PMI Việt Nam tháng 7 đạt 47,6 điểm, các điều kiện kinh doanh suy giảm đầu quí 3

Báo cáo định kì về chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 7 của Việt Nam có một số điểm đáng lưu ý như: Sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới giảm sau khi tăng trong tháng 6, việc làm tiếp tục giảm và các doanh nghiệp vẫn lạc quan về sản lượng trong tương lai .

Báo cáo tháng 7 mới được IHS Markit công bố cho thấy chỉ số PMI tháng 7 của Việt Nam đạt 47,6 điểm, giảm 3,5 điểm so với 51,1 điểm của tháng 6. Các điều kiện kinh doanh cũng suy giảm suốt 5 trong 6 tháng qua.

PMI Việt Nam tháng 7 đạt 47,6 điểm, các điều kiện kinh doanh suy giảm đầu quí 3 - Ảnh 1.

Sau khi tăng trưởng trở lại trong tháng 6, lĩnh vực sản xuất của Việt Nam sụt giảm vào tháng 7 khi cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều giảm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã tiếp tục ảnh hưởng đến các điều kiện kinh doanh. Việc làm cho người lao động cũng tiếp tục giảm cùng với sự sụt giảm của hoạt động mua bán.

Tốc độ tăng chi phí đầu vào vẫn tương đối yếu, trong khi áp lực cạnh tranh khiến các doanh nghiệp phải giảm giá cả đầu ra.

Dữ liệu của tháng 7 cho thấy sản lượng ngành sản xuất giảm nhẹ sau khi có sự tăng trưởng trở lại trong tháng trước. Tuy nhiên, mức độ giảm nhẹ hơn nhiều so với giai đoạn suy thoái tồi tệ vừa qua. 

Những người trả lời khảo sát cho biết đại dịch Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động, khi số lượng đơn đặt hàng mới được báo cáo giảm. Cả lĩnh vực sản xuất hàng hóa trung gian và hàng hóa đầu tư cơ bản đều giảm sản lượng, trong khi lĩnh vực sản xuất hàng hóa tiêu dùng có sản lượng tăng.

Cũng như sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới giảm sau khi tăng trong tháng 6. Tổng số lượng đơn đặt hàng mới đã giảm do số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm mạnh, và nguyên nhân được cho là do những hạn chế đi lại và nhu cầu ở các thị trường xuất khẩu giảm vì đại dịch Covid-19.

Với số lượng đơn đặt hàng mới giảm, các doanh nghiệp có thể giảm lượng công việc tồn đọng trong tháng 7. Lượng công việc chưa thực hiện giảm sáu tháng liên tiếp, với mức độ cao hơn so với thời kì khảo sát trước.

Khối lượng công việc giảm được cho là nguyên nhân dẫn đến việc làm tiếp tục giảm, và một số công nhân được cho là đã quyết định nghỉ việc để tìm các cơ hội việc làm khác. Việc làm tiếp tục giảm mạnh ở cả ba lĩnh vực thị trường khảo sát.

Với tình trạng giảm việc làm, các nhà sản xuất đã giảm hoạt động mua hàng, tồn kho hàng hóa đầu vào và tồn kho hàng thành phẩm vào đầu quí 3. Trong tất cả các trường hợp, tình trạng giảm đã diễn ra trong tháng 7 sau khi tăng trong tháng 6 được cho là do số lượng đơn đặt hàng mới giảm.

Thời gian giao hàng của nhà cung cấp đã bị kéo dài trong suốt tám tháng. Khó khăn trong việc nhận hàng từ Trung Quốc và những vấn đề của vận tải đường biển được cho là nguyên nhân dẫn đến kéo dài thời gian giao hàng gần đây.

Tình trạng thiếu hụt nguyên vật liệu đã góp phần làm tăng chi phí đầu vào tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 7. Tuy nhiên, tốc độ tăng giá vẫn chậm.

Trong khi đó, giá đầu ra đã giảm tháng thứ sáu liên tiếp. Mức giảm gầy đây nhất là nhẹ nhưng vẫn mạnh hơn so với tháng 6. Theo các thành viên nhóm khảo sát, giảm giá bán hàng thường là do áp lực cạnh tranh.

Mặc dù sản lượng giảm trong tháng 7, các doanh nghiệp vẫn lạc quan về triển vọng sản lượng trong 12 tháng tới. Tâm lí kinh doanh chỉ giảm nhẹ so với tháng trước. Theo những người trả lời khảo sát, kì vọng cải thiện nhu cầu thị trường và số lượng đơn đặt hàng mới dẫn đến tâm lạc quan về sản lượng.

Bình luận về kết quả khảo sát mới đây, Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại IHS Markit, nói: “Sự hồi phục của lĩnh vực sản xuất Việt Nam đã có bước lùi trong tháng 7, một diễn biến đáng thất vọng khi tháng 6 đã chứng kiến tăng trưởng trở lại. Dữ liệu cho thấy ảnh hưởng tiếp theo của đại dịch Covid-19 với nền kinh tế, khi rất khó có được đơn đặt hàng xuất khẩu mới do những hạn chế đi lại và dịch bệnh tiếp tục bùng nổ ở một số thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, tình trạng giảm sản lượng là tương đối nhẹ so với mức giảm sâu gần đây, và mối quan hệ lịch sử giữa PMI với dữ liệu sản lượng chính thức cho thấy sản lượng đang tăng gần 10% năm”.

Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất tại Việt Nam được IHS Markit thu thập từ trả lời cho các câu hỏi hàng tháng gửi cho các nhà quản trị mua hàng của 400 doanh nghiệp. Nhóm khảo sát được phân chia theo lĩnh vực và qui mô lao động của công ty, dựa trên đóng góp vào GDP. 

Chỉ số PMI là số bình quân gia quyền của năm chỉ số sau: Đơn đặt hàng mới (30%), Sản lượng (25%), Việc làm (20%), Thời gian giao hàng của nhà cung cấp (15%) và Tồn kho hàng mua (10%).

 Dữ liệu tháng 7 được thu thập từ ngày 13-23/7.

chọn
5 điểm nổi bật trong quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030
Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh được quy hoạch lên thành phố trực thuộc Trung ương đến năm 2050. Cùng điểm qua những điểm nổi bật về quy hoạch tỉnh này thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.