PVN mua gần 800.000 tấn than không rõ nguồn gốc cho Nhiệt điện Vũng Áng 1

PVN và các đơn vị trực thuộc mua 800.000 tấn than NK và nội địa trị giá hơn 1.500 tỷ đồng từ Công ty Hoành Sơn.
pvn mua gan 800000 tan than khong ro nguon goc cho nhiet dien vung ang 1
Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 của PV Power - PVN, nơi xảy ra sai phạm mua than trái Chỉ thị của Thủ tướng.

Kết luận Thanh tra của Bộ Công Thương được công bố trong các đơn vị của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho thấy, thương vụ mua bán số lượng than lớn tới hơn 1.500 tỷ đồng phục vụ cho nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 bộc lộ nhiều sai phạm của PVN.

Theo đó, ngày 26/8/2015, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị chỉ đạo EVN và PVN mua than phục vụ sản xuất điện từ nguồn than trong nước do TKV và Tổng công ty Đông Bắc sản xuất.

Trước đó, theo kiến nghị của Tổng Công ty Điện lực Dầu khí (PV Power) gửi PVN về giải pháp cấp than cho vận hành thương mại Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 (NMNĐ Vũng Áng 1) khi chưa ký được hợp đồng với TKV, PVN đã đồng ý để Ban QLDA Nhiệt điện Vũng Áng 1 làm việc với Công ty Hoành Sơn về cung cấp than cám 5aHG cho NMNĐ Vũng Áng 1 cho đến khi đạt được thỏa thuận với TKV.

Trên cơ sở đó, PVN cho phép Ban QLDA ký kết hợp đồng với Công ty Hoành Sơn để mua bổ sung than phục vụ vận hành NMNĐ Vũng Áng 1 năm 2015.

Đáng chú ý, sau khi có Chỉ thị của Thủ tướng, ngày 6/11/2015, ông Nguyễn Quốc Khánh - Tổng Giám đốc PVN vẫn có Công văn đồng ý đề xuất ký Phụ lục bổ sung hợp đồng mua than với Công ty Hoành Sơn. Việc mua bán than với Hoành Sơn vẫn được thực hiện đến năm nay 2017.

Mặc dù việc mua bán than với đối tác ngoài không được báo cáo chính thức cho Bộ Công thương, nhưng trong thương vụ này, lãnh đạo Bộ Công thương vẫn ủng hộ.

Cụ thể, hồi tháng 3/2016, trong một văn bản gửi PVN, một Thứ trưởng đã đồng ý để nhà máy điện Vũng Áng 1 được thanh toán chi phí than đã mua từ nguồn khác.

Tháng 1/2017, Thứ trưởng này cũng ký công văn cho phép PV Power được mua than từ Cty Hoành Sơn và EVN được phép thanh toán cho PV Power chi phí mua than từ công ty Hoành Sơn, tổng khối lượng than mua không vượt quá 900.000 tấn và giá không cao hơn giá chào bán của TKV.

Việc này chỉ được phát hiện và ngăn chặn vào tháng 2/2017 khi Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trực tiếp ký văn bản gửi PVN, TKV, EVN và PV Power yêu cầu thực hiện đúng tinh thần Chỉ thị của Thủ tướng.

Đến lúc này thì khối lượng than mà Nhiệt điện Vũng Áng 1 mua của Hoành Sơn đã lên tới gần 800.000 tấn, với giá hơn 1.500 tỷ đồng.

Theo kết luận Thanh tra, trước khi có Chỉ thị của Thủ tướng thì từ năm 2012, Bộ Công thương đã ban hành Đề án cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện, trong đó Nhiệt điện Vũng Áng 1 nằm trong danh sách các nhà máy sử dụng than trong nước.

Tuy nhiên, trong các báo cáo gửi Bộ Công thương, PVN đã không thể hiện việc mua than nhập khẩu của Hoành Sơn.

Sau khi có Chỉ thị của Thủ tướng và văn bản chỉ đạo của Bộ Công thương, PVN vẫn tiếp tục cho ký các phụ lục hợp đồng, để mua thêm 600.000 tấn than của Hoành Sơn.

Về phía Hoành Sơn, công ty này đã không xuất trình được các giấy tờ chứng minh nguồn gốc than nội địa. Ngoài ra, việc giao nhận than không đủ sản lượng theo hợp đồng, dẫn đến khối lượng than quy ẩm bàn giao chỉ đạt 791.000 tấn, tương ứng gần 88% so với sản lượng ký kết.

Những sai phạm này, theo Bộ Công thương, có trách nhiệm của chính lãnh đạo Bộ này mà, trách nhiệm của PVN, PV Power, PV Power Hà Tĩnh và Ban QLDA Nhiệt điện Vũng Áng 1.

Đối với riêng PVN, các sai phạm diễn ra ở thời kỳ 2 Tổng Giám đốc là ông Nguyễn Quốc Khánh và ông Nguyễn Vũ Trường Sơn. Hai người này đều được bổ nhiệm trong hơn một năm cuối nhiệm kỳ của ông Vũ Huy Hoàng - cựu Bộ trưởng Bộ Công thương. Hiện nay, ông Khánh đã được điều chuyển công tác về Bộ Công Thương, ông Sơn giữ ghế Tổng Giám đốc kiêm nhiệm chức vụ Chủ tịch PVN.

Theo yêu cầu của Bộ Công thương tại Kết luận thanh tra, việc xử lý sai phạm theo kết luận phải được thực hiện và báo cáo kết quả về Bộ Công thương trước ngày 30/10 tới, tức chỉ còn hơn 10 ngày nữa.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.