Khu vực ẩm thực Tây Hồ biến mất khỏi không gian đi bộ Trịnh Công Sơn. (Ảnh: Nguyên Khánh).
Không gian đi bộ Trịnh Công Sơn khai trương 11/5/2018, mở cửa chiều tối thứ Sáu tới hết Chủ nhật hàng tuần.
Khu vực đi bộ bắt đầu từ một phần ngõ 612 Lạc Long Quân, một phần ngõ 431 Âu Cơ kéo tới đường rặng nhãn của công viên nước Hồ Tây và phố Trịnh Công Sơn. Kém hấp dẫn, thiếu bản sắc là điều dễ nhận thấy ngay thời điểm mới khai trương. Tròn một năm hoạt động, không gian đi bộ này để lại không ít sự thất vọng.
“Thời gian đầu lượng khách tới đây đạt khoảng 60 nghìn lượt người/tháng, nay chỉ còn khoảng 50%, hy vọng thời gian vào hè sẽ tốt hơn”, ông Nguyễn Đình Khuyến, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ nói.
Trở lại phố đi bộ Trịnh Công Sơn sau nhiều tháng, người viết quá bất ngờ vì cả dãy quầy ẩm thực Tây Hồ như xôi Phú Thượng, chè sen biến mất. Không gian này vốn được địa phương coi là điểm nhấn, bản sắc của khu đi bộ so với không gian Hồ Gươm.
Không bám trụ được ở đây vì khách thưa vắng, nhiều người của làng nghề ẩm thực truyền thống Phú Thượng đành chuyển qua nhiều tuyến phố khác mưu sinh. Khu vực này còn vài hàng ốc, một số quầy trò chơi, sạp đồ chơi trẻ con lèo tèo.
Đến phố đi bộ Trịnh Công Sơn để sống trong không gian nhạc Trịnh, nhiều người kỳ vọng như thế. Thực tế, quận Tây Hồ tới nay chỉ duy trì được sân khấu chính-nơi dành cho nghệ thuật truyền thống như chèo, xẩm, dân ca. Hai tối thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần chương trình cũng chỉ kéo dài được một tiếng đồng hồ.
Không gian sân khấu nhỏ ngay đầu phố Trịnh Công Sơn lặng ngắt, dù ban đầu đây là điểm dự kiến để trình diễn nhạc Trịnh và âm nhạc trẻ. Ông Nguyễn Đình Khuyến nói rằng không thể duy trì mãi không gian nhạc Trịnh ngoài trời, ngay Đà Lạt cũng cần tới không gian trong nhà, điều này lại vướng quy hoạch không gian.
Vừa rồi gia đình Trịnh Công Sơn phối hợp Tây Hồ tổ chức đêm nhạc nhân 18 năm ngày mất của ông thu hút khá đông người, nhưng sự kiện như thế thật hiếm.
“Khu phố đi bộ Trịnh Công Sơn thất bại là chuyện đương nhiên. Lí do lớn nhất là ở đó không có gì. Văn hóa chưa có tính bản địa, riêng biệt để hấp dẫn người dân và du khách lui tới cũng chưa có, bởi đặc trưng về sen không bền vững và chỉ có tính thời vụ.
May ra khu vực này dành cho người dân sinh sống ở đó ra chạy bộ, hít thở không khí”, TS.KTS Quy hoạch đô thị ĐH Paris Pantheon Nguyễn Việt Huy nêu ý kiến. KTS Đoàn Kỳ Thanh là người từng đề xuất một số ý tưởng phát triển không gian đi bộ Trịnh Công Sơn cho rằng phố đi bộ phải có không gian giao tiếp rộng hơn, không chỉ là chuyện chặn hàng rào ngăn cách xe cơ giới với người đi bộ.
Lãnh đạo UBND quận Tây Hồ thừa nhận lường trước được tình trạng vắng khách ngay khi triển khai khu phố đi bộ. “Chúng tôi đang đánh giá dự án sau một năm hoạt động, địa phương cũng gặp nhiều vướng mắc”, ông Nguyễn Đình Khuyến nói.
Thiếu vắng hoạt động là một trong những lí do khiến phố ngày càng èo uột. Chính quyền kêu khó bởi đầu tư cơ sở hạ tầng ban đầu, cắt cử nhân sự trực chốt ở khu vực này hàng tuần, hỗ trợ chương trình nghệ thuật nhưng không thể “bao thầu” tất cả nội dung khác.
Quận Tây Hồ mời một số doanh nghiệp nhưng họ e dè, bởi chưa nhìn thấy lợi ích cho các bên. Một đơn vị định tổ chức lễ hội hoa sen tháng 5 này tại đây, nay cũng xin rút vì không kêu gọi được kinh phí.