Mới đây, Adecco Việt Nam đã công bố kết quả khảo sát tình hình việc làm tại Việt Nam quí II dựa trên ý kiến của 330 chuyên gia trong lĩnh vực nhân sự. Kết quả cho thấy nhu cầu tuyển dụng đã giảm 20% so với quí trước đó, chủ yếu đến từ các doanh nghiệp FDI và công ty địa phương.
Giai đoạn tháng 4 là thời điểm nhiều tỉnh, thành cả nước triển khai giãn cách xã hội. Các tháng tiếp theo là giai đoạn nới lỏng các biện pháp giãn cách. Chính vì thế, nhu cầu tuyển dụng phần lớn đến từ các công ty chuẩn bị gia nhập thị trường Việt Nam.
Bên cạnh mặt nhân sự, khảo sát của Adecco Việt Nam tiết lộ doanh thu của 93% công ty giảm bởi dịch bệnh, trong đó 43% doanh nghiệp mất 21%-40% doanh thu.
Về phân ngành, nhóm F&B chịu thiệt hại lớn khi 57% doanh nghiệp trong ngành cho biết doanh thu giảm trong thời gian khảo sát. Tỉ lệ này ở ngành bất động sản là bất động sản là 56% và sản xuất là 44%.
"Lĩnh vực sản xuất chịu tác động mạnh, đặc biệt là các công ty kinh doanh nội thất, dệt may và da giày có thị trường ở châu Âu và Bắc Mỹ. Nhóm ngành khách sạn và F&B đối mặt với tỉ lệ sa thải cao nhất và chỉ duy trì chi phí hoạt động ở mức tối ưu nhất. Do đó việc tuyển dụng ở những nhóm ngành này bị tạm ngừng", Ông Nguyễn Hoàng Thanh Chương, Phó Giám đốc bộ phận tuyển dụng TP HCM của Adecco Việt Nam cho biết.
Ngoài ra, 58% số doanh nghiệp lựa chọn việc ngừng tiếp nhận nhân sự mới trong quí, dẫn đến tỉ lệ thất nghiệp tăng cao. Doanh nghiệp lớn có tỉ lệ ngừng đón nhân sự mới cao hơn (75%) so với những doanh nghiệp vừa và nhỏ (50% - 56%).
Với những vị trí nhân sự cấp cao, mức biến động càng lớn. Một lượng lớn đơn ứng tuyển các vị trí quản lí đang chờ xét duyệt, cho thấy tình hình quí III vẫn chưa có sự cải thiện rõ rệt. Thống kê của Adecco Việt Nam cho thấy số lượng đơn xin việc vào vị trí cấp cao gấp đôi so với thời gian trước dịch bệnh.
Tuy nhiên, trong tình hình khó khăn thì vẫn có những điểm sáng. Nhóm ngành sản phẩm nông nghiệp, nông nghiệp, dụng cụ và hóa chất thậm chí còn tăng số lượng tuyển dụng 10%-20% ở vị trí bán hàng. Trong khi đó các ngành công nghệ, chăm sóc sức khỏe và hàng tiêu dùng cũng cho thấy nhu cầu tuyển dụng tăng trưởng 10%-15% ở vị trí bán hàng và chuyên viên kĩ thuật.
"Trong quí II năm nay, các chuyên gia trong nước được săn đón nhiều hơn so với các chuyên gia nước ngoài, một phần nguyên nhân từ việc hạn chế đi lại giữa các quốc gia. Mặt bằng lương, nhìn chung cũng thấp hơn so với năm 2019 bất chấp việc tại Hà Nội, một số công ty công nghệ cao vẫn khan hiếm nhân sự", bà Nguyễn Thu Hà, Giám đốc Văn phòng Hà Nội của Adecco Việt Nam, chia sẻ.
Cũng theo kêt quả khảo sát, 31% số doanh nghiệp sẽ phục hồi trong 1-3 tháng tới và 29% phục hồi trong 3-6 tháng. Khi hoạt động kinh tế phục hồi, thị trường nhân sự sẽ "ấm" dần.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) sẽ phải đối mặt với khó khănkhi tuyển dụng nhân sự khi cạnh tranh với các công ty lớn với nguồn ngân sách khổng lồ. Ngược lại, các SME sẽ linh hoạt hơn trong việc tái cấu trúc để thích ứng với sự thay đổi của thị trường.
Theo nhận định của bà Hà, thị trường tuyển dụng quí III sẽ sôi động hơn so với quí II khi các công ty đang theo đuổi kế hoạch đã bị trì hoãn của quí II. Bà cũng nhận định đây là thời điểm để tìm kiếm những ứng viên tiềm năng với mức chi phí tốt nhất.