Phó Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng hàng không

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ GTVT tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm, trong đó có sân bay Long Thành, các dự án phát triển hạ tầng hàng không.

Ngày 6/8, Văn phòng Chính phủ ban hành thông báo truyền đạt kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại buổi làm việc với Bộ GTVT về tình hình giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư.

Theo nội dung thông báo, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu ngành GTVT cần tập trung tối đa cho công tác giải ngân vốn đầu tư công; chủ động thực hiện điều chuyển kế hoạch vốn năm 2020 giữa các dự án để đảm bảo tiến độ giải ngân; tăng cường trách nhiệm của các cấp, ngành, chủ thể liên quan đến các dự án đầu tư xây dựng từ Trung ương đến địa phương.

Các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ, cùng với Bộ GTVT tập trung, chủ động tháo gỡ những khó khăn liên quan đến cơ chế, thủ tục, bảo đảm giải ngân hết vốn đầu tư công theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời tập trung xây dựng chiến lược, qui hoạch phát triển ngành GTVT giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn để tập trung tổ chức thực hiện nhằm nâng cao năng lực hạ tầng giao thông Việt Nam.

Về nhiệm vụ trước mắt, Bộ GTVT cần tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm như: Đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Các dự án phát triển hạ tầng hàng không; tập trung triển khai các dự án quan trọng như: Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ, Bến Lức - Long Thành, đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, các dự án nâng cấp đường sắt Bắc - Nam, các dự án nâng cấp đường thủy nội địa và các dự án cấp bách khác.

Về nhiệm vụ trung hạn và dài hạn, Bộ GTVT cần tập trung rà soát điều chỉnh, bổ sung qui hoạch; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, các địa phương xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. 

Trong đó, đối với các dự án đường cao tốc, đường kết nối liên vùng cần xác định rõ nguồn vốn đầu tư (vốn ODA, vốn xã hội hóa...); làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng; nâng cao chất lượng dự án, thiết kế kỹ thuật...; khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.