Quỹ đất trong tay các 'ông lớn' địa ốc Việt

Mặc dù thị trường 2019 có nhiều khó khăn, nhiều ông lớn trong ngành bất động sản vẫn tự tin bước vào năm 2020 với quỹ đất lớn trong tay.

Năm 2019 với nhiều khó khăn đến từ chính sách kiểm soát tín dụng đối với ngành bất động sản và việc rà soát tình hình pháp lý các dự án, tuy nhiên một số doanh nghiệp địa ốc lớn của Việt Nam vẫn bước vào năm 2020 với một tâm thế tự tin nhờ quỹ đất đang sở hữu.

Theo đánh giá của Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), các doanh nghiệp sở hữu quỹ đất lớn đều là các ông lớn trong ngành.

Đơn vị này cũng dự báo tín hiệu tích cực cho các doanh nghiệp có quỹ đất tại các vị trí trung tâm và điều kiện pháp lý vững chắc.

Thống kê của VDSC cho thấy Vinhomes (VHM) là nhà phát triển bất động sản có quỹ đất lớn nhất, lên đến 14.900 ha. Trong đó, 50% quỹ đất của doanh nghiệp này tập trung tại Hà Nội và TP HCM, còn lại ở khu vực sôi động như Quảng Ninh...

Quỹ đất trong tay các 'ông lớn' địa ốc Việt - Ảnh 1.

Bảng thống kê quỹ đất của các ông lớn địa ốc Việt trên thị trường. (Biểu đồ: Hà Bùi).

Với các dự án Vinhomes Ocean Park, Vinhomes Smart City, Vinhomes Wonder Park, Vinhomes Grand Park tại TP HCM và Hà Nội, Vinhomes đang hướng đến phát triển các đại đô thị quy mô lớn vài trăm ha khu vực vùng ven Hà Nội và TP HCM.

Đứng ở vị trí thứ hai về quỹ đất khủng là Tập đoàn Novaland (NVL) với 4.270 ha. Theo Novaland công bố, đây là tổng quỹ đất mà doanh nghiệp này sở hữu và đang nghiên cứu phát triển.

Các dự án phát triển của Novaland tập trung vào 3 nhóm sản phẩm là nhà ở đô thị tại TP HCM, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng và khu đô thị sinh thái ở các tỉnh lân cận. Doanh nghiệp này cũng nhận định với quỹ đất hiện có, Novaland có đủ khả năng phát triển bền vững trong 10-20 năm tới.

Thống kê của VDSC cũng cho thấy các ông lớn địa ốc khác như Khang Điền (KDH), Nam Long (NLG) cũng đang sở hữu quỹ đất lớn, lần lượt là 650 ha và 640 ha.

Quỹ đất của ông lớn Khang Điền được tích luỹ chủ yếu thông qua việt mua lại CTCP Đầu tư Xây dựng Bình Chánh cuối năm 2017 và nằm tập trung chủ yếu tại TP HCM. Trong hai năm tới, hai dự án Verosa Park và Clarita sẽ đóng góp thêm vào tăng trưởng của doanh nghiệp này với lợi nhuận bình quân kỳ vọng đạt 30-40%.

Trong khi đó, Nam Long đang tiếp tục mở rộng phủ sóng ra các tỉnh lớn bao gồm Đồng Nai và Hải Phòng. Theo đánh giá của VDSC, đây là những khu vực có tiềm năng tăng trưởng lớn trong trung hạn do sự cải thiện các điều kiện cơ sở hạ tầng và được coi là cửa ngõ kết nối với khu vực kinh tế phía Bắc và phía Nam.

Các quỹ đất mới mua lại của Nam Long trong năm 2019 tương đối lớn và chủ yếu nằm ở khu vực thuộc các tỉnh lân cận Hà Nội và TP HCM, nhằm tận dụng xu hướng chuyển dịch sang thị trường vùng ven.

Các doanh nghiệp địa ốc khác như DIC Corp, Văn Phú Invest, Đất Xanh, Hà Đô... đứng ở phía sau với quỹ đất sạch từ vài chục đến hàng trăm ha.

Dự báo về thị trường, VDSC cho rằng các chủ đầu tư đang rất tích cực trong việc tích luỹ quỹ đất để chuẩn bị trong tương lai, đặc biệt là khu vực vùng ven. Tuy nhiên, đơn vị này cũng cho rằng trong bối cảnh hiện tại, chỉ những dự án ở khu vực trung tâm như Hà Nội hay TP HCM mới có tỷ lệ hấp thụ cao, trong khi đó tình hình sẽ khó khăn hơn đối với các tỉnh thành còn lại.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.