Phó chủ tịch UBND TP HCM: 'Doanh nghiệp bất động sản cần thay đổi tư duy, đầu tư dịch vụ mới là chiến lược lâu dài'

Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan cho rằng, phát triển dịch vụ là mục tiêu lâu dài, chiến lược của thành phố trong tương lai. Nhưng trước hết, cần đầu tư phát triển hạ tầng.

Ngày 3/7, UBND TP HCM tổ chức hội thảo quốc tế "Phát triển dịch vụ của TP HCM và định hướng quy hoạch, phát triển hạ tầng dịch vụ của thành phố giai đoạn 2020-2030".

Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP HCM Nguyễn Thanh Nhã cho biết, tỉ trọng ngành dịch vụ năm 2018 vượt chỉ tiêu năm 2015, chiếm 62,4% cơ cấu ngành trong tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP).

65570323_325840481652180_9192393258087481344_n

Hội thảo có sự tham gia của nhiều chuyên gia quốc tế. (Ảnh: Ngự Kỳ).

Những năm qua, TP HCM đã kiên trì phát triển chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Cơ cấu kinh tế thành phố tiếp tục tăng dần, tỉ trọng các ngành dịch vụ chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn, có lợi thế cạnh tranh gồm 9 nhóm ngành: tài chính - ngân hàng - bảo hiểm; thương mại; du lịch; vận tải, cảng và kho bãi; bưu chính, viễn thông, thông tin và truyền thông; kinh doanh tài sản bất động sản; tư vấn; khoa học công nghệ, y tế; giáo dục và đào tạo.

Tỉ trọng 9 nhóm ngành dịch vụ chủ yếu chiếm tỉ trọng cao nhất 57,1% trong tổng GRDP. Trong đó, 3 nhóm ngành bất động sản; thương mại và vận tải kho bãi tiếp tục chiếm tỉ trọng cao 33,4% trong tổng GRDP.Tại hội thảo, GS Gyeng Chul Kim - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu giao thông Hàn Quốc cho biết, Seoul phát triển hơn 300 km metro, các xe đều có hệ thống GPS, ứng dụng công nghệ thông tin, điện thoại thông minh, xe buýt chỉ cần đọc màn hình, quẹt thẻ, hạn chế sử dụng tiền mặt. Bên cạnh đó, cơ quan quản lí biết rõ xe buýt vận hành như thế nào, chất lượng ra sao.

Vị giáo sư nhấn mạnh, định hướng phát triển giao thông cần lấy con người làm trung tâm, tạo ra đường phố không xe. Nếu xe cũ vào thành phố thì phải trả thêm tiền. "Đây là chính sách phát triển khu vực không xả thải. Tôi cũng hi vọng trung tâm thành phố trong tương lai chỉ cho xe điện đi vào", ông nêu.

65797098_454581208705279_4292415192072978432_n

Nhiều vấn đề đặt ra trong hội thảo. (Ảnh: Ngự Kỳ).

Có mặt tại hội thảo, TS Nguyễn Ngọc Hiếu (Đại học Việt Đức) đánh giá TP HCM không có lợi thế về mở rộng đất đai cho phát triển đô thị, công nghiệp. Đồng thời, cơ sở hạ tầng cũng không tốt hơn Bình Dương hay Đồng Nai.

"Dự án sân bay Long Thành, đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, và đường sắt Bình Dương - Vũng Tàu sẽ là những động lực tăng trưởng đô thị và công nghiệp dọc tuyến hành lang chiến lược kết nối sân bay và cảng biển nằm ngoài phạm vi TP HCM", ông Hiếu nêu.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Du lịch TP HCM cho rằng sự phát triển hạ tầng giao thông góp phần phát triển dịch vụ. Theo ông, TP HCM có tốc độ tăng khách du lịch lớn. Cụ thể, năm 2016 chưa tới 5 triệu du khách quốc tế nhưng đến năm 2018 đón tới 7,5 triệu, khách nội địa cũng lên đến 5 triệu.

Ông Vũ chỉ ra, 80% hành khách đến TP HCM qua đường hàng không nhưng công suất khai thác của sân bay Tân Sơn Nhất đã vượt ngưỡng. Theo ông, cần phải quy hoạch kết nối hơn giữa sân bay này và sân bay Long Thành.

Đối với việc phát triển du lịch đường thuỷ, ông Vũ đánh giá TP HCM có lợi thế nhưng chưa phát triển, điểm nghẽn là chưa quy hoạch hạ tầng cầu cảng, bến bãi... Ông cũng đề xuất chú trọng phát triển loại hình thương mại, mở rộng thêm khu vực dịch vụ, văn hoá, thể thao.

65602154_1051605688368832_7084352377825787904_n

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ. (Ảnh: Ngự Kỳ).

Đại diện Sở Công thương sau đó cho biết, TP HCM có 213 siêu thị, chiếm 22% cả nước. Còn các trung tâm thương mại, chợ truyền thống có số lượng nhiều nhất nước. Theo vị này, đến 2025, hệ thống phân phối sẽ có 268 siêu thị, 5.000 cửa hàng tiện lợi…

Logistics gồm vận tải, kho bãi, phân phối, dịch vụ của TP đang dẫn đầu vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có đến 70% đơn vị đặt tại đây. Tuy nhiên, đến nay chưa có trung tâm logistics tương xứng tiềm năng.

Nguồn hàng tập trung 3 chợ đầu mối khoảng 10.000 tấn, diện tích 100 ha, giá trị hàng hóa hàng đêm khoảng 400 tỉ đồng. Hàng năm tổ chức 600 hội chợ, triển lãm nhưng hiện chỉ có một trung tâm đạt yêu cầu ở quận 7 (khoảng 1 ha).

Theo đại diện Sở Công thương, giới thiệu sản phẩm kết nối cung cầu đang thiếu rất lớn. Do đó, Sở này dự báo cần 1,85 triệu m2 phát triển hạ tầng ngành, thành phố phải thực hiện nhanh một số nhiệm vụ để phục vụ ngành, cần thực hiện nhanh quy hoạch.

Hiện, Sở Công thương đang xây dựng đề án logistics và trung tâm triển lãm, đề xuất TP HCM cần tính toán quỹ đất.

66262400_2541741492527000_7391396725073641472_n

Ông Võ Văn Hoan phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Ngự Kỳ).

Ghi nhận những trao đổi trên, Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP HCM cho rằng, TP HCM cần liên kết với địa phương các tỉnh phát triển du lịch, đây là vấn đề quan tâm. Trong thời đại công nghệ số, kết nối hoạt động du lịch cũng là nền tảng.

Theo ông, phải xem quy hoạch đi trước một bước, sắp tới điều chỉnh gắn liền từng ngành với phát triển giao thông, hạ tầng. Ngoài ra, cần xây dựng kế hoạch sử dụng đất phù hợp từ nguồn 26.000 ha được chuyển đổi từ nông nghiệp. Trong đó, một phần dành cho phát triển dịch vụ. Từng ngành cần nghiên cứu đưa ra dự án, công trình để đưa vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm.

"Các doanh nghiệp bất động sản cũng cần thay đổi tư duy cách đầu tư, đầu tư dịch vụ là chiến lược lâu dài của doanh nghiệp, không thuần túy đầu tư một công trình nhà ở là xong. Trong tương lai chúng ta sẽ phát triển nhiều nhà ở hơn nữa, để phát triển ngành dịch vụ chứ không riêng để ở", ông Hoan nêu quan điểm.

Cuối cùng, ông cho rằng cần có các cơ chế chính sách ưu đãi về đất đai, thuế... để đẩy mạnh phát triển ngành dịch vụ. "Hạ tầng phát triển thì dịch vụ phát triển, dịch vụ phát triển là mục tiêu lâu dài, chiến lược phát triển của thành phố trong tươi lai", ông Hoan nhấn mạnh.

chọn
5 điểm nổi bật trong quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021 - 2030
Nam Định được quy hoạch trở thành trung tâm kinh tế, động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng. Cùng điểm qua những thông tin nổi bật về quy hoạch tỉnh này thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.