Tags

phong tục Giáng Sinh

Tìm theo ngày
Khám phá những phong tục Giáng sinh ở các nước trên thế giới

Khám phá những phong tục Giáng sinh ở các nước trên thế giới

Giáng sinh là một trong những ngày lễ trọng đại được tổ chức theo nhiều cách khác nhau tùy vào phong tục và văn hóa của từng quốc gia. Để biết được những phong tục Giáng sinh ở các nước trên thế giới, hãy cùng tìm hiểu trong bài viết sau.

Tìm hiểu phong tục Giáng sinh ở các nước phương Tây

Về cơ bản, Giáng sinh là ngày lễ trọng đại của người Công giáo với mục đích kỷ niệm ngày ra đời của Chúa Giêsu. Trước đó, ngày lễ này chủ yếu được tổ chức ở các nước phương Tây, vì vậy các hoạt động trong ngày lễ Giáng sinh cũng bị ảnh hưởng ít nhiều bởi phong tục và truyền thống của các quốc gia này.

Đối với người châu Âu, Giáng sinh còn là dịp để mọi người đoàn tụ với gia đình và bày tỏ sự yêu thương, quan tâm tới những người thân, họ hàng, bạn bè.

Tùy vào văn hóa và tín ngưỡng mà mỗi đất nước phương Tây sẽ có những phong tục Giáng sinh khác nhau.

Dưới đây là một số phong tục Giáng sinh nổi bật nhất tại các quốc gia Châu Âu mà bạn có thể tham khảo:

Phong tục Giáng sinh ở Mỹ

Nước Mỹ là nơi hội tụ của đa dạng chủng tộc, văn hóa, xã hội, chính vì vậy mà quốc gia này có rất nhiều truyền thống và cách thức khác nhau để tổ chức lễ Giáng sinh.

Ngoài việc bị ảnh hưởng từ các nền văn hóa, người Mỹ cũng phát triển thêm các truyền thống và nghi lễ Giáng sinh của riêng họ và những điều này đã thay đổi rất nhiều theo thời gian.

Trong đó nổi bật nhất ắt hẳn phải kể đến hoạt động trang trí cây thông. Phong tục này không chỉ phổ biến ở Mỹ và các nước phương Tây mà còn được xem là một hoạt động không thể thiếu trong ngày lễ Giáng sinh.

Đối với nhiều hộ gia đình tại Mỹ, việc lựa chọn cây thông chính là bước đầu tiên để chuẩn bị cho lễ Giáng sinh. Quá trình này bao gồm việc dạo quanh hàng loạt cây thông và chọn ra một cây thông có vẻ đẹp thẩm mỹ tốt nhất. Sau đó, các gia đình sẽ trưng bày cây thông này trong nhà và trang trí chúng bằng các quả châu, dây kim tuyến, đèn LED và một ngôi sao sáng lấp lánh được đặt ngay trên đỉnh của cây thông.

Bên cạnh cây thông thì tất Noel cũng là một trong những biểu tượng đặc trưng của lễ Giáng sinh. Trong các ngôi nhà trên khắp nước Mỹ, mọi người có truyền thống treo những chiếc tất phía trên lò sưởi, đầu giường hoặc tay nắm cửa vào đêm Giáng sinh. Bởi vì người ta tin rằng ông già Noel sẽ đến từng nhà và để lại quà trong những chiếc tất đó.

Một phong tục Giáng sinh không kém phần thú vị ở Mỹ chính là gửi thiệp chúc mừng cho gia đình và bạn bè. Theo thống kế, chỉ tính riêng trong khoảng thời gian từ lễ Tạ ơn đến năm mới, Bưu điện nước Mỹ đã vận chuyển khoảng 15 tỷ bức thư và thiệp, cùng với khoảng 910 triệu bưu kiện.

Đặc biệt, tại Canada, các em nhỏ còn có thể viết những điều ước Giáng sinh của mình vào một bức thư và gửi đến cho ông già Noel trước ngày lễ thông qua mã bưu chính H0H 0H0. Thông thường, các bức thư này sẽ được trả lời bởi các nhân viên của dịch vụ bưu chính Canada.

Chiêm ngưỡng buổi lễ thắp sáng cây thông Noel cũng là một phong tục Giáng sinh độc đáo tại Mỹ. Truyền thống này bắt đầu từ năm 1923 khi ông Calvin Coolidge, Tổng thống thứ 30 của Mỹ tổ chức lễ thắp sáng cây thông quốc gia (National Tree Lighting Ceremony) đầu tiên.

Sự kiện này đã trở thành một phần thiết yếu của lịch sử Nhà Trắng và hiện là một truyền thống hàng năm. Ngày nay, các buổi lễ thắp sáng cây được tổ chức trên toàn thế giới, trong đó đáng chú ý nhất là lễ thắp sáng cây hàng năm tại Trung tâm Rockefeller.

Phong tục Giáng sinh ở Nga

Vào thế kỷ 20, với tư cách là một quốc gia theo chủ nghĩa cộng sản, vô thần, Nga bị cấm tổ chức lễ Giáng sinh công khai. Bởi vì rất nhiều người Nga được xác định là người vô thần, nên việc tuân thủ lễ Giáng sinh theo tôn giáo đã không còn hợp thời.

Tuy nhiên, kể từ khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, người Nga ngày càng quay trở lại với tôn giáo, chủ yếu là Giáo hội Chính thống giáo Nga. Tính đến nay, Giáng sinh đã được xem là một ngày lễ tôn giáo trọng đại tại nước Nga.

Giáng sinh ở Nga được tổ chức rộng rãi nhất vào ngày 7/1 bởi vì Giáo hội Chính thống Nga tuân theo lịch Julian, chậm hơn 13 ngày so với lịch thông thường.

Trong ngày 7/1 - ngày đầu tiên kỳ lễ Giáng sinh, mọi người sẽ bắt đầu dọn dẹp nhà cửa, cũng như chuẩn bị một bàn ăn cho đêm Giáng sinh với 12 món, trong đó nhất định không thể thiếu các món Pagach (chiếc bánh mì cỡ lớn) và Kutya (món tráng miệng làm từ ngũ cốc, nho khô, mật ong và hạt anh túc), món cháo đặc nấu từ lúa mì và nho khô hoặc đại mạch.

Ngoài ra, trong đêm Giáng sinh, người Nga còn có truyền thống đổi áo và đeo mặt nạ để không ai có thể nhận ra mình. Sau đó mọi người sẽ tổ chức các trò chơi và điệu nhảy truyền thống trong nhà hoặc trên đường phố.

Một phong tục Giáng sinh độc đáo khác tại Nga đó là người dân sẽ đi từ nhà này sang nhà khác để hát các bài đặc biệt ca ngợi gia chủ, chúc gia chủ mọi sự tốt lành và gia chủ sẽ tiếp đãi các vị khách này bằng những món ăn ngon hoặc quyên góp tiền cho các tổ chức từ thiện này.

Đáng chú ý, khác với ông già Noel tại các quốc gia khác được biết đến với bộ trang phục màu đỏ rực rỡ, ông già Tuyết trong ngày Giáng sinh ở Nga lại khoác lại mình một chiếc áo choàng màu xanh lộng lẫy và thường đi chung với một cháu gái của mình là Công chúa Tuyết. Cả hai sẽ cùng nhau dạo quanh phố phường để trao quà cho trẻ em.

Ông già Tuyết được Giáo hội Chính thống giáo Nga miêu tả như một nhân vật tốt bụng đem niềm vui ấm áp để xua tan sự lạnh giá của đêm Giáng sinh.

Phong tục Giáng sinh ở Đức

Đức là quốc gia có những phong tục Giáng sinh vô cùng ấn tượng và có ảnh hưởng to lớn đến cách tổ chức Giáng sinh tại các nước phương Tây.

Tại Đức, cả ngày 25/12 và 26/12 đều là những ngày nghỉ lễ hợp pháp và thường được gọi là ngày Giáng sinh lần thứ nhất và thứ hai. Các gia đình trong cả nước sẽ chuẩn bị cho ngày lễ này bằng cách trang trí vòng hoa Advent (Adventskranz) với bốn ngọn nến, một trong số đó được thắp sáng vào mỗi bốn ngày Chủ Nhật trước Giáng sinh.

Vào ngày 24/12, các doanh nghiệp đóng cửa để chuẩn bị cho Giáng sinh. Bên cạnh đó, các gia đình cũng bắt đầu trang trí cây cối, hát thánh ca, đọc câu chuyện về sự ra đời của Chúa Giêsu, tham dự thánh lễ tại các nhà thờ và mở quà vào đêm Giáng sinh (24/12).

Tiếp đến, trong ngày 25/12, thành viên trong các ​​gia đình và bạn bè sẽ đến nhà nhau để thăm hỏi và cùng nhau thưởng thức bữa ăn tối. Các món ăn Giáng sinh phổ biến tại Đức gồm có ngỗng nướng, vịt hoặc thỏ với khoai tây, bánh bao khoai tây hoặc mì Spätzle, cải bắp đỏ,... Đến ngày 26/12, gia đình và bạn bè sẽ tận hưởng ngày lễ Giáng sinh bằng cách thưởng thức các bộ phim Giáng sinh kinh điển.

Tương tự như lễ Giáng sinh tại các nước phương Tây khác, cây thông Noel cũng là một biểu tượng rất quan trọng ở Đức, chúng được sử dụng ở Đức vào cuối thời Trung Cổ. Theo truyền thống, cây thông Noel được mang vào nhà vào đêm Giáng sinh. Ở một số vùng của Đức, vào buổi tối, gia đình sẽ tụ họp xung quanh cây thông để đọc Kinh thánh và hát những bài hát Giáng sinh như O Tannenbaum, Ihr Kinderlein Kommet và Stille Nacht (Silent Night).

Ở Đức, ông già Noel được biết đến với tên gọi der Weihnachtsmann và là người mang những món quà Giáng sinh đến cho các em nhỏ vào ngày 24/12.

Ngoài việc hy vọng nhận được quà từ ông già Noel, một số trẻ em cũng hy vọng rằng “der Nikolaus” - Thánh Nicholas sẽ mang đến cho các bạn nhỏ một số món quà, chẳng hạn như kẹo và chocolate vào ngày 6/12 (Ngày Thánh Nicholas). Theo đó, trẻ em sẽ đặt giày của mình ở cửa ra vào và Thánh Nicholas sẽ đến để đặt quà vào giày của các bé vào đêm ngày 5/12 và ngày 6/12. Thánh Nicholas cũng có thể gõ cửa và các em nhỏ sẽ phải hát một bài hát, chơi một bài hát trên một nhạc cụ hoặc kể một câu chuyện cho Thánh Nicholas trước khi ông tặng quà cho chúng.

Phong tục Giáng sinh ở Thụy Điển

Giáng sinh ở Thụy Điển là sự pha trộn giữa các phong tục trong nước và nước ngoài đã được cải tiến và thương mại hóa thông qua quá trình chuyển đổi từ xã hội nông nghiệp sang thời hiện đại.

Ngày nay, hầu hết người Thụy Điển tổ chức lễ Giáng sinh theo cùng một cách và nhiều phong tục cũng như đặc sản địa phương đã biến mất.

Trong đó, phong tục Giáng sinh nổi tiếng nhất của người dân Thụy Điển chính là truyền thống trưng bày một chú dê khổng lồ bằng rơm tên Gävle vào ngày lễ này.

Hàng năm, chú dê Gävle cao 13m này sẽ được dựng lên ở quảng trường Gavle Castle và trở thành một biểu tượng không thể thiếu cho kì nghỉ lễ Giáng sinh tại Thụy Điển.

Trong suốt 50 năm tồn tại, chú dê khổng lồ Gävle từng bị xe hơi đâm hay bị phóng hỏa tới 37 lần. Điều này vẫn không thể ngăn cản niềm hân hoan của người Thụy Điển dành cho con vật trang trí độc đáo này. Người dân tại thị trấn vẫn tiếp tục cố gắng tìm mọi cách để bảo vệ con dê, ví dụ như bố trí lính canh, hàng rào, thậm chí phun nước để nó đóng băng và khó bị cháy hơn.

Ngoài ra, vào ngày lễ Giáng sinh các gia đình tại Thụy Điển thường quây quần bên nhau để thưởng thức những món ăn truyền thống như món smorgasbord, hỗn hợp trứng và cá cơm (gubbröra), bánh mì lúa mạch đen có hương vị rong biển (vörtbröd), và một món cá đặc biệt - lutfisk. Sau khi đã ăn uống no nê, ông già Noel sẽ đích thân đến để chúc mọi người một Giáng sinh vui vẻ và phân phát quà.

Kế đến, vào lúc 3 giờ chiều ngày Giáng sinh, người dân Thụy Điển sẽ bật TV để xem một loạt các cảnh phim Disney đã được trình chiếu từ những năm 1960 như một cách để tận hưởng ngày lễ.

Cuối cùng, vào ngày 13/1 (Ngày Thánh Knut), các gia đình sẽ tháo đồ trang trí xuống và nhảy múa quanh cây thông Noel trước khi ném nó ra ngoài cửa sổ.

Những phong tục Giáng sinh độc đáo ở các nước phương Đông

Trải qua quá trình hội nhập và phát triển, Giáng sinh không chỉ là một ngày lễ đặc trưng của phương Tây mà đã lan rộng và trở nên phổ biến hơn ở các nước phương Đông như Nhật Bản, Philippines, Việt Nam,...

Để biết được sự khác biệt trong cách tổ chức lễ hội tại các quốc gia Châu Á, bạn có thể tham khảo những phong tục Giáng sinh độc đáo ở các nước phương Đông sau đây:

Phong tục Giáng sinh ở Nhật Bản

Mặc dù Giáng sinh không phải là một ngày lễ quốc gia ở Nhật Bản (ước tính chỉ có 1% dân số theo đạo Thiên chúa, theo Tạp chí Smithsonian), người dân Nhật Bản vẫn nhiệt liệt chào đón và ăn mừng ngày lễ này theo cách riêng của mình.

Thay vì quây quần quanh bàn để ăn tối với gà tây, các gia đình tại Nhật sẽ đi ăn ở các cửa hàng gà rán KFC. Truyền thống này bắt đầu thịnh hành vào năm 1974 sau khi KFC tung ra một chiến dịch tiếp thị cực kỳ thành công có tên “Kurisumasu ni wa kentakkii!” - “Giáng sinh là phải có gà rán KFC”.

Vào ngày Giáng sinh, không khó để bạn bắt gặp cảnh tượng những hàng người đứng nối đuôi trước các cửa hàng KFC trên đường phố Nhật Bản. Nhiều người còn đặt chỗ trước từ tận cuối tháng 10 đến đầu tháng 11 để không phải tay không ra về vào ngày lễ này.

Trên thực tế, Giáng sinh ở Nhật Bản không mang nhiều màu sắc tôn giáo và không có ngày nghỉ lễ chính thức. Tuy nhiên, người Nhật vẫn hưởng ứng bầu không khí lễ hội nhộn nhịp này bằng cách treo đèn trang trí từ đầu tháng 12.

Người Nhật rất yêu thích các lễ hội Ánh sáng, đặc biệt là vào những dịp lãng mạn như Giáng sinh. Các trung tâm lớn ở Tokyo như ga Tokyo, Ikebukuro, Shinjuku, Shibuya, Roppongi… sẽ bố trí những màn trình diễn ánh sáng bằng đèn lồng hoặc hàng triệu bóng đèn LED được sắp xếp thành nhiều hình ảnh và chủ đề khác nhau, đôi khi còn có kèm thêm âm nhạc và đài phun nước.

Bên cạnh đó, tại các quảng trường và trung tâm mua sắm ở Nhật Bản đều được trang trí bằng những cây thông Noel rực rỡ. Một số nhân viên bán hàng sẽ hóa trang thành ông già Noel khi phục vụ khách hàng.

Đáng chú ý, không giống như phong tục gửi thiệp chúc mừng Giáng sinh như các quốc gia khác, người Nhật lại kiêng kị việc tặng hay gửi lời chúc cho nhau bằng những tấm thiệp đỏ vì họ quan niệm rằng chỉ những tờ cáo phó mới mang màu sắc đấy.

Do đó, người dân Nhật Bản sẽ tặng nhau tấm thiệp màu trắng như những bông tuyết, mang ý nghĩa tượng trưng cho sự trong sạch vào ngày lễ Giáng sinh.

Phong tục Giáng sinh ở Philippines

Nhắc đến phong tục Giáng sinh ở Philippines chắc chắn mọi người đều sẽ nghĩ đến lễ hội đèn lồng khổng lồ (Ligligan Parul Sampernandu). Lễ hội này được tổ chức hàng năm vào ngày thứ Bảy trước đêm Giáng sinh tại thành phố San Fernando, nơi được mệnh danh là “Thủ đô Giáng sinh của Philippines”.

Lễ hội Ligligan Parul Sampernandu thu hút khán giả từ khắp nơi trên đất nước và trên toàn cầu. Trong đó, mười một ngôi làng sẽ tham gia vào lễ hội và cố gắng xây dựng, thiết kế nên những chiếc đèn lồng tinh xảo, hoành tráng và phức tạp nhất.

Ban đầu, những chiếc đèn lồng là những sáng tạo đơn giản có đường kính khoảng nửa mét, được làm từ “papel de hapon” (giấy origami của Nhật Bản) và được thắp sáng bằng nến.

Ngày nay, những chiếc đèn lồng được làm từ nhiều loại vật liệu khác nhau và có kích thước lên tới khoảng 6 mét. Chúng được chiếu sáng bằng những bóng đèn điện lấp lánh trong kính vạn hoa có hoa văn.

Về phương diện tôn giáo, người Philippines còn có một phong tục Giáng sinh khác tên là Simbang Gabi hay Misa de Gallo. Hoạt động này bao gồm chuỗi chín thánh lễ bắt đầu sớm nhất là 4 giờ sáng vào những ngày trước lễ Giáng sinh để ăn mừng Mùa Vọng. Thánh lễ đầu tiên sẽ bắt đầu vào ngày 16/12 và kết thúc vào thánh lễ lúc nửa đêm ngày 24/12.

Truyền thống bắt nguồn từ khi Tây Ban Nha đô hộ Philippines trong hơn ba thế kỷ, sau khi Philippines giành được độc lập vào ngày 12/6/1898, phong tục này vẫn tiếp tục duy trì đến tận ngày nay.

Tiếp theo, sau khi ngày Simbang Gabi đầu tiên kết thúc, những người hát mừng Giáng sinh tại các cộng đoàn giáo xứ của địa phương sẽ đi từ nhà này sang nhà khác và hát những bài hát Giáng sinh để lan tỏa niềm vui của mùa lễ.

Thông thường, trẻ em trong khu phố thành lập các nhóm và hát những bài hát nổi tiếng như Jingle Bells, Silent Night và các bài hát Giáng sinh của người Philippines như Ang Pasko ay Sumapit.

Phong tục Giáng sinh ở Việt Nam

Giáng sinh ở Việt Nam được xem là một trong 4 lễ hội tôn giáo quan trọng hàng năm gồm Tết Nguyên đán, Tết Trung thu, lễ Phật đản.

Trên thực tế, Giáng sinh không chỉ được Cộng đồng người Công giáo tổ chức để kỷ niệm ngày lễ trọng đại mà còn được hưởng ứng như một dịp để người dân vui chơi, giải trí.

Mỗi năm vào ngày Giáng sinh, hình ảnh các cây thông Noel và đồ trang trí Giáng sinh bao phủ các trung tâm mua sắm và cửa hàng bách hóa ở khắp nơi trên đất nước, nhất là các khu vực trung tâm thành phố mang đến cho bạn bầu không khí lễ hội nhộn nhịp của mùa Giáng sinh.

Trong ngày lễ đặc biệt này, người Việt Nam thường tập trung tại các khu vực công cộng phổ biến để chụp hình và vui chơi, chẳng hạn như phố đi bộ Nguyễn Huệ ở Thành phố Hồ Chí Minh, nơi cả con phố được trang trí bằng hàng loạt các phụ kiện lấp lánh từ dây kim tuyến đến hoa giấy.

Bên cạnh đó, việc tổ chức ngày lễ Giáng sinh tại Việt Nam cũng bị ảnh hưởng bởi một số phong tục nổi tiếng trên thế giới, điển hình như các hoạt động trang trí nhà cửa, cây thông, tặng quà Giáng sinh và gửi thư cho ông già Noel.

Như đã đề cập ở trên, ngày Giáng sinh là một ngày lễ trọng đại của Thiên Chúa giáo, vì vậy việc đến nhà thờ vào đêm Giáng sinh (24/12) hoặc ngày Giáng sinh (25/12) chính là một truyền thống quan trọng để các Kitô hữu cùng nhau tôn vinh và thể hiện đức tin của mình.

Các thánh lễ vào lúc nửa đêm Giáng sinh diễn ra phổ biến ở khắp các giáo xứ Công giáo ở Việt Nam. Không chỉ những người theo đạo Thiên Chúa mà cả những người ngoại đạo đều tham dự vào các thánh lễ để chiêm ngưỡng không gian lộng lẫy của lễ hội.

Ngoài ra, việc trang trí hang đá Giáng sinh và treo đèn ngôi sao Giáng sinh cũng là những hoạt động để chào mừng ngày lễ thiêng liêng này của cộng đồng người Công giáo tại Việt Nam.

Đối với người Công giáo, ngày lễ Giáng sinh và hang đá Bêlem luôn gắn liền với nhau đến mức hình ảnh hang đá Giáng sinh đã trở thành một yếu tố không thể thiếu trong ngày Noel.

Cứ mỗi mùa Giáng sinh về, các gia đình Công giáo ở khu vực “xóm đạo” lại biến những con ngõ chật hẹp thành một “vương quốc hang đá mini” vô cùng lung linh.

Hoạt động này đã khiến cho việc trang trí hang đá trở thành một phong tục Giáng sinh đặc trưng tại Việt Nam. Vào ngày Giáng sinh mỗi năm, mọi người sẽ dạo quanh các khu vực “xóm đạo” và ngắm nhìn những tiểu cảnh hang đá ấn tượng, độc đáo như một cách để ăn mừng ngày lễ đặc biệt này.