phép, dự án vi phạm, xử lí vi phạm, kết quả xử lí… Những thông tin này được truyền tải lên hệ thống từ quận, huyện, phường xã để công chức phường xã, địa chính đều tham gia. "Chúng ta đang tù mù", Phó chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.

Ông cũng cho rằng: "Chúng ta thường ghép chung sai phạm về xây dựng không phép, trái phép của người dân mà không thấy bản chất của trường hợp này là cố ý vi phạm về pháp luật quản lí đất đai, quy hoạch xây dựng, tạo ra tình trạng lôi kéo làm mất an ninh trật tự ở địa phương.

Cứ nói người dân nhưng với người dân nghèo mua những miếng đất đó, đúng là họ tham gia góp phần nhưng họ cũng là nạn nhân. Nhưng những người đầu nậu, cò đất ta lại chưa nhận diện, chưa chỉ đích danh và xử lí được. Vì thế tạo ra điểm nóng trên địa bàn, phải chỉ ra và xử nghiêm tình trạng đó, không thể trong một địa bàn khoảng 1 ha mà ào ào xây dựng được, phải có người đứng mũi chịu sào, đứng ra phân lô, hô hào quảng cáo, đưa người dân lương thiện vào đối diện với chính quyền Nhà nước".

Ông Hoan đặc biệt nhấn mạnh, phải xử lí nghiêm các trường hợp đầu nậu, "không để tự tung tự tác". "Các cán bộ phường, xã biết nhưng chưa nhận diện hết tác hại của việc này và chưa giải quyết", Phó chủ tịch UBND TP đánh giá.

Giám đốc Sở Xây dựng nhìn thấy thiếu sót trong thủ tục hoàn công nhà ở riêng lẻ

DSC05698

HĐND TP HCM chất vấn giám đốc Sở Xây dựng. (Ảnh: Ngự Kỳ).

Đại biểu Nguyễn Trọng Trí chất vấn về thủ tục hoàn công nhà ở riêng lẻ cho hộ gia đình, hiện có bất cập sau khi xây dựng nhà và hoàn công. Đại biểu Trí chỉ ra khi xin phép xây dựng thì cửa nằm bên phải nhưng quá trình xây dựng dân có thể đưa cửa qua bên trái, hoặc khi xin phép xây dựng chiều cao là 10,5 m nhưng khi xây dựng có thể chưa đủ tổng chiều cao vì xây được một tầng dân hết tiền, khiến bố trí bên trong thay đổi.

Vì vậy, khi hoàn công bố trí không giống giấy phép (diện tích vẫn đúng, chỉ khác thiết kế), việc xin phép xây dựng phải đúng cả chi tiết đang là vướng mắc. "Sở Xây dựng có giải pháp nào giải quyết cho người dân để các hộ riêng lẻ hoàn công được công trình?", đại biểu Trí đặt vấn đề.

Ghi nhận thắc mắc của đại biểu Trí, ông Lê Hòa Bình cho rằng "cũng nhìn thấy thiếu sót này". "Theo quy định, khi cấp phép cho nhà ở riêng lẻ thì người dân được điều chỉnh các nội dung bên trong nhà mình, miễn là không thay đổi quy mô, quy hoạch và kiến trúc, đảm bảo lộ giới, chiều cao. Tuy nhiên trong quá trình phối hợp, kiểm tra quá trình xây dựng và xác nhận hoàn công còn nhiều tồn tại phải khắc phục", Giám đốc Sở Xây dựng nhận định.

Ông Bình cho biết, đầu tháng 7, Sở Xây dựng có làm việc với Sở Tài nguyên Môi trường, sẽ thực hiện quy trình liên thông trong cấp phép xây dựng giữa các Sở Xây dựng, Tài nguyên Môi trường và Kiến trúc; liên thông trong việc xây dựng và kiểm tra cấp giấy.

Như vậy, đơn vị nào thực hiện công tác kiểm tra xây dựng thì kiểm tra xây dựng, đơn vị nào kiểm tra cấp giấy thì kiểm tra cấp giấy.

DSC05705

Giám đốc Sở Xây dựng Lê Hòa Bình. (Ảnh: Ngự Kỳ).

Tuy nhiên, ông Bình nhấn mạnh: "Phải làm việc thật kĩ, không khéo các dự án xin là nhà ở riêng lẻ như sau lại chia cắt thành nhà ở để bán. Đây là việc chúng tôi đang suy nghĩ, vừa là cải cách hành chính để người dân nhanh hơn trong công tác xây dựng, hoàn công nhưng cũng không để xảy ra hệ lụy khiến chúng ta phải khắc phục khổ hơn. Xây dựng nhưng để nhanh hơn khi hoàn công".

Bên cạnh đó, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, trong 6 tháng đầu năm, sở này đã ban hành 774 quyết định, trình Chủ tịch UBND TP ban hành 151 quyết định xử phạt hành chính.

"Trong rất nhiều lỗi, nếu theo quy định thì người dân được phép dừng thi công và xin điều chỉnh giấy phép thì chúng ta không cần thực hiện quyết định này, vì ban hành nhiều quyết định thì quản lý Nhà nước rất khó khăn. Vấn đề là khi ra quyết định phải được thực thi mới phát huy được hiệu lực, hiệu quả quản lí Nhà nước.

Chúng tôi sẽ phân loại các lỗi này, ví dụ tăng diện tích thì theo điều 94 Luật Xây dựng ta được phép điều chỉnh, miễn không tăng quy mô, chỉ tiêu quy hoạch về kiến trúc tại khu vực đó", ông Bình nêu.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.