Vì sao người Nhật ăn gà rán KFC vào Giáng sinh?

Ngày bé, Naomi luôn mong chờ bữa tối Giáng sinh truyền thống của gia đình: Một "xô" KFC với đầy đủ salad, bánh kem và rất nhiều gà rán.

"Ở Nhật Bản, ăn gà vào dịp Giáng sinh đã trở thành truyền thống", cô gái 30 tuổi ở Hokkaido nói. "Hàng năm, tôi đều gọi một 'xô' KFC và thưởng thức nó cùng gia đình. Tôi thích món gà thơm ngon và chiếc đĩa in hình xinh xắn đi kèm như một món quà".

Naomi và gia đình không phải là những người Nhật hiếm hoi thích ăn gà rán vào tối Giáng sinh. Theo số liệu được chuỗi đồ ăn nhanh nổi tiếng của Mỹ công bố, KFC Nhật Bản đã thu về 6,9 tỉ yen (khoảng 63 triệu USD) chỉ trong 5 ngày, từ 20 đến 25/12/2018. Ngày đông khách nhất của KFC Nhật Bản thường là 24/12, doanh số gấp 5-10 lần so với ngày thường.

"Khi Giáng sinh đến gần, quảng cáo KFC trên TV trông thật ngon. Chúng tôi đặt hàng sớm, sau đó ra cửa hàng theo thời gian đã hẹn để nhận đồ của mình", Naomi kể. "Những người chưa đặt trước sẽ phải xếp hàng dài suốt nhiều giờ".

Vì sao người Nhật ăn gà rán KFC vào Giáng sinh? - Ảnh 1.

Phần gà rán Giáng sinh của KFC Nhật Bản gồm salad, gà rán và bánh kem. (Ảnh: KFC Japan).

Để hiểu vì sao món gà rán đồng nghĩa với Giáng sinh ở Nhật Bản, cần phải quay ngược thời gian về vài thập kỉ trước. Sau khoảng thời gian khó khăn sau Thế chiến II những năm 1940 và 1950, kinh tế Nhật Bản bắt đầu cất cánh.

"Sức mạnh kinh tế tăng vọt và mọi người lần đầu có tiền để thỏa mãn văn hóa mua sắm", Ted Bestor, giáo sư về Nhân học Xã hội tại Đại học Harvard, người đã nghiên cứu về ẩm thực và văn hóa Nhật Bản 50 năm, cho biết. "Vì Mỹ là một cường quốc văn hóa vào thời gian đó, mọi người rất quan tâm đến thời trang, ẩm thực và các chuyến du lịch phương Tây. Nhật Bản thực sự đã mở cửa".

Trong giai đoạn toàn cầu hóa nhanh chóng này, ngành công nghiệp thức ăn nhanh của Nhật Bản cũng tăng mạnh 600% từ năm 1970 đến 1980, theo bộ phim tài liệu năm 1981 "Colonel Comes to Japan" (Đại tá Sanders đến Nhật Bản) của đạo diễn John Nathan.

Giáng sinh không phải là ngày lễ truyền thống tại Nhật Bản, nơi chỉ có chưa đến 1% dân số theo Công giáo. Vào năm 1970, khi KFC, viết tắt của Gà rán Kentucky, mở chi nhánh đầu tiên tại Nhật Bản ở Nagoya, nhiều người vẫn chưa có thói quen tụ họp gia đình vào dịp lễ này.

Năm 1974, KFC tung ra chương trình marketing "Kentucky for Christmas" và những "xô" gà rán đầu tiên xuất hiện ngay sau đó. Đến năm 1981, KFC đã có 324 cửa hàng tại Nhật Bản, tương đương mỗi năm mở thêm 30 cửa hàng, và thu về khoảng 200 triệu USD. Các bức tượng bằng kích cỡ người thật của Harland Sanders, người sáng chế ra món gà rán, xuất hiện trước các cửa hàng để chào đón người dân địa phương và du khách khắp nước này.

"Bỗng nhiên, KFC có mặt ở mọi nơi", ông Bestor nhớ lại.

Vì sao người Nhật ăn gà rán KFC vào Giáng sinh? - Ảnh 2.

Hãng hàng không Japan Airlines kết hợp với KFC phục vụ món gà rán cho các hành khách bay vào ngày Giáng sinh năm 2012. (Ảnh: AFP).

Có những lí giải khác nhau cho việc gà rán trở thành món đặc trưng tại Nhật Bản dịp Giáng sinh. Theo KFC, Takeshi Okawara, quản lí của cửa hàng đầu tiên tại Nhật Bản, sau đó trở thành CEO của KFC ở nước này, đã nhìn thấy cơ hội kinh doanh khi hóa trang thành ông già Noel tại một bữa tiệc Giáng sinh và được trẻ em rất yêu thích.

Những năm 1970, 1980, quảng cáo của KFC vào Giáng sinh cho thấy hình ảnh một gia đình đang thưởng thức món gà rán vàng óng trên nền bài hát "My Old Kentucky Home".

"Bất kì ai lớn lên ở Mỹ sẽ biết ngay rằng 'Ngôi nhà cũ của tôi ở Kentucky' không phải là một bài hát mừng Giáng sinh", ông Bestor nói. "Nhưng chiến dịch quảng cáo thực sự đẹp mắt này đã kết nối món gà rán với Giáng sinh, cũng như kết nối Giáng sinh với ý tưởng tiêu thụ thực phẩm xa xỉ. Rõ ràng, ý tưởng này đã thành công".

Quảng cáo như trên đã định hình việc ăn gà rán là một cách để ăn mừng Giáng sinh theo phong cách Mỹ, dù điều đó không hoàn toàn đúng với thực tế.

"Quảng cáo mùa lễ hội là lí do đầu tiên khiến tôi muốn ăn KFC vào dịp Giáng sinh", Shuho Inazumi, một thủ thư sống ở Iwakuni trên đảo Honshu, nói. "Tôi đến từ vùng nông thôn và không có nhiều cửa hàng gà rán ở đây. Vì vậy KFC được xem là tuyệt vời".

Tuy nhiên, ngoài chiến dịch quảng cáo, ông Bestor cho hay món gà rán của KFC thành công cũng là nhờ tương đồng với một món ăn truyền thống của Nhật Bản, gọi là karaage, gồm những miếng cá hay gà tẩm bột chiên giòn. Việc chia sẻ một "xô" đựng gà rán, salad và bánh ngọt cũng phù hợp với văn hóa ăn tối của người Nhật.

"Chia sẻ đồ ăn là một thói quan xã hội quan trọng ở Nhật Bản. Vì thế một 'xô' gà rán vừa có hương vị quen thuộc vừa đáp ứng mong muốn được ăn cùng nhau", ông Bestor nói.

Vì sao người Nhật ăn gà rán KFC vào Giáng sinh? - Ảnh 3.

Một người đàn ông mua gà rán cho gia đình vào trước lễ Giáng sinh năm 2015 ở Tokyo. (Ảnh: AFP).

Năm nay, các gói gà rán Giáng sinh vẫn phổ biến nhưng một số người Nhật bắt đầu có những cách đón Giáng sinh mới mẻ hơn.

"Khi mua KFC Giáng sinh, tôi không có nhiều lựa chọn thực phẩm vào ngày lễ", Inazumi nói. "Bây giờ tôi có thể tìm công thức thịt bò nướng, giăm bông và gà nướng trên mạng, tổ chức tiệc chung với bạn bè hoặc ăn một bữa tiệc Giáng sinh tại khách sạn".

Còn với Naomi, ăn gà rán là truyền thống mà cô chưa muốn từ bỏ. "Hiện giờ tôi chưa có con nhưng đây là truyền thống mà gia đình tôi hi vọng duy trì trong tương lai".


chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.