Tin nhắn bí ẩn trên mạng trong vụ bé gái Việt chết ở Nhật | |
Cái chết của bé gái người Việt và câu hỏi để trẻ đến trường một mình có an toàn? |
Nhật Bản cấm việc sản xuất và phân phối các sản phẩm khiêu dâm trẻ em từ năm 1999. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê, tội phạm liên quan đến lạm dụng tình dục trẻ em được cho là đang gia tăng ở Nhật Bản. Năm 2013, cảnh sát phát hiện 1.644 vụ, tăng 10 lần so với một thập niên trước, theo BBC.
Dư luận Nhật Bản nhiều lần sốc trước các vụ bắt cóc bé gái, xâm hại tình dục và thậm chí giết chết nạn nhân.
Các vụ bắt cóc, xâm hại trẻ gây chấn động
Vụ bé gái người Việt Lê Thị Nhật Linh, 9 tuổi, ở thành phố Abiko, Chiba, bị bắt cóc và sát hại trên đường đi học đang khiến dư luận nước này bàng hoàng. Kết quả khám nghiệm tử thi ban đầu xác định nạn nhân nhiều khả năng tử vong do bị siết cổ đến ngạt thở. Cô bé cũng có một số vết thương nhỏ trên tay và chân. Nhà chức tranh Nhật cũng cho biết bé Linh có dấu hiệu nghi bị xâm hại tình dục trước khi bị sát hại.
Trước đó, Nhật Bản ghi nhận nhiều vụ việc thương tâm tương tự.
Ngày 11/9/2014, Ikuta Mirei, học sinh lớp 1 ở thành phố Kobe mất tích. Vài ngày sau, cảnh sát phát hiện các phần thi thể của em trong một túi lớn trong rừng, cách nhà cô bé chỉ 150m. Kết quả kiểm tra ADN sau đó xác nhận đó là thi thể của bé gái 6 tuổi này. Ngày 24/9/2014, cảnh sát bắt giữ Yasuhiro Kimino, 47 tuổi, vì liên quan tới vụ bắt cóc và sát hại bé Mirei.
Tên Kimino khai nhận đã siết cổ, giết chết Mirei sau khi dụ cô bé vào nhà hắn. Tuy nhiên, y không thừa nhận có ý định dâm ô với Mirei. Khám sát nhà tên này, cảnh sát tịch thu nhiều video khiêu dâm. Điều này làm dấy lên nghi ngờ y đã xâm hại tình dục Mirei trước khi sát hại cô bé. Kimino lĩnh án tử hình tháng 3/2016.
Một vụ án chấn động khác xảy ra vào ngày 17/11/2014 khi Kaoru Kobayashi, nhân viên giao báo 36 tuổi, đã bắt cóc Kaede Ariyama, học sinh trường tiểu học Tomio North, khi em đi học về. Vụ bắt cóc xảy ra gần đồn cảnh sát phía tây tỉnh Nara.
Sau khi bắt cóc em nhỏ, Kobayashi thậm chí còn lấy điện thoại di động của Ariyama gửi ảnh cho mẹ cô bé kèm lời nhắn: "Tôi đang giữ con gái cô".
Kaoru Kobayashi. Ảnh: Japan Times |
Kobayashi giết bé Ariyama và vứt xác em trong thị trấn Heguri, quận Ikoma thuộc Nara. Người ta tìm thấy thi thể em nhỏ ngay trong đêm hôm đó. Khám nghiệm tử thi cho thấy nguyên nhân khiến Ariyama tử vong là bị dìm nước. Cảnh sát nhận định, kẻ thủ ác đã dìm em vào bồn rửa mặt hoặc bồn tắm. Có vẻ như Ariyama bị lột áo quần trước khi bị sát hại và sau đó được mặc lại.
Ngày 30/12/2004, Kobayashi bị bắt về tội bắt cóc trẻ em. Trong quá trình khám xét phòng ngủ tên này, cảnh sát thu giữ một video và một tạp chí với nhiều hình ảnh khiêu dâm trẻ em cùng nhiều đồ lót trẻ em gái. Đây là những bằng chứng cho thấy Kobayashi chính là một kẻ ấu dâm.
Ngày 21/2/2013, Kobayashi bị hành quyết bằng hình thức treo cổ.
Văn hóa manga và anime
Trong hai vụ án bắt cóc và xâm hại trẻ em gây chấn động dư luận Nhật Bản năm 2014, những tên yêu râu xanh đều tàng trữ những video, tạp chí có nội dung khiêu dâm. Số lượng tội phạm tàng trữ hình ảnh khiêu dâm trẻ em đang ngày càng tăng ở quốc gia này.
Tại Nhật, người ta vẫn chưa có định nghĩa cụ thể về đâu là một sản phẩm bị coi là khiêu dâm. Trong khi đó, truyện tranh và phim hoạt hình hay còn gọi manga và anime của Nhật Bản là một ngành công nghiệp văn hóa lớn và nổi tiếng trên toàn thế giới. Nhưng những sản phẩm này thường chứa cốt truyện và hình ảnh gợi dục.Yếu tố khiêu dâm là một phần làm nên thành công của ngành công nghiệp manga khổng lồ của Nhật Bản, tạo ra khoảng 3,6 tỷ USD doanh số bán hàng hàng năm, theo BBC.
Truyện tranh với hình minh họa nhạy cảm được bày bán ở nhiều cửa hàng tiện ích hay các ga tàu. Và khi điện thoại thông minh trở nên phổ biến, chuyện đàn ông Nhật đọc truyện tranh và tạp chí có hình ảnh phụ nữ khỏa thân khi đang đi làm là điều không hiếm.
Nhiều người Nhật coi tranh ảnh hay tạp chí có nội dung nhạy cảm là một phần của xã hội và làm ngơ trước những nội dung khiêu dâm cực đoan, thường giảm giá trị của phụ nữ và khiến vấn đề tình dục của giới trẻ trở nên lệch lạc.
Những tấm áp phích in hình các cô gái trẻ có phong cách như trong truyện tranh ở khu mua sắm Akihabara, Tokyo. Ảnh: Getty |
Tại Nhật, người ta còn dùng cụm từ “rorikon”, viết tắt của cụm từ “Lolita complex" (tạm dịch là “hội chứng Lolita”) để mô tả sự chú ý tới các cô gái trẻ (phần lớn là bé gái) có sức hấp dẫn về tình dục. “Rorikon” xuất hiện nhiều ở khu mua sắm Akihabara ở Tokyo, một trong những điểm thu hút khách du lịch hàng đầu của thành phố. Khách du lịch nước ngoài và người dân địa phương có thể nhìn thấy bóng dáng “rorikon” trong những poster kiểu nhân vật hoạt hình, áo sơ mi và thậm chí cả búp bê nhựa có thân hình đồng hồ cát.
Một số nhà phê bình cho rằng "rorikon” tác động tới hành vi lạm dụng tình dục trẻ em. Trong khi đó, những người khác bác bỏ khi cho rằng điều này hoàn toàn không có cơ sở chứng minh.
Những bộ luật chưa trọn vẹn
Tháng 6/2014, Nhật ban hành lệnh cấm tàng trữ hình ảnh khiêu dâm trẻ em, đưa ra án tù 1 năm giam giữ và phạt tiền lên đến 10.000 USD đối với các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, quyết định vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của nghệ sĩ và các nhà xuất bản manga và anime.
Trước áp lực phản đối gay gắt, giới chức tuyên bố lệnh cấm không có hiệu lực đối với phim hoạt hình và truyện tranh nghệ thuật. Nhóm người phản đối giải thích rằng những mô tả về tình dục trong manga và anime là “tưởng tượng” và “không ảnh hưởng thực sự tới trẻ em”.
"Mọi người đều biết rằng lạm dụng tình dục trẻ em không phải là điều tốt, nhưng cảm xúc thì không có hại, do đó, đọc truyện tranh hay xem phim hoạt hình khiêu dâm không nên bị cấm”, một người phản đối lệnh cấm cho hay.
Việc luật mới không áp dụng cho truyện tranh và phim hoạt hình được coi là sự nhượng bộ đối với ngành công nghiệp giải trí và xuất bản phát triển mạnh của nước này. Và có thể là kẽ hở đẩy số lượng tội phạm tình dục trong đó có ấu dâm gia tăng.
Năm 2011, chính quyền Tokyo cấm bán các sản phẩm tình dục liên quan tới trẻ em. Nhưng lệnh cấm không bao gồm các chi tiết ít được định nghĩa rõ ràng, như “thần tượng trẻ tuổi” (thường là bé gái 12,13 tuổi chụp ảnh khiêu gợi cho các tạp chí) có liệt vào danh sách các sản phẩm tình dục trẻ em hay không.
Những cuốn truyện tranh Nhật Bản. Ảnh: BBC |
Dù giới chức cho rằng không có mối liên hệ giữa anime, manga và lạm dụng trẻ em, Nhật Bản đang đối mặt với vấn đề "nghiêm trọng" liên quan tới vấn nạn này, theo một báo cáo do Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật (NPA) đưa ra hồi tháng 3/2014.
Báo cáo cho biết số nạn nhân trẻ em bị lạm dụng tăng 20% trong khoảng thời gian từ năm 2011 đến năm 2012, trong khi số vụ bắt giữ và số ca tử vong ở mức cao nhất kể từ khi cơ quan này bắt đầu thống kê vào năm 1999. Đồng thời, số vụ kiện hình sự liên quan tới khiêu dâm trẻ em đã tăng lên đến 1.596 vụ, mức cao nhất từng được ghi nhận. 85% vụ có liên quan đến Internet.
Những số liệu này được thu thập khi Bộ Ngoại giao Mỹ “dán nhãn” Nhật Bản là một "trung tâm quốc tế" chuyên sản xuất và buôn bán các nội dung khiêu dâm trẻ em.
"Trong khi NPA vẫn cho rằng không có mối liên hệ giữa hình ảnh anime và nạn nhân trẻ em, các chuyên gia khác cho rằng trẻ nhỏ sẽ bị tổn hại trước một nền văn hóa dường như chấp nhận chuyện lạm dụng tình dục trẻ em", CNN dẫn báo cáo cho hay.
Thời sự 15:01 | 26/05/2017
Thời sự 14:40 | 07/05/2017
Thời sự 04:02 | 05/05/2017
Thời sự 17:28 | 03/05/2017
Thời sự 03:21 | 03/05/2017
Thời sự 02:04 | 24/04/2017
Thời sự 07:50 | 21/04/2017
Thời sự 03:17 | 21/04/2017