Ảnh minh họa: Internet. |
Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) vừa ban hành Thông tư 33/2017/TT-BTNMT có hiệu lực từ 5/12/2017. Một vài quy định trong Thông tư đã khiến dư luận gần đây có nhiều ý kiến trái chiều.
Ngày 25/11, Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức tọa đàm với chủ đề: “Thông tư 33/2017/TT-BTNMT: Làm rõ quy định mới về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”.
Tại buổi tọa đàm, ông Mai Văn Phấn, Phó Cục trưởng cục Đăng ký đất đai, bộ TN&MT đã có những lý giải nguyên nhân vì sao, Bộ lại có những thay đổi trong việc ban hành Thông tư khiến dư luận xôn xao thời gian qua.
Trước khi trả lời câu hỏi tại sao lại có sự thay đổi ở khoản 5, Điều 6, ông Mai Văn Phấn đã làm rõ phạm vi và bản chất của việc điều chỉnh.
Theo ông Phấn, phạm vi điều chỉnh là các thành viên có chung quyền sử dụng đất trong hộ gia đình sử dụng đất. Quy định của pháp luật hiện hành có 17 trường hợp thể hiện thông tin của người sử dụng đất trên giấy chứng nhận. Hộ gia đình chỉ là 1 trong số 17 trường hợp thể hiện thông tin trên giấy chứng nhận.
Bản chất của việc điều chỉnh lần này là thể hiện thông tin của các chủ thể mà thành viên trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất.
Về lý do tại sao lại phải điều chỉnh như quy định này, ông Phấn nói: “Thứ nhất, quản lý đất đai trải qua các thời kỳ khác nhau, phù hợp với quy định của pháp luật tại thời điểm đó. Trước đây, luật năm 1998, luật 1993 chúng ta quy định chủ thể trong việc sử dụng và quản lý đất đai là hộ gia đình. Qua các thời kỳ, chúng ta đã ghi tên của chủ hộ gia đình hoặc chủ gia đình trên giấy chứng nhận.
Tuy nhiên, trong thời kỳ đổi mới này, thị trường đất đai, quyền sử dụng đất được mở rộng. Vì vậy, tên của người chủ sử dụng đất hoặc chủ hộ gia đình không còn phù hợp, không còn thích ứng với điều kiện hiện nay”.
Ông Phấn cũng nêu thực tiễn phát sinh, ghi tên chủ hộ gia đình đến thời điểm hiện tại, giá trị đất đai lên, quyền sử dụng đất được mở rộng, chính sách về thu hồi đất, đền bù đất khi Nhà nước thu hồi để sử dụng vào các mục đích đã có sự thay đổi.
Vì vậy, nội bộ các hộ gia đình sẽ phát sinh sự tranh chấp quyền sử dụng đất. Có thể một số thành viên tại thời điểm được giao đất trước đây có quyền sử dụng đất, nhưng có thành viên phát sinh sau này không có quyền sử dụng đất. Vì vậy, ngay trong nội bộ gia đình đã có sự phát sinh mâu thuẫn.
“Thứ hai, khi thị trường đất đai, quyền sử dụng đất đã được đưa vào thị trường sẽ gây khó khăn giữa một bên là người sử dụng đất và một bên nhận quyền sử dụng đất”, ông Phấn khẳng định.
Ông lấy ví dụ, khi giấy chứng nhận đã được cấp mang tên chủ hộ hoặc mang tên chủ gia đình, chủ hộ khi thực hiện quyền thế chấp sử dụng đất với các tổ chức tín dụng, sau đó chủ hộ gia đình không có khả năng để giải chấp, bắt buộc các tổ chức tín dụng phải đề nghị cơ quan để phát mãi tài sản và thực hiện việc thi hành án.
Tuy nhiên, khi thực hiện việc phát mãi tài sản sẽ nảy sinh, phát sinh khiếu nại giữa các thành viên trong hộ gia đình với cơ quan thực hiện thi hành án. Các thành viên trong hộ gia đình sẽ khiếu nại đây là quyền sử dụng đất chung, còn việc chủ hộ đi để thực hiện giao dịch đó là một phần quyền của chủ hộ gia đình. Do đó, các cơ quan thi hành án rất khó trong việc thực hiện, giải quyết.
“Thứ ba, khi Nhà nước thực hiện phát triển các dự án, thực hiện thu hồi đất thì các thành viên trong hộ gia đình, có người có quyền sử dụng đất, có người không. Nên khi thực hiện đền bù hỗ trợ không xác định được rõ ràng thành viên nào đảm bảo có quyền để hỗ trợ.
Vì vậy, trong điều chỉnh lần này, chúng tôi muốn đi vào bản chất xác định chính xác chủ thể nào là thành viên trong hộ gia đình có quyền sử dụng đất để đảm bảo tính chặt chẽ về pháp lý; đảm bảo giảm thiểu mâu thuẫn trong hộ gia đình; đảm bảo việc thực hiện các giao dịch, quyền minh bạch trong việc giao dịch quyền sử dụng đất sau này; đảm bảo việc thực hiện hỗ trợ đền bù khi Nhà nước có chủ trương thu hồi đất”, ông Phấn nhấn mạnh.
Trước đó, dư luận băn khoăn quy định tại khoản 5, Điều 6 của Thông tư sửa đổi bổ sung điểm c, khoản 1, Điều 5 như sau: “c) Hộ gia đình sử dụng đất thì ghi “Hộ gia đình, gồm ông” (hoặc “Hộ gia đình, gồm bà”), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của chủ hộ gia đình như quy định tại điểm a Khoản này; địa chỉ thường trú của hộ gia đình.
Trường hợp chủ hộ gia đình không có quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì ghi người đại diện là thành viên khác của hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình. Dòng tiếp theo ghi “Cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất (hoặc Cùng sử dụng đất hoặc Cùng sở hữu tài sản) với… (ghi lần lượt họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của những thành viên còn lại trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất)”.
Bộ trưởng Tài nguyên: Ghi tên vào sổ đỏ để bảo vệ quyền lợi người dân
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết quy định ghi tên cả gia đình vào sổ đỏ là cần thiết để bảo vệ quyền lợi ... |